Nhạc sĩ Văn Phụng và câu chuyện người thiếu nữ Suối Tóc

Ca sĩ Châu Hà. (Hình: TLMN)

Những ai mê các ca khúc trữ tình của nhạc sĩ lừng danh Văn Phụng đều biết đến giọng ca mượt mà của ca sĩ Châu Hà, người bạn đời gắn bó và cũng là nguồn cảm hứng sáng tác của ông trong rất nhiều tác phẩm.

Chào đời trong một gia đình khá giả, bố người Bắc, mẹ là người miền Nam ở Mỹ Tho, ca sĩ Châu Hà thuở nhỏ đã theo học một trường của các nữ tu tại Sài Gòn và quen hát Thánh ca. Vì học đàn piano với một thầy nổi tiếng nghiêm khắc, nên bà hấp thụ được rất nhiều.

“Thầy dạy piano tôi tên là Nguyễn Văn Dung. Ông rất giỏi, giỏi đủ mọi thể điệu: Nhạc Mỹ, nhạc Tây phương, nhạc Âu châu, nhạc gì ông cũng biết. Tôi học, tôi biết các bản nhạc của Mỹ là do ông và tôi biết lịch sử về nhạc Jazz cũng là tôi học ở ông. Học piano, tôi đánh 4 tiếng một ngày, hết một quyển exercice, ông đòi hỏi như vậy,” bà cho biết.

Thoạt đầu bà ôm mộng làm nhạc sĩ, nhưng có lẽ số mệnh đã đưa đẩy khiến bà trở thành một ca sĩ và bà theo nghiệp cầm ca chắc cũng từ cái gène của bố mẹ. “Mẹ tôi biết nhạc, đánh đàn cũng hay lắm. Ông cụ thì nghe “cô đầu”. Ông mê cô đầu nên tối tối ông đi nghe hát. Mẹ tôi ở nhà đánh đàn. Dòng họ bên ngoại tôi, các ông các bà hát vọng cổ hay lắm, thành ra tôi nghĩ mình chịu ảnh hưởng của bên ngoại.”

Nhờ năng khiếu ca hát trời cho, khả năng đàn piano thành thạo và rành nhạc lý, ca sĩ Châu Hà không gặp khó khăn gì trong ca hát. Dù gặp một bài mới, hay không có đàn kèm theo, bà vẫn hát dễ dàng. Bà lại là người mê nhạc Tây phương, cả cổ điển lẫn hiện đại.

“Ông Tino Rossi, ngày xưa tôi có một đĩa hát trong đó ông hát bản Tristesse của Chopin, J’attendrais, La vie en rose… khoảng đâu 6 -7 bài. Tôi thuộc hết những bản nhạc đó. Bài J’attendrais ông hát hay lắm. Giọng ông như là mây, như là gió, nhẹ như sương,” bà Hà say sưa kể. “Ông hát mà hơi thở của ông êm, nó mềm, nó tình tứ, hơi dài, ấm áp, trong veo. Ông Perry Como cũng thế. Ông Perry Como là người Mỹ, giọng ông cũng như vậy. Rồi ông Nat King Cole, bà Patti Page. Giọng Perry Como, Nat King Cole nghe đến là người cứ nhũn ra. Cận đại có Julio Iglesias. Tôi học nhiều ở họ, từ hơi thở, từ cái ngắt câu, từ cách ngân, phải có ngân, phải có nuance tức là có lớn, có nhỏ, có trầm bổng. Hát là cả một nghệ thuật rất khó, nếu trời không cho không làm được.”

Khả năng ca hát của Châu Hà không chỉ dừng lại ở chất giọng, ở kỹ thuật, mà còn cả một nghệ thuật chuyển tải âm nhạc qua nhiều ngôn ngữ khác nhau. Bà kể tiếp: “Có một thời gian vài năm tôi hát cho các sĩ quan cao cấp quân đội Mỹ. Ban nhạc của chúng tôi chơi trên nóc của Rex. Tôi với anh Văn Phụng và Kim Tước hát ở đó khá lâu. Quân đội Mỹ, Hiệp Chủng Quốc thì thành ra đủ các giống người. Có Đại Hàn tôi hát tiếng Đại Hàn. Có người Hawaii tôi hát tiếng Hawaii. Tổng cộng, tôi hát đến bảy thứ tiếng. Có khách gì, tôi hát tiếng đó.”

Hồi tưởng lại kỷ niệm lần đầu gặp gỡ nhạc sĩ Văn Phụng, bà còn nhớ như in: “Năm 1952, ba anh Văn Phụng mướn nhà của ba tôi. Một hôm anh Văn Phụng đến thăm ông cụ, anh nghe tiếng đàn của tôi, anh rón rén, anh tò mò, anh lên lầu. Lúc đó tôi ngồi đàn, hong tóc dài của tôi cho khô, tóc tôi dài chấm đất. Vừa đàn nhưng tôi thoáng thấy có bóng người nơi cửa, tôi quay lại tôi thấy anh Văn Phụng. Anh nói: ‘Xin lỗi, tôi là Văn Phụng, con cụ Bảng dưới nhà, nghe tiếng đàn của cô tôi đánh bạo lên đây để làm quen. Lúc đó tôi không biết Văn Phụng là ai vì tôi ở miền Nam nhiều hơn ở ngoài Bắc. Anh hỏi tôi, ‘Cô đàn bài gì đó?’ Tôi trả lời bản nhạc tên là It’s A Sin To Tell A Lie của Eddie Duchini, một nhạc sĩ Mỹ tôi học ở miền Nam. Anh bảo: ‘Vậy cô có thể cho tôi đàn nhờ một tí?’ Anh nhìn bản nhạc ấy mà đàn hay lắm.

Anh đàn xong rồi tôi mới thấy tôi múa rìu qua mắt thợ. Tôi khen thì anh đàn luôn bản Suối Tóc, dù đàn xong anh không biết đặt tên bài ấy là bài gì. Anh chỉ nói: ‘Mái tóc cô đẹp quá, thật là suối tóc, và nó thành tên của bài. Rồi chúng tôi không gặp nhau nữa. Từ 1952 đến 1954 chúng tôi không gặp nhau vì có quen nhau đâu, có bạn bè gì đâu. Lúc đó anh đã có vợ rồi. Tôi đâu màng đến người có vợ? Lúc đó tôi mới 18 tuổi, còn trẻ quá. Nhà ông cụ, bà cụ tôi khá giả thành ra cụ cứ phải chọn lựa người đúng cho mình. Người ta nhầm, người ta tưởng thời gian đó chúng tôi đã lấy nhau rồi hay đã yêu nhau rồi bị gián đoạn. Cái đó không đúng!”

Năm 1955, sau khi vào Sài Gòn, Châu Hà được người anh nuôi là Đoàn Văn Cừu, tổng giám đốc Đài Phát Thanh Việt Nam, dành cho 1 giờ mỗi ngày để trình diễn trên đài khi đài tăng cường giờ phát sóng từ 8 tiếng lên thành 24 tiếng một ngày. “Tôi lập một ban nhạc để chơi nhạc trong một giờ đồng hồ phát thanh. Có tiền, có phát lương đàng hoàng, 300 đồng một bài. Tự nhiên từ đó, tên tuổi của tôi vang lên ở làn sóng điện, một cách không phải thi cử, tuyển lựa gì cả. Cứ thế là hát, cứ thế là tổ chức ban nhạc của mình.”

Bà Châu Hà sau đó trở thành người vợ thứ hai, và là người chia sẻ tâm đắc sự nghiệp của chồng, nhạc sĩ Văn Phụng.

Ca sĩ Châu Hà (trái) và Ca sĩ Thái Thanh (Hình: NhacXua)

Năm 1978, cả gia đình nhạc sĩ Văn Phụng vượt biển đến được Malaysia. Sáu tháng sau khi đến đảo, bà Châu Hà theo chồng đến định cư ở Hoa Kỳ và tiếp tục cuộc đời tự do và sáng tác. Năm 1999, nhạc sĩ Văn Phụng ra đi trong sự tiếc thương vô hạn của vợ con và bạn bè.

Bà Hà nói sau khi ông Phụng mất, nhiều năm liền bà không dám nghe nhạc của chồng sáng tác vì niềm đau khôn nguôi. “Tôi nghe nhạc, tôi bị anxiety attack (hoảng loạn) liền, suốt bảy năm trời. Cứ nghe nhạc là bị attack, thế là đi nhà thương, tìm không ra bệnh lại gửi về. Bảy năm như thế, không dám nghe nhạc của anh nữa bởi vì nó đau quá. Mình mất tình yêu của mình thương tâm quá, nên không muốn nghĩ tới nữa. Nghĩ tới vẫn còn thấy đau…”

Những ngày cuối đời, bà Châu Hà sống tại khu nhà dành cho người cao niên và người hưu trí ở Tyson Corner, tiểu bang Virginia. Bà cho biết bà vui thích lắm, vì ở đấy có nhiều bạn già 90-100 tuổi. Bà là người trẻ nhất, 83 tuổi. Rồi bà cũng ra đi theo ông, vào ngày 15 Tháng Tám năm 2021.

—-

Nhạc sĩ Văn Phụng. (Hình: Wikipedia.org)

Nhạc sĩ Văn Phụng

Tên ông đầy đủ là Nguyễn Văn Phụng, sinh năm 1930 tại Hà Nội. Năm 16 tuổi, sau khi tốt nghiệp Tú Tài, Văn Phụng theo học ngành Y vì ý muốn của cha ông. Nhưng chỉ được một năm ông bỏ học để theo âm nhạc. Cuối năm 1954, Văn Phụng vào miền Nam và trở thành nhạc trưởng của Đài Phát Thanh Quân Đội, đồng thời phụ trách chương trình ca nhạc trên Đài Phát Thanh Sài Gòn. Ông sáng tác trên 60 ca khúc, trong số đó có rất nhiều nhạc phẩm đặc sắc như: Bức Họa Đồng Quê, Trăng Sơn Cước, Yêu, Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn, Suối Tóc, Tiếng Dương Cầm.

Dù được xem là một trong các nhạc sĩ theo trường phái nhạc cổ điển Tây Phương, Văn Phụng cũng viết những bản nhạc mang âm hưởng dân ca như Trăng Sáng Vườn Chè (Phổ thơ Nguyễn Bính), Các Anh Đi (Thơ Hoàng Trung Thông), Nhớ Bến Đà Giang.

Ông còn là một trong những nhạc sĩ hòa âm xuất sắc nhất của Sài Gòn trước 1975. Tháng Mười Hai năm 1999, ông qua đời vì bệnh nặng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: