Khởi đầu cuộc thương chiến lần thứ hai, ông Donald Trump, tổng thống Mỹ, ra lệnh đánh thuế 10% lên hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc bắt đầu từ Thứ Ba, 4 Tháng Hai, kể cả những gói hàng “nhỏ lẻ” hiện được miễn thuế nhập cảng (tariff) theo một quy định đã có gần trăm năm nay gọi là “de minimis.” Nhưng chỉ ba ngày sau, Thứ Sáu, 7 Tháng Hai, ông Trump bất ngờ “quay xe.”
Ông Trump đình chỉ việc đánh thuế các gói hàng nhập cảng có giá trị dưới $800, nghĩa là thương nhân Trung Quốc được tiếp tục bán vào Mỹ hàng triệu gói hàng nhỏ lẻ mà không phải chịu thuế. “De minimis” là chính sách gì, có ý nghĩa gì với đời sống người Mỹ và tại sao ông Trump vội vã đảo ngược quyết định như vậy?
“De minimis” tiếng La Tinh có nghĩa là “vặt vãnh, không quan trọng.” Theo Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế Mỹ (ITC), “de minimis” được đưa vào Section 321 trong luật Thuế Nhập Cảng năm 1930 (U.S. Tariff Act of 1930) như một cách giúp cho người Mỹ không phải chịu thuế khi nhận quà tặng, khi trở về từ những chuyến du lịch ngoại quốc hoặc mua những món hàng ít giá trị từ nước ngoài.
Hiện có khoảng 100 quốc gia được gửi vào Mỹ những gói hàng có giá trị dưới $800 mà không phải chịu thuế và các gói hàng ấy cũng không phải qua quy trình kiểm tra nghiêm ngặt của quan thuế và biên phòng (CBP).
Lỗ hổng bị lợi dụng
Tuy vậy, theo thời gian, chính sách “de minimis” đã trở thành một lỗ hổng lớn trong hệ thống thuế quan và bị các đối tác thương mại lợi dụng, nhất là sau khi chính quyền Barack Obama nâng mức giá trị được miễn thuế của gói hàng từ $200 lên $800 theo đạo luật lưỡng đảng “Trade Facilitation and Trade Enforcement Act of 2016.” Đây là mức miễn thuế hào phóng nhất thế giới so với mức 150 euro ($156) của các nước Liên Âu, $70 của Nhật, $50 của Mexico, $15 của Canada hoặc $7 của Trung Quốc.
Cùng với sự bùng phát của thương mại điện tử (e-commerce), sự mở rộng mạng lưới hoạt động của các công ty vận chuyển quốc tế như UPS, DHL và FedEx, mức miễn thuế hào phóng của Mỹ đã khiến cho việc nhập cảng gói hàng nhỏ lẻ tăng vọt: từ 134 triệu gói năm 2015 lên đến 1.37 tỷ gói năm 2024, theo dữ liệu của Reuters Investigates. Năm 2024 bình quân mỗi ngày CBP tiếp nhận và xử lý khoảng 4 triệu gói hàng nhỏ lẻ so với 2.8 triệu gói mỗi ngày năm 2023.
Ở Trung Quốc, chính phủ khuyến khích thương nhân đẩy mạnh xuất cảng hàng “nhỏ lẻ” vào Mỹ, giảm thuế 13% cho họ, nhằm tạo cho người Mỹ một lối sống dựa vào hàng giá rẻ mà Trung Quốc có lợi thế. Một báo cáo của Congressional Research Service công bố tuần trước ghi nhận tổng giá trị hàng miễn thuế nhập cảng từ Trung Quốc năm 2023 đã tăng lên $66 tỷ so với chỉ $5.8 tỷ năm 2018.
Năm 2023, Trung Quốc đưa vào Mỹ 641 triệu gói hàng nhỏ lẻ miễn thuế, cộng với 42 triệu gói từ Hồng Kông trong khi Mexico chỉ đưa 101 triệu gói hàng và Canada 91 triệu gói, theo dữ liệu của Reuters. Hai hãng bán hàng giá rẻ trực tuyến Temu và Shein của Trung Quốc chiếm hơn một nửa số gói hàng nói trên và có thể nói “lỗ hổng” về thuế và biên phòng là yếu tố quyết định sự tăng trưởng mạnh mẽ của hai công ty này tại Mỹ.
Nhiều người Mỹ có thói quen mua hàng của Temu và Shein trên mạng trực tuyến. Thống kê ghi nhận 73% số đơn mua hàng trực tuyến được miễn thuế là từ các mã bưu chính (zip code) nghèo, cho thấy một bộ phận người nghèo và trung lưu ở Mỹ sống nhờ vào việc mua sắm các mặt hàng tiêu dùng giá rẻ và miễn thuế.
“De minimis” lợi bất cập hại
Những người ủng hộ chính sách “de minimis” cho rằng, nó giúp người tiêu dùng Mỹ, nhất là người nghèo, tiết kiệm chi tiêu và kiềm chế lạm phát. Nhưng những người phản đối cho rằng, luật “de minimis” lợi bất cập hại. Một mặt, làn sóng hàng tiêu dùng giá rẻ và miễn thuế tràn ngập thị trường đã gây nhiều khó khăn cho các nhà sản xuất trong nước, giúp các thương nhân ngoại quốc như Shein và Temu có lợi thế hơn thương nhân Mỹ ngay trên thị trường Mỹ. Nhưng đáng sợ hơn là kẻ gian lợi dụng thủ tục kiểm tra lỏng lẻo đối với các gói hàng miễn thuế để đưa vào Mỹ hàng quốc cấm, hàng có hại cho sức khỏe và môi trường, thậm chí cả vũ khí và nhất là ma tuý tổng hợp fentanyl.
Theo một báo cáo chi tiết của CBP vào Tháng Mười năm ngoái, nhan đề “Buyer Beware: Bad Actors Exploit De Minimis Shipments,” ngoài thực phẩm có hại như thịt gia súc bị nhiễm khuẩn, hầu như tuần nào đội kiểm tra của US-CBP tại phi trường quốc tế JFK ở New York cũng phát hiện được các gói nitazene, xylazine – các tiền chất để bào chế ma túy tổng hợp fentanyl – ít thì vài gram, nhiều thì một vài pound, ngụy trang trong các gói hàng miễn thuế gửi tới các địa chỉ nhà riêng ở Mỹ.
Ma túy tổng hợp fentanyl, mạnh hơn morphine khoảng 50 lần, là nguyên nhân chính gây tử vong cho thanh niên Mỹ; trong năm 2023 đã có 107,543 người Mỹ thiệt mạng do dùng fentanyl quá liều, theo dữ liệu của Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC). Điều tra của Reuters ghi nhận trong năm 2023, CBP bắt được 7,584 pound chất bào chế fentanyl, tăng gấp bốn lần năm 2021. Trong số này có 5,127 pound bị thu giữ ở phi trường quốc tế Los Angeles (LAX), California, và 1,984 pound ở phi trường JFK New York.
Súng AK-47 tháo rời, các bộ phận của vũ khí đóng trong nhiều thùng khác nhau, được bọc trong giấy bạc và phủ chocolate, cũng là mặt hàng thường gặp trong các gói hàng miễn thuế.
Khó bãi bỏ “de minimis”
Tác hại của “lỗ hổng” quan thuế “de minimis” đã được cảnh báo từ lâu nhưng việc ngăn chặn là không dễ vì liên quan đến luật lệ do Quốc Hội phê chuẩn. Năm 2023, Thượng Nghị Sĩ Tammy Baldwin (Dân Chủ-Wisconsin) và Thượng Nghị Sĩ Bill Cassidy (Cộng Hòa-Louisiana) đề nghị dự luật “De Minimis Reciprocal Act” nhằm loại Trung Quốc khỏi danh sách các quốc gia được gửi hàng miễn thuế vào Mỹ; Tháng Tư năm ngoái, Thượng Nghị Sĩ Baldwin và Thượng Nghị Sĩ Mike Braun (Cộng Hòa-Indiana) lại đề ra dự luật “Ensure Accountability in the De Minimis Act” yêu cầu Bộ Tài Chính và CBP có biện pháp ngăn chặn việc nhập cảng miễn thuế các hàng hóa: 1/làm bằng lao động cưỡng bức; 2/hàng giả, vi phạm bản quyền; 3/chứa chất cấm như fentanyl và tiền chất bào chế fentanyl… Tuy vậy các dự luật này không tiến triển được mà chìm trong nghị trình soạn thảo luật của Quốc Hội.
Sốt ruột trước tác hại của fentanyl, Tháng Chín, 2024, 126 dân biểu Dân Chủ trong Hạ Viện đã gửi thư cho Tổng Thống Joe Biden yêu cầu ông ban hành sắc lệnh lấp lỗ hổng “de minimis” nhưng chính quyền Biden trong những ngày tháng cuối đã không hành động đủ mạnh một phần vì lo ngại bãi bỏ “de minimis” sẽ làm giá hàng hóa tăng lên, tác động bất lợi đến lựa chọn của cử tri trong cuộc bầu cử Tháng Mười Một, 2024.
Sắc lệnh của ông Trump hôm 4 Tháng Hai không thay thế hoặc hủy bỏ chính sách “de minimis” nhưng buộc hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc phải chịu thuế 10% và chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt hơn của CBP. Ngay sau sắc lệnh của ông Trump, Bưu Điện Mỹ (USPS) đã thông báo ngừng việc vận chuyển bưu kiện từ Trung Quốc và Hồng Kông đến Mỹ trong khi các nhà vận chuyển khác như UPS, FedEx, DHL lên tiếng phản đối. Trong khi đó, các kho hàng nhập cảng tại các phi trường lớn tràn ngập hàng hóa chờ kiểm tra, gây tắc nghẽn trong hoạt động xuất nhập cảng.
Có thể do hiện tượng tắc nghẽn, do phản đối của các công ty vận chuyển, do biện pháp trả đũa từ Trung Quốc hoặc do lo ngại phản ứng của cử tri vì giá cả leo thang mà chỉ vài ngày sau khi sắc lệnh có hiệu lực, chính quyền Trump “quay xe,” đình hoãn việc đánh thuế lên các gói hàng nhập cảng từ Trung Quốc có giá trị dưới $800. USPS cũng thông báo tiếp tục nhận vận chuyển bưu kiện từ Trung Quốc mà họ tạm ngừng vào hôm trước.
Toà Bạch Ốc nói rằng, việc đình hoãn chỉ là tạm thời, sẽ được tái lập sau khi “Bộ trưởng Thương Mại bảo đảm với tổng thống rằng các hệ thống phù hợp đã được thiết lập để xử lý nhanh chóng [các gói hàng nhập cảng] và thu thuế đầy đủ.” Hiện CBP phải xúc tiến nhanh việc tuyển dụng và đào tạo nhân viên, cải tiến trang bị và công nghệ để có thể kiểm tra và tính thuế hàng triệu gói hàng nhỏ lẻ mỗi ngày. Chưa rõ đến lúc nào thì công việc này hoàn thành, lệnh áp thuế sẽ được nối lại, người tiêu dùng Mỹ nên chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng hàng hóa Trung Quốc không còn rẻ nữa.
Về lâu dài, chưa biết ông Trump có dứt khoát triệt hạ việc Trung Quốc lợi dụng lỗ hổng “de minimis” hay không. Sự kiện ông Trump hoãn thi hành luật cấm mạng TikTok hoạt động tại Mỹ mà Quốc Hội đã thông qua, giảm mức thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc xuống 10% thay vì 60% như lời ông hứa khi tranh cử và vụ “quay xe” đình hoãn việc áp thuế lên hàng “nhỏ lẻ” từ Trung Quốc cho thấy ông Trump dường như không mấy mạnh tay trong việc chống Trung Quốc về kinh tế sau khi vấp phải một thực tế phức tạp trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung.