Tiếng Việt trong học đường Mỹ, 50 năm nhìn lại

Buổi đọc sách Tiếng Việt cho các cháu học sinh trường tiểu học John Murdy, học khu Garden Grove, California. (Hình: Facebook Quyên Di)

Năm mươi năm, một thời gian dài đủ để chúng ta nhìn lại vị trí của tiếng Việt trong nhà trường Mỹ. Trong năm mươi năm ấy, thân phận tiếng Việt khi chìm khi nổi, tuỳ theo chính sách của nhà cầm quyền.

Nói cho ngay, không phải chỉ riêng tiếng Việt chịu số phận chìm nổi, mà nhiều ngôn ngữ được xem là ngoại ngữ đối với ngành giáo dục tại Hoa Kỳ có chung số phận. Sự sống còn của mỗi ngôn ngữ ấy tuỳ thuộc vào quyết tâm gìn giữ và quyết liệt tranh đấu của cộng đồng nói ngôn ngữ ấy.

Sự sụp đổ của việc học ngoại ngữ tại Hoa Kỳ

Nói về bối cảnh, Hoa Kỳ không phải là môi trường thuận lợi cho việc dạy ngoại ngữ. Trong một bài viết được phổ biến vào ngày 16 Tháng Năm, năm 2018, tác giả Sarah Dix nhận định:

“Hầu hết người Mỹ không học ngôn ngữ thứ hai vì tiếng Anh là ngôn ngữ thống trị trên toàn thế giới, ngôn ngữ này được sử dụng ở 101 quốc gia, 1.5 tỉ người học và là ngôn ngữ của một phần tư dân số thế giới.”

Những số liệu thống kê này có ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn học một ngôn ngữ khác ở Mỹ.

Trong một nghiên cứu, 81% người Mỹ nói rằng điều quan trọng đối với người nhập cư là học tiếng Anh, trong khi chỉ có 19% tin rằng những người nói tiếng Anh bản ngữ nên học ngôn ngữ thứ hai. Chính thái độ này dẫn đến những con số cho thấy chỉ 25% người Mỹ biết đủ ngoại ngữ để trò chuyện với người khác.

Báo cáo của học viện Khoa Học và Nghệ Thuật Hoa Kỳ và Hội Đồng Giáo Dục Quốc Tế Hoa Kỳ cho biết các trường công lập và các cơ quan quốc gia đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà giáo dạy ngoại ngữ, cũng như cứ năm học sinh thì chỉ có một học sinh ghi tên học một lớp ngoại ngữ.

Gần đây, từ năm 2020, khi khuynh hướng “toàn cầu hoá” càng ngày càng gia tăng và ưu thế của tiếng Anh trên thế giới đang trên đà đi xuống, việc học ngoại ngữ ở Mỹ lại càng giảm sút. Tác giả Olga Sylvia, Ph.D. giải thích hiện tượng này như sau: “Theo Hiệp Hội Ngôn Ngữ Hiện Đại, việc giảng dạy bằng ngoại ngữ trong các trường đại học cộng đồng và đại học chuyên nghiệp bắt đầu giảm vào năm 2009. MLA tuyên bố rằng, “chỉ có 7.5 sinh viên ghi tên học ngoại ngữ trên 100 sinh viên ghi tên vào các trường đại học cộng đồng Mỹ vào năm 2016. Con số này giảm so với 8.1 ba năm trước đó, 9.1 vào năm 2006 và con số trên 10 trong những năm 1960 và 1970,” cho thấy một xu hướng (xuống dốc) nghiêm trọng.

Sự sụt giảm này của người học ngôn ngữ không chỉ giới hạn ở giáo dục đại học. Ở các trường phổ thông, học sinh ngày càng ít quan tâm đến việc tham gia các lớp học ngoại ngữ. Theo báo cáo Khảo Sát Tuyển Sinh Ngoại Ngữ K-12 Quốc Gia được công bố vào Tháng Sáu năm 2017, “tỉ lệ ghi tên học ngoại ngữ chiếm khoảng 20% tổng dân số trong độ tuổi đi học. Chỉ có 11 tiểu bang đòi hỏi sinh viên hoàn tất môn ngoại ngữ để được tốt nghiệp; 16 tiểu bang không đòi hỏi hoàn tất chương trình ngoại ngữ; và 24 tiểu bang có các đòi hỏi để tốt nghiệp có thể được đáp ứng bằng một số môn học – một trong số đó có môn ngoại ngữ”. Trung bình, chỉ có 20% học sinh K-12 ghi danh học các lớp ngoại ngữ. Ở California, chỉ có 13.91% học sinh của trường tham gia các lớp học ngoại ngữ. Tình hình nghiên cứu ngôn ngữ hoàn toàn ngược lại ở Âu châu, nơi 92% trẻ em ghi danh các khoá học ngoại ngữ.

Khó có thể giải thích được sự sụp đổ của việc học ngoại ngữ tại Hoa Kỳ trong điều kiện hiện đại của toàn cầu hoá, giao lưu giữa các nền văn hoá và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Các nền kinh tế trên toàn cầu đang ngày càng trở nên quốc tế hơn, với xu hướng mới nhất của nền kinh tế thế giới như sau: “Nền kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển khỏi thế giới nói tiếng Anh. Kể từ năm 1975, tỉ trọng nói tiếng Anh trong GDP toàn cầu đã giảm đáng kể và sẽ tiếp tục giảm. Châu Mỹ La-tinh (nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) và Nam Á (nói tiếng Hindi và tiếng Urdu) cũng đang phát triển mạnh mẽ. Xuất cảng đã chiếm một nửa trong tăng trưởng kinh tế Mỹ sau suy thoái, và tăng trưởng của Mỹ trong tương lai sẽ ngày càng phụ thuộc vào việc bán hàng hoá và dịch vụ của Mỹ cho người tiêu dùng nước ngoài, những người không nhất thiết phải nói tiếng Anh”.

Một số luật cản trở việc học ngoại ngữ

Đạo luật “No Child Left Behind” (Không trẻ em nào bị bỏ lại đằng sau) là một bước ngoặt trong việc cải cách giáo dục nhằm nâng cao thành tích của học sinh và thay đổi văn hoá của các trường học ở Mỹ. Tổng thống George W. Bush mô tả luật này là “nền tảng của chính quyền của tôi.” Với việc thông qua dự luật “No Child Left Behind,” Quốc Hội tái xác định đạo luật Giáo Dục Tiểu Học và Trung Học (ESEA) – đạo luật chính của liên bang ảnh hưởng đến giáo dục từ mẫu giáo đến trung học.

Sở dĩ có đạo luật này vì những người làm luật nhận định rằng nhiều học sinh tiểu học và cả trung học rất kém hai môn Math và Reading (Toán và Đọc tiếng Anh). Đạo luật nhằm giúp đỡ những học sinh kém để không học sinh nào bị rớt lại phía sau, không theo kịp các bạn. Về khả năng Anh ngữ, đạo luật còn tiến tới việc phân loại các học sinh theo sắc tộc để dựa trên căn bản đó giúp những nhóm học sinh này phát triển khả năng Anh ngữ của mình. Đạo luật có ý hướng tốt nhưng vô hình trung khiến các học khu và nhà trường tăng ngân sách và nỗ lực cho các chương trình Anh ngữ, từ đó các chương trình học ngoại ngữ bị cắt giảm ngân sách và không được chú ý.

Bất chấp kết quả của các cuộc nghiên cứu, một phong trào đã bắt đầu ở California vào cuối thập niên 1990 nhằm hình thành đạo luật chống lại các chương trình song ngữ. Dự luật 227, hay sáng kiến “Tiếng Anh cho Trẻ Em,” tuyên bố rằng kết quả học tập kém của những người nói tiếng Tây Ban Nha là do họ được xếp vào các chương trình song ngữ. Những người đưa ra dự luật hứa rằng những học sinh này sẽ có kết quả học tập cao hơn nếu được đặt trong các chương trình chỉ sử dụng tiếng Anh. Sáng kiến này tìm cách đưa chương trình giảng dạy chỉ bằng tiếng Anh trở thành chương trình mặc định trong toàn tiểu bang, và vào năm 1998, nó đã được thông qua.

Những người ủng hộ Dự luật 227 ở California đã tiếp tục thông qua một sáng kiến tương tự ở Arizona vào năm 2000, và sau đó ở Massachusetts vào năm 2002.

Sau khi dự luật này được thông qua để trở thành đạo luật, một bầu khí nặng nề bao trùm các trường tiểu học và trung học, nơi có nhiều học sinh thuộc các nhóm sắc dân thiểu số mới định cư tại Hoa Kỳ theo học.

Phục hồi các chương trình song ngữ

Với dữ liệu nhiều năm về việc người học tiếng Anh đã sống như thế nào ở các tiểu bang theo luật chỉ dùng tiếng Anh, nhóm nghiên cứu Những Dự Án Dân Quyền tại đại học UCLA và nhiều nhóm khác đã thực hiện một loạt các nghiên cứu ở mỗi tiểu bang để xác định tác động của nó. Những nghiên cứu này được xuất bản trong một cuốn sách năm 2011 có tựa đề “Ngôn Ngữ Bị Cấm: Người Học Tiếng Anh và Các Chính Sách Về Ngôn Ngữ Bị Hạn Chế.”

Tất cả các nghiên cứu đều khám phá ra rằng có rất ít sự khác biệt trong kết quả học tập của học sinh trong các chương trình chỉ sử dụng tiếng Anh so với kết quả học tập của họ trước khi luật “English Only” được thông qua; khoảng cách thành tích không được thu hẹp ở bất kỳ tiểu bang nào đã thông qua luật English Only. Hơn thế nữa, có bằng chứng ở Massachusetts cho thấy tỉ lệ bỏ học đối với những người học tiếng Anh tăng lên, và ở Arizona có nhiều học sinh EL (English Learner) được xếp vào các lớp giáo dục đặc biệt có kết quả rất tiêu cực.

Sau đó hai đạo luật “No Child Left Behind” và “English Only” bị nhiều tiểu bang bãi bỏ. Thay vào đó, luật “Every Student Succeeds Act” ra đời. Dự luật 58 cho phép các trường cung cấp chương trình giáo dục Song Ngữ (Bilingual) và chương trình Ngôn Ngữ Song Hành Hoà Nhập (Dual Language Immersion).

Trong những năm xảy ra chiến tranh Việt Nam (1955-1975,) có một cuộc chiến tranh khác ở biên giới Lào-Việt, gọi là Cuộc Chiến Bí Mật (Secret War). Cơ quan CIA của Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh này và lính của họ là người H’Mong. Sau năm 1975, người H’Mong sang Mỹ khá đông. Họ định cư ở một số tiểu bang, trong đó có Minnesota và California. Người H’Mong có phong tục cưới hỏi rất sớm (13, 14 tuổi,) nhưng luật hôn nhân ở Hoa Kỳ quy định 18 tuổi mới được lập gia đình. Yêu nhau mà không lấy được nhau, nhiều đôi nam nữ trẻ người H’Mong tự tử. Các bô lão H’Mong ở California nêu vấn đề cộng đồng H’Mong gặp khủng hoảng trầm trọng vì sự va chạm văn hoá. Họ yêu cầu chính phủ tiểu bang phải đưa văn hoá và ngôn ngữ H’Mong vào chương trình học của các trường công lập. Chính quyền tiểu bang chấp thuận và cấp ngân khoản để thực hiện chính sách này. Sau đó, các cộng đồng người H’Mong bị phân hoá. Họ có H’Mong Xanh, H’Mong Đen, H’Mong Hoa v.v.. Cộng đồng nào cũng đòi phải được cấp ngân khoản. Lại có thêm cộng đồng người Mong (không có H’ ở đầu tên) cũng đòi hỏi quyền lợi. Cuối cùng, chính quyền California giải quyết bằng cách mở rộng chương trình cho tất cả các nhóm sắc dân Đông Nam Á (South East Asian Ethnic group), trong đó có Việt Nam. Dự luật AB 78 ra đời và sau đó được thông qua thành luật.

Theo dự luật này, các lớp học về văn hoá và ngôn ngữ Đông Nam Á được áp dụng cho lớp 7 đến lớp 12. Dự luật này khuyến khích các học khu và nhà trường giúp học sinh biết về chiến tranh Việt Nam, bao gồm cả cuộc “Chiến Tranh Bí Mật” ở biên giới Lào-Việt, và vai trò của người Đông Nam Á trong cuộc chiến đó. Dự luật cũng bày tỏ sự khuyến khích cơ quan lập pháp quan tâm đến lời khai cá nhân của những người Đông Nam Á đã tham chiến tại Việt Nam.

Với dự luật, và sau đó trở thành đạo luật AB 78, các học khu và trường học có nhiều học sinh gốc Đông Nam Á đã có nhiều nỗ lực mở ra các chương trình ngôn ngữ và văn hoá Đông Nam Á, đặc biệt là tiếng Việt và văn hoá Việt Nam.

Biến Cố 911

Biến cố 911 năm 2001 cướp đi 2,977 nhân mạng và gây nhiều thiệt hại nặng nề về tài chánh cũng như tâm lý quần chúng, khiến các nhà giáo dục ý thức hơn nữa về khả năng ngoại ngữ của người Mỹ, đặc biệt của các sinh viên, học sinh.

Nước Mỹ được xem như quốc gia lãnh đạo thế giới, nhưng người Mỹ không biết ngôn ngữ và văn hoá của bạn và thù, làm sao lãnh đạo thế giới? Ý thức của các nhà giáo dục đưa tới chính sách quốc gia về ngoại ngữ: nhiều ngân khoản được chuyển cho những chương trình dạy ngôn ngữ và văn hoá nước ngoài, đặc biệt là khối “ngôn ngữ chiến lược” (tiếng Hoa, tiếng Hàn, tiếng Nga, tiếng Ba Tư, tiếng Ả Rập.) Theo đó, việc dạy và học các ngoại ngữ và văn hoá các dân tộc cũng phát triển theo.

Cho đến hôm nay, mặc dù chưa chính thức có khoa Việt Nam Học (Vietnamese Studies) tại các trường đại học ở Hoa Kỳ, nhưng một số đại học đã có các chương trình tiếng Việt, như Harvard, Yale, Cornell, Washington, Arizona, Florida, UC Berkeley, UC Los Angeles, UC Irvine, UC San Diego, CSU Fullerton, CSU Long Beach, Orange Coast College, Golden West College, Santa Ana College…

Đại học CSU Fullerton có ngành phụ Việt Nam Học (Minor in Vietnamese). Để tốt nghiệp ngành phụ này, sinh viên phải hoàn tất ít nhất 4 lớp (12 tín chỉ) liên quan đến ngôn ngữ, ngôn ngữ học, văn chương, văn hoá, văn minh, thương mại Việt Nam. Đại học Washington cũng có ngành phụ Việt Nam Học, muốn tốt nghiệp ngành phụ này, sinh viên phải lấy đủ 30 tín chỉ.

Đại học UC Los Angeles không có ngành Việt Nam Học, nhưng từ khoá học mùa Thu năm 2021 có ngành Đông Nam Á Học (Southeast Asian Studies), trong đó sinh viên có thể hoàn tất những lớp liên quan đến lịch sử, văn hoá và xã hội Việt Nam. Trước năm 2021, Đông Nam Á học của trường là một ngành phụ.

Các lớp tiếng Việt Cao Cấp (Advanced – 100A/B/C series) cũng được đưa vào danh sách những lớp sinh viên có thể lấy để đáp ứng đòi hỏi tốt nghiệp ngành hoặc ngành phụ (major and minor) phân khoa Văn chương Đối chiếu (Comparative Literature).

Đại học CSU Long Beach không có ngành Việt Nam Học, nhưng hằng năm phân khoa Nghiên cứu về người Á châu và người Mỹ gốc Á Châu (Asian and Asian American Studies) vẫn đứng ra tổ chức những khoá hội thảo quốc tế về Sư phạm Việt Ngữ trực tuyến, với sự hướng dẫn của nhân viên giảng huấn của phân khoa. Những khoá hội thảo quốc tế này lôi cuốn các giảng viên tại nhiều quốc gia trên thế giới ghi danh tham dự. Tham dự viên sau khi hoàn tất khoá hội thảo có thể được nhận Chứng Chỉ Mãn Khoá do Asian and Asian American Studies của Đại học CSU Long Beach cấp. Có năm, con số tham dự viên lên đến trên 700. Khoá hội thảo vừa qua (hè 2023) quy tụ gần hơn 400 tham dự viên, thuộc 12 quốc gia trên thế giới.

Lễ tốt nghiệp của sinh viên Việt Nam tại UCLA. (Hình: Facebook Quyên Di)

Chương trình Việt Nam tại UCLA: một khuôn mẫu của chương trình Việt Nam bậc Đại học

UC (University of California) là hệ thống đại học công lập lớn nhất thế giới. Hệ thống này quy tụ 10 trường đại học danh tiếng của tiểu bang California, trong đó hai đại học UC Berkeley (Bắc California) và UC Los Angeles (Nam California) là hai đại học đứng đầu hệ thống. Tạp chí U.S. News & World Report, trong bảng xếp hạng năm 2024 đã đặt UCLA là đại học công lập đứng đầu toàn quốc. Tiếp theo đó là UCB.

UCLA có chương trình Việt Nam khá quy mô

Có 12 lớp Tiếng Việt (Vietnamese Language) được giảng dạy trong 3 năm học. Mỗi năm học có 3 mùa (quarters) Thu, Đông và Xuân. Ở năm Nhập môn, những lớp Vietnamese 1, 2, 3 được dành cho các sinh viên không phải gốc Việt (Non-Heritage Students). Các lớp Vietnamese 1A, 2A, 3A được dành cho các sinh viên gốc Việt (Heritage Students).

Ngoài 12 lớp tiếng Việt thường xuyên, UCLA còn có lớp VIETMSE 8 (Elementary Vietnamese: Intensive) thỉnh thoảng được mở vào mùa Hè. Sinh viên có thể lấy lớp này để thay thế cho 3 lớp năm Nhập môn, đáp ứng đòi hỏi về ngoại ngữ để tốt nghiệp của hầu hết các ngành học. Chương trình Việt Nam ở UCLA đã trở thành một trong những chương trình quan trọng của phân khoa Asian Languages and Cultures.

Các chương trình hoà nhập hai ngôn ngữ là cách để học sinh học nội dung học thuật (Toán, Khoa học, Nghiên cứu Xã hội, Tiếng Anh) đồng thời học nói, đọc và viết bằng một ngôn ngữ khác.

Nghiên cứu cho thấy học sinh theo học chương trình này có kết quả học tập chung khá hơn các bạn cùng lứa tuổi trong các chương trình chỉ dạy bằng tiếng Anh. Học sinh trong các chương trình Song Hành Hoà Nhập có lòng tự trọng, năng lực và động lực học tập cao. Học sinh được chuẩn bị tốt hơn cho thị trường việc làm toàn cầu, nơi ngôn ngữ thứ hai mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh.

Trong chương trình Ngôn Ngữ Song Hành Hoà Nhập, học sinh được học cùng một chương trình giảng dạy như các bạn cùng lứa tuổi trong các chương trình chỉ dạy bằng tiếng Anh. Học sinh cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn của tiểu bang giống như tất cả các học sinh khác. Học sinh phải bắt đầu chương trình hoà nhập hai ngôn ngữ này từ lớp Mẫu giáo hay Mẫu giáo Sơ cấp (Transitional Kindergarten) và cam kết học hết chương trình này đến lớp 6. Chương trình Ngôn ngữ Song Hành Hoà Nhập Tiếng Việt theo mô hình 50:50, trong đó có 50% thời lượng giảng dạy trong ngày bằng tiếng Anh và 50% bằng tiếng Việt. Mỗi ngày học sinh sẽ học một buổi bằng tiếng Anh và một buổi bằng tiếng Việt; mỗi buổi chỉ dùng một ngôn ngữ, không pha trộn và không thông dịch.

Hiện nay trên toàn quốc Hoa Kỳ chưa có nhiều học khu có chương trình Ngôn Ngữ Song Hành Hoà Nhập. Dưới đây là một số học khu có chương trình này ở bậc Tiểu học:

–           Alum Rock Union School District, San Jose, California

–           Austin Independent School District, Austin, Texas

–           Franklin-McKinley School District, San Jose, California

–           Garden Grove Unified School District, California

–           Highline School District, Seattle, Washington

–           Portland Public Schools, Portland, Oregon

–           Stafford Municipal School District, Houston, Texas

–           Westminster School District, California.

Có 1 học khu có chương trình Ngôn Ngữ Song Hành Hoà Nhập bậc Trung học: Anaheim Unified School District, California.

**

Hiện tình, chương trình Tiếng Việt ở Hoa Kỳ đang phát triển với tốc độ chậm, dù phong trào kêu gọi giữ gìn ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam khá sôi nổi. Việc gìn giữ và phát triển ngôn ngữ, văn hoá Việt Nam hầu như được thực hiện tại các “Trung Tâm Việt Ngữ” do các giáo xứ Ki-tô giáo hay các chùa, thánh thất Phật giáo, Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo thành lập. Các “Trung Tâm Việt Ngữ này sinh hoạt vào những ngày cuối tuần. Nơi đây, các giáo viên dạy thiện nguyện; phụ huynh cho con em đến trung tâm vừa để học Việt ngữ, vừa để học giáo lý hay Phật pháp. Có nhiều Trung tâm Việt ngữ lớn, số học sinh theo học lên đến hàng ngàn.

Trong dòng chính của nền giáo dục Hoa Kỳ, chương trình Tiếng Việt có một vị trí khiêm nhượng. Chỉ một vài địa phương có nhiều người Mỹ gốc Việt mới có một vài đại học có chương trình Việt Nam học.

Tuy nhiên, vẫn có những phụ huynh người Mỹ gốc Việt tha thiết với ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam, mặc dù chính bản thân họ, những phụ huynh trẻ thuộc thế hệ thứ 2, không thông thạo và am tường tiếng Việt, văn hoá Việt. Đồng thời vẫn có những nhà giáo xem việc dạy tiếng Việt là một sứ mệnh và quyết tâm theo đuổi.

Vì thế, Tiếng Việt tại Hoa Kỳ chắc chắn sẽ không mai một; ngược lại vẫn có cơ hội phát triển và phát triển mạnh tại một vài tiểu bang có cộng đồng Người Mỹ gốc Việt đông đảo.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
XÍ MUỘI
Kidspace Museum ở Pasadena chiều thứ ba đầu tháng luôn luôn đông đúc trẻ em vì đó là ngày vào cửa miễn phí. Trong khu giải trí này có nhiều…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: