Theo Liên Đoàn Bán Lẻ Quốc Gia (NRF), năm nay, người dân Hoa Kỳ ước tính chi tới $43.1 tỷ cho hai sự kiện này, trong đó Super Bowl chiếm $17.3 tỷ và Valentine là $25.8 tỷ. Một con số khổng lồ, vượt xa ngân sách hàng năm của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), cơ quan viện trợ dân sự hàng đầu thế giới của Mỹ, vốn chỉ dao động trong khoảng $27-30 tỷ (theo số liệu từ USAID và KFF).
Sự so sánh tưởng chừng khập khiễng giữa chi tiêu cho giải trí và ngân sách viện trợ lại giúp chúng ta hình dung rõ quy mô hoạt động của USAID. Nhưng điều đáng nói hơn là, số tiền khổng lồ người Mỹ chi cho hai ngày lễ hội này lại vượt xa ngân sách của một cơ quan có vai trò quan trọng trong việc duy trì vị thế và ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên toàn cầu. Trong bối cảnh USAID đang đối mặt với nguy cơ bị giải thể vì những cáo buộc mang động cơ chính trị, câu hỏi đặt ra không chỉ là về sự lãng phí tiền bạc, mà còn về tầm nhìn và giá trị mà nước Mỹ theo đuổi. Và quan trọng hơn, để thấy rằng khoản đầu tư vào USAID không chỉ là hành động nhân đạo, mà còn là một chiến lược an ninh quốc gia quan trọng.
Khi Tổng Thống John F. Kennedy đặt bút ký sắc lệnh thành lập USAID vào năm 1961, giữa thời kỳ căng thẳng của Chiến Tranh Lạnh, tầm nhìn của ông vượt xa khuôn khổ viện trợ nhân đạo hay hỗ trợ kinh tế đơn thuần. Tổng Thống Kennedy tin rằng, sự ổn định và thịnh vượng của các quốc gia khác, đặc biệt là các nước đang phát triển, sẽ trực tiếp góp phần bảo vệ an ninh quốc gia Hoa Kỳ, ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Ông thấu hiểu rằng, nghèo đói, bất ổn và thiếu cơ hội chính là mảnh đất màu mỡ cho các tư tưởng cực đoan và xung đột nảy sinh.
Hơn sáu thập niên trôi qua, qua nhiều đời tổng thống thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, mục tiêu cốt lõi của USAID vẫn không hề thay đổi. Lợi ích của nước Mỹ không chỉ giới hạn trong biên giới quốc gia, mà còn lan tỏa trên phạm vi toàn cầu. Những hỗ trợ về y tế, giáo dục, kinh tế, quản trị và ứng phó biến đổi khí hậu mà USAID cung cấp cho các quốc gia đối tác, dù trước mắt có vẻ là những hành động nhân đạo, nhưng về lâu dài, chúng mang lại lợi ích chiến lược to lớn cho Hoa Kỳ; củng cố vị thế siêu cường, mở rộng tầm ảnh hưởng và kiến tạo một thế giới ổn định hơn, nơi các giá trị và lợi ích của Mỹ được bảo vệ và thúc đẩy.
Nhiều nghiên cứu và báo cáo từ các tổ chức uy tín chứng minh rằng, “quyền lực mềm” của Mỹ, được thực thi thông qua các chương trình viện trợ của USAID, không chỉ xây dựng hình ảnh tích cực về nước Mỹ trên trường quốc tế, mà còn mang lại những lợi ích kinh tế và an ninh cụ thể. Viện trợ không chỉ là hành động hào hiệp, mà còn là đầu tư khôn ngoan.
Thứ nhất, viện trợ của USAID có thể thúc đẩy kinh tế và thương mại cho các nước đối tác, gián tiếp mang lại lợi ích kinh tế cho Mỹ. Theo báo cáo “Aid Effectiveness in Fragile States: What Works, What Doesn’t, and Why” vào năm 2011 của Ngân Hàng Thế Giới (World Bank), viện trợ hiệu quả, đi kèm cải cách kinh tế và mở cửa thị trường còn giúp các nước nhận tăng trưởng thương mại.
Tương tự, báo cáo “Development Assistance Committee (DAC) Aid and Trade: An overview of the evidence” (“Viện trợ và Thương mại của Ủy ban Hỗ trợ Phát triển (DAC): Tổng quan về bằng chứng”) năm 2014 của Ủy ban Hỗ trợ Phát triển (DAC) thuộc Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD) khẳng định viện trợ phát triển có liên hệ tích cực với tăng trưởng thương mại ở các quốc gia nhận. OECD nhấn mạnh rằng, ở nhiều trường hợp, các chương trình viện trợ đi kèm với điều kiện cải cách kinh tế và chính sách mở cửa đã tạo ra “hiệu ứng nhân rộng” đáng kể, giúp các quốc gia tiếp cận tốt hơn với thị trường quốc tế và tăng trưởng xuất khẩu.
Thứ hai, hoạt động viện trợ của USAID tạo ra hàng trăm ngàn việc làm cho người Mỹ trong các lĩnh vực liên quan như sản xuất, nông nghiệp, kỹ thuật, tư vấn và dịch vụ. Liên Minh Lãnh Đạo Toàn Cầu Hoa Kỳ (USGLC) ước tính rằng, mỗi $1 tỷ xuất khẩu của Mỹ tạo ra khoảng 6,000 việc làm trong nước. Viện trợ không chỉ giúp đỡ người khác, mà còn tạo ra công ăn việc làm cho chính người dân Mỹ.
Thứ ba, USAID đóng vai trò then chốt trong việc ngăn chặn và ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, như dịch bệnh, khủng bố, biến đổi khí hậu và tội phạm xuyên quốc gia. Các chương trình của USAID giúp tăng cường năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh, nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy quản trị tốt và pháp quyền, từ đó giảm thiểu nguy cơ bất ổn và xung đột. Một thế giới khỏe mạnh hơn, an toàn hơn và ổn định hơn cũng chính là một thế giới có lợi hơn cho nước Mỹ.
Chương trình Cứu Trợ Khẩn Cấp Của Tổng Thống Về Phòng Chống AIDS (PEPFAR) là một minh chứng điển hình cho thành công của USAID. Từ khi Tổng Thống George W. Bush thuộc đảng Cộng Hòa khởi xướng năm 2003, PEPFAR trở thành chương trình y tế toàn cầu lớn nhất lịch sử, tập trung vào một căn bệnh cụ thể. Theo số liệu chính thức, PEPFAR đã cứu sống hơn 25 triệu người, hỗ trợ hàng chục triệu người xét nghiệm HIV và giúp hàng triệu trẻ em sinh ra không nhiễm HIV từ mẹ nhiễm bệnh. Thành công của PEPFAR không chỉ là câu chuyện y tế công cộng, mà còn là minh chứng cho sức mạnh của ngoại giao và hợp tác quốc tế. PEPFAR đã góp phần ổn định các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi HIV/AIDS, giảm thiểu nguy cơ xung đột, khủng bố và tăng cường quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia đối tác. Đây là ví dụ tiêu biểu cho thấy viện trợ không chỉ mang lại giá trị nhân đạo, mà còn là công cụ ngoại giao hiệu quả.
Một ví dụ khác là các chương trình hỗ trợ giáo dục cho trẻ em gái ở Afghanistan. Từ năm 2002, USAID đã đầu tư hơn $1 tỷ vào giáo dục Afghanistan, tập trung cải thiện cơ sở vật chất trường học, đào tạo giáo viên, cung cấp tài liệu học tập và khuyến khích trẻ em gái đến trường. Báo cáo từ USAID Afghanistan và Tổng Thanh Tra Đặc Biệt Về Tái Thiết Afghanistan (SIGAR) cho thấy, tỷ lệ nhập học của nữ sinh ở Afghanistan đã tăng đáng kể, từ gần như bằng không năm 2001 lên hơn 3.5 triệu năm 2018. Giáo dục không chỉ trao quyền cho phụ nữ, mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững của một quốc gia. Một xã hội có dân trí cao, có phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động và các hoạt động xã hội sẽ có khả năng chống chịu tốt hơn trước các cú sốc kinh tế, xã hội và chính trị, từ đó giảm thiểu nguy cơ bất ổn và xung đột. Đầu tư vào giáo dục chính là đầu tư vào tương lai hòa bình và thịnh vượng.
Bài học từ đại dịch COVID -19 càng làm sáng tỏ tầm quan trọng của việc đầu tư vào an ninh y tế toàn cầu. Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội Hoa Kỳ (CBO) ước tính đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ khoảng $16 nghìn tỷ, cùng với những hệ lụy lâu dài về sức khỏe, giáo dục và xã hội. Con số khổng lồ này cho thấy, đầu tư vào các chương trình phòng chống và phát hiện dịch bệnh ở các quốc gia khác, thông qua các cơ quan như USAID, không chỉ là hành động nhân đạo, mà còn là biện pháp “phòng bệnh hơn chữa bệnh” hiệu quả về chi phí. Ngăn chặn dịch bệnh từ sớm, khi còn nhỏ và khu trú, sẽ kinh tế hơn rất nhiều so với việc đối phó với đại dịch toàn cầu. Viện trợ y tế là sự bảo vệ thiết thực cho chính nước Mỹ.
Tuy nhiên, bất chấp những đóng góp to lớn và bằng chứng thuyết phục về hiệu quả của USAID, tương lai của cơ quan này đang bị đặt trước một dấu hỏi lớn. Chính quyền Trump, dựa trên những cáo buộc nghiêm trọng từ Bộ Hiệu Quả Chính phủ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk đứng đầu, đã khởi xướng chính sách giải thể USAID. DOGE đưa ra hàng loạt cáo buộc nghiêm trọng về việc USAID tham nhũng, lãng phí ngân sách và thậm chí tài trợ cho các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Cuộc tấn công này, dù mang danh nghĩa “hiệu quả chính phủ” nhưng ẩn chứa nhiều động cơ chính trị sâu xa.
DOGE cáo buộc USAID đã chuyển $1 triệu cho Viện Virus Học Vũ Hán (Trung Quốc), nơi bị nghi ngờ liên quan đến nguồn gốc đại dịch COVID-19. DOGE cũng cáo buộc USAID cung cấp $9 triệu viện trợ cho các tổ chức mà họ cho là có liên hệ với các nhóm khủng bố. Ngoài ra, DOGE còn chỉ trích USAID vì chi hàng triệu đôla cho các dự án bị coi là phù phiếm và không cần thiết, như lớp học làm gốm ở Ma-rốc, các chuyến đi đến Li-băng và sáng kiến ‘Sesame Street’ ở Iraq (theo New York Post). Những cáo buộc này, dù chưa được kiểm chứng đầy đủ, đã tạo ra làn sóng nghi ngờ và chỉ trích nhắm vào USAID.
Chưa dừng lại ở đó, DOGE còn cáo buộc USAID chi trả hàng triệu đôla cho các tổ chức truyền thông lớn như Politico và Associated Press, với mục đích “mua chuộc” báo chí. Mặc dù, theo nhiều nguồn tin, các khoản chi này thực chất là các gói đăng ký thông tin chung cho toàn bộ chính phủ và USAID chỉ chi một phần nhỏ (khoảng $44,000 cho Politico). Tuy nhiên, cáo buộc này vẫn được DOGE sử dụng để bôi nhọ hình ảnh USAID và đặt dấu hỏi về tính minh bạch của cơ quan này.
Dựa trên những cáo buộc này, DOGE đã tiến hành một loạt biện pháp mạnh tay nhằm giải thể USAID, bao gồm sa thải hàng loạt nhân viên, đóng băng hoạt động ở nước ngoài, vô hiệu hóa trang web và các tài khoản mạng xã hội. Tuy nhiên, những hành động này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều phía, đặc biệt là từ các chuyên gia chính sách đối ngoại, tổ chức phi chính phủ và thành viên đảng Dân chủ. Thậm chí, một thẩm phán liên bang đã ra phán quyết tạm thời ngăn chặn kế hoạch sa thải hơn 2,000 nhân viên của USAID, cho rằng DOGE không có thẩm quyền pháp lý để thực hiện hành động này (theo Cadena SER). Cuộc chiến pháp lý và chính trị xung quanh tương lai của USAID vẫn đang tiếp diễn.
Điều đáng chú ý là, trong khi DOGE đưa ra những cáo buộc về tham nhũng và lãng phí để biện minh cho chính sách giải thể USAID của chính quyền Trump, một báo cáo gần đây công bố vào ngày 10 tháng 2 từ Văn Phòng Tổng Thanh Tra USAID (OIG) – cơ quan giám sát độc lập của chính USAID – lại đưa ra kết luận trái ngược. Báo cáo chỉ ra rằng, chính chính sách của chính quyền Trump giải thể USAID và đóng băng viện trợ nước ngoài đã khiến việc theo dõi tình trạng sử dụng sai mục đích viện trợ nhân đạo trở nên khó khăn hơn. Điều này, theo OIG, làm tăng nguy cơ tiền viện trợ có thể rơi vào tay các nhóm khủng bố, đi ngược lại hoàn toàn với mục tiêu ban đầu mà DOGE và chính quyền Trump tuyên bố là để hạn chế gian lận và lãng phí.
Báo cáo của OIG không chỉ phản bác trực tiếp lập luận của DOGE về việc giải thể USAID là để chống gian lận, mà còn vạch trần những hậu quả nguy hiểm của chính sách này. OIG nhấn mạnh rằng, mặc dù văn phòng này từ lâu đã chỉ ra những thách thức trong việc ngăn chặn gian lận và lãng phí trong các chương trình viện trợ, nhưng việc cắt giảm nhân sự ồ ạt và đóng băng viện trợ đã làm suy yếu nghiêm trọng khả năng giám sát và kiểm soát của USAID. Đặc biệt, các chương trình ‘kiểm tra đối tác’ (partner vetting) tại các khu vực nhạy cảm như Afghanistan, Iraq, Lebanon, Pakistan, Syria, Bờ Tây và Dải Gaza, và Yemen – vốn được thiết kế để đảm bảo tiền viện trợ không rơi vào tay các nhóm khủng bố như Hamas, Hezbollah, ISIS hay Houthis – đã buộc phải dừng lại do thiếu nhân lực.
Như vậy, thay vì hạn chế gian lận và lãng phí, chính sách giải thể USAID của chính quyền Trump, dựa trên những cáo buộc chưa được kiểm chứng từ DOGE, lại vô tình tạo ra một môi trường lỏng lẻo hơn, nơi tiền của người nộp thuế Mỹ có nguy cơ cao hơn bị sử dụng sai mục đích, thậm chí tài trợ cho khủng bố. Điều này không chỉ đe dọa an ninh quốc gia Mỹ, mà còn làm suy yếu các nỗ lực nhân đạo và gây tổn hại đến uy tín quốc tế của Hoa Kỳ. Báo cáo của OIG giáng một đòn mạnh vào nỗ lực giải thể USAID, đồng thời cảnh báo về những hậu quả khó lường nếu cơ quan này bị xóa sổ.
Cuộc tấn công của DOGE vào USAID rõ ràng không chỉ dừng lại ở những con số ngân sách hay các báo cáo hiệu quả hoạt động. Đằng sau những cáo buộc về tham nhũng và lãng phí, ẩn chứa một cuộc chiến sâu sắc hơn nhiều về chính trị, về mô hình quản trị quốc gia và về tầm nhìn đối với vai trò của Mỹ trên trường quốc tế. Đây là cuộc đối đầu giữa hai hệ tư tưởng, hai cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau về vị thế và trách nhiệm của nước Mỹ trong thế kỷ 21.
DOGE, dưới sự lãnh đạo của Elon Musk và được thành lập bởi chính quyền Tổng Thống Trump, đang thể hiện một triết lý “Nước Mỹ trên hết” phiên bản 2.0, thậm chí còn quyết liệt hơn so với nhiệm kỳ đầu. Triết lý này không chỉ ưu tiên các vấn đề trong nước, mà còn hoài nghi sâu sắc đối với các thể chế quốc tế, các cam kết đa phương và vai trò lãnh đạo truyền thống của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu. Trong tầm nhìn này, viện trợ nước ngoài bị xem là gánh nặng, là sự lãng phí nguồn lực quốc gia, thay vì là công cụ để thúc đẩy lợi ích và an ninh của Mỹ.
Trong bối cảnh đó, USAID, một biểu tượng của chính sách đối ngoại can dự và hợp tác quốc tế, một di sản của các chính quyền Dân Chủ trước đây, hiển nhiên trở thành mục tiêu công kích. Các cáo buộc của DOGE, dù có thể có một phần sự thật về những bất cập trong quản lý (điều khó tránh khỏi ở bất kỳ tổ chức lớn nào), nhưng dường như được sử dụng như một công cụ để tấn công vào nền tảng tư tưởng của USAID, vào chính sách đối ngoại của các chính quyền tiền nhiệm và rộng hơn là vào mô hình nhà nước liên bang can dự sâu rộng vào các vấn đề quốc tế. Đây là cuộc chiến ý thức hệ, nơi USAID trở thành biểu tượng cho những giá trị và chính sách mà DOGE và những người ủng hộ muốn xóa bỏ.
Một cách hiểu khác, cuộc tấn công này có thể là một phần của chiến lược lớn hơn nhằm định hình lại hoàn toàn bộ máy chính phủ, loại bỏ những gì bị coi là “tàn dư” của các chính quyền trước, thay thế bằng những người trung thành với tầm nhìn của Tổng thống Trump và DOGE. Việc bổ nhiệm Elon Musk, một tỷ phú công nghệ không có kinh nghiệm chính trường, vào vị trí lãnh đạo DOGE, cho thấy rõ ý định này. Đây không chỉ là thay đổi chính sách, mà còn là thay đổi về nhân sự và cấu trúc quyền lực.
Cũng không thể loại trừ khả năng, các hành động của DOGE còn nhắm đến mục tiêu xa hơn là củng cố quyền lực cho tân tổng thống đương nhiệm. Bằng cách tấn công vào một cơ quan như USAID, DOGE có thể đang gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đến các cơ quan khác trong chính phủ: hoặc là phải tuân thủ tuyệt đối đường lối của chính quyền, hoặc là sẽ phải đối mặt với những hậu quả tương tự. Đây có thể là một chiến thuật để gia tăng sự kiểm soát và thống nhất trong bộ máy nhà nước.
Tuy nhiên, dù động cơ thực sự của DOGE là gì đi nữa, thì những hành động của tổ chức này đang gây ra những tranh cãi gay gắt và chia rẽ sâu sắc trong chính trường Mỹ. Nó không chỉ là cuộc chiến giữa DOGE và USAID, mà còn là cuộc chiến giữa hai tầm nhìn đối lập về nước Mỹ và vai trò của nước Mỹ trong thế kỷ 21. Tương lai của USAID, vì thế, không chỉ là vấn đề của một cơ quan, mà là vấn đề mang tính bước ngoặt cho chính sách đối ngoại và vị thế quốc tế của Hoa Kỳ.
Hậu quả của việc giải thể USAID sẽ vô cùng nghiêm trọng và đa chiều.
Thứ nhất, nó sẽ làm suy yếu nghiêm trọng khả năng của Mỹ trong việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Từ dịch bệnh, thiên tai, xung đột vũ trang, đến biến đổi khí hậu, các thách thức mà thế giới đang đối mặt ngày càng phức tạp và liên kết chặt chẽ. USAID, với kinh nghiệm, mạng lưới và nguồn lực, đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối nỗ lực ứng phó quốc tế, cung cấp viện trợ nhân đạo, hỗ trợ các quốc gia phục hồi sau thảm họa. Nếu không có USAID, nước Mỹ sẽ mất đi một công cụ quan trọng để bảo vệ lợi ích và duy trì vai trò lãnh đạo trên thế giới.
Thứ hai, việc giải thể USAID sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến “quyền lực mềm” của Mỹ. Khi hình ảnh của Mỹ suy yếu, khả năng tập hợp đồng minh, thúc đẩy các giá trị dân chủ, nhân quyền và giải quyết các vấn đề toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Viện trợ không chỉ là hành động nhân đạo, mà còn là công cụ ngoại giao quan trọng, xây dựng cầu nối và củng cố quan hệ quốc tế.
Thứ ba, việc giải thể USAID sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực mà các đối thủ của Mỹ, như Trung Quốc, có thể lợi dụng để mở rộng ảnh hưởng. Bắc Kinh đang tăng cường viện trợ và đầu tư ở các nước đang phát triển thông qua chương trình Vành đai và Con đường (BRI), cạnh tranh trực tiếp với Mỹ và phương Tây. Nếu Mỹ rút lui khỏi vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực này, các quốc gia khác có thể tìm đến Trung Quốc để được hỗ trợ, dẫn đến những thay đổi địa chính trị bất lợi cho Mỹ. Viện trợ không chỉ là vấn đề nhân đạo, mà còn là một phần của cuộc cạnh tranh chiến lược toàn cầu.
Cuối cùng, cuộc tấn công vào USAID có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho các cơ quan chính phủ khác. Nếu một tổ chức tư nhân, dù có tiềm lực tài chính và ảnh hưởng, có thể dễ dàng tấn công và tìm cách giải thể một cơ quan chính phủ chỉ dựa trên những cáo buộc chưa được kiểm chứng, thì điều này sẽ đe dọa nghiêm trọng đến tính ổn định và hoạt động của bộ máy nhà nước. Nó cũng tạo ra môi trường chính trị độc hại, nơi các cuộc tấn công cá nhân và chiến dịch bôi nhọ trở thành công cụ để loại bỏ đối thủ và đạt mục đích chính trị. Đây không chỉ là vấn đề của USAID, mà là vấn đề về sự lành mạnh của nền dân chủ và hệ thống chính trị Mỹ.
Cuộc tấn công vào USAID không chỉ là tranh cãi về ngân sách hay hiệu quả hoạt động, mà là cuộc chiến về tầm nhìn, về vai trò của Mỹ trên thế giới trong thế kỷ 21. Liệu nước Mỹ sẽ tiếp tục là nhà lãnh đạo toàn cầu, người bạn đáng tin cậy của các quốc gia đang phát triển, hay sẽ quay lưng lại với thế giới và theo đuổi chính sách biệt lập, vị kỷ? Câu trả lời không chỉ định hình tương lai của USAID, mà còn vận mệnh của nước Mỹ và cả thế giới.