HIẾU CHÂN
Quyết định của Tổng thống Donald Trump ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có thể tác động rất sâu rộng tới các nỗ lực chống dịch bệnh và chăm sóc y tế trên toàn cầu.
Quyết định có phần cực đoan của ông Trump tập trung vào phản ứng của WHO đối với đại dịch cúm Vũ Hán do coronavirus chủng mới gây ra; và ông không phải là nhà lãnh đạo duy nhất phê phán các hành động và tuyên bố của WHO. Nhiều nước đã phớt lờ các khuyến nghị của WHO khi đại dịch lan rộng, đã không báo cáo các vụ bùng phát dịch, coi thường các quy định quốc tế.
Nhưng dù thế nào, WHO cũng là tổ chức quốc tế chịu trách nhiệm chính trong việc ứng phó với đại dịch trên phạm vi toàn cầu. Việc cắt nguồn ngân sách của WHO vào lúc này sẽ có tác động xấu tới công cuộc ngăn chặn dịch Covid-19, nhất là ở các quốc gia đang phát triển. Đó là lý do có rất nhiều tranh cãi nổi lên sau khi ông Trump ban bố quyết định “cắt viện trợ” vào hôm qua thứ Ba 14-04.
WHO là ai, có vai trò gì?
WHO được thành lập năm 1948, sau Thế chiến thứ hai, là một bộ phận của Liên hiệp quốc. Trụ sở của WHO đặt tại Geneva, Thụy Sĩ. Tổ chức này có 7.000 nhân viên làm việc ở 150 văn phòng ở khắp các nước trên thế giới.
WHO không có thẩm quyền trực tiếp với các quốc gia thành viên, dù WHO được coi là người lãnh đạo quốc tế trong lĩnh vực y tế công cộng, cảnh báo cho thế giới về các nguy cơ sức khỏe, đấu tranh chống bệnh tật, hoạch định chính sách và cải thiện việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Trong những tình huống khẩn cấp như đại dịch Vũ Hán hiện nay, WHO phục vụ như là cơ quan điều phối trung tâm – hướng dẫn cách phòng chống dịch, tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đưa ra các khuyến nghị chính sách – phối hợp với các quốc gia để chia sẻ thông tin giúp các nhà khoa học xử lý dịch bệnh.
Nhưng mặc dù WHO có ảnh hưởng lớn, tổ chức này không có thẩm quyền thực thi các yêu cầu của mình, và luôn bị áp lực nặng nề về chính trị và ngân sách, đặc biệt từ các nước giàu mạnh như Mỹ, Trung Quốc và các tổ chức tư nhân như Gates Foundation.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc António Guterres, trong một tuyên bố ngày hôm qua thứ Ba 14-04, bảo vệ tổ chức WHO, nói rằng “WHO phải được ủng hộ bởi vì WHO rất thiết yếu cho nỗ lực của thế giới nhằm đánh thắng cuộc chiến chống Covid-19”. Ông Guterres cũng nói bây giờ “không phải là lúc cắt giảm nguồn tài trợ cho các hoạt động của WHO và các tổ chức nhân đạo khác trong cuộc chiến chống virus”.
Ai tài trợ cho WHO?
Ngân sách WHO là từ các nước thành viên và các quỹ tư nhân. Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất, với khoảng 14,67% tổng ngân sách. Các nước thành viên đóng góp tùy theo mức độ giàu có và quy mô dân số của quốc gia; Trung Quốc dù là nước đông dân nhất, kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới nhưng luôn coi mình là quốc gia “đang phát triển” nên đóng góp rất ít. Phần đóng góp của thành viên được chia làm hai khoản: đóng góp cam kết (assessed contribution) có tính chất bắt buộc và đóng góp tự nguyện.
Năm 2019, Mỹ đóng góp cho WHO 553 triệu Mỹ kim, phần lớn là tự nguyện, phần đóng góp cam kết chỉ vào khoảng 58 triệu Mỹ kim. Ngân sách WHO trong hai năm 2018-2019 vào khoảng 6,3 tỷ Mỹ kim. Đóng góp của Mỹ – cả cam kết và tự nguyện – nhiều hơn hai lần so với nước kế tiếp là Vương quốc Anh (góp 7,79% ngân sách của WHO). Quỹ Gates Foundation là tổ chức tư nhân đóng góp nhiều nhất, góp 9,76% ngân sách WHO.
Tuy nhiên, việc sử dụng ngân sách WHO có nhiều chỗ không hợp lý. Ngoài việc chi phí vận hành bộ máy hành chánh của tổ chức tiêu tốn quá nhiều tiền, phần ngân sách đầu tư cho các chương trình y tế công cộng cũng không được phân bổ đúng đắn.
Phần lớn tiền đóng góp của Mỹ được chi cho các hoạt động như phòng chống bệnh bại liệt ở trẻ em, gia tăng việc tiếp cận dịch vụ dinh dưỡng và y tế thiết yếu. Chỉ có 2,87% đóng góp của Mỹ được dành cho các hoạt động khẩn cấp, 2,23% dành cho việc ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh.
Giáo sư Lawrence O. Gostin, giám đốc Viện O’Neill về Luật Y tế quốc gia và toàn cầu thuộc Đại học Georgetown, có thời gian làm cố vấn kỹ thuật cho WHO, nói rằng khoảng 70% khoản tài trợ của Mỹ đã được dành cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, sức khỏe tâm thần, ngăn ngừa bệnh ung thư và bệnh tim mạch. Nhiều chuyên gia cho rằng, các lĩnh vực này là nhiệm vụ của các quốc gia chứ không phải của các tổ chức quốc tế. “Trọng tâm của quốc tế là kiểm soát và sẵn sàng đối phó dịch bệnh truyền nhiễm. Nhưng thực tế đây là việc ít quan trọng nhất mà WHO thực hiện trong lịch sử”, ông Gostin nói.
Chưa rõ quyết định ngừng đóng góp tài chánh của Mỹ cho WHO là ngừng phần đóng góp cam kết, phần đóng góp tự nguyện hay cả hai.
Đại dịch Covid-19, WHO đã làm gì?
Suốt tháng 01-2020, WHO đã đưa ra nhiều khuyến nghị về mối nguy hiểm của virus. Từ ngày 22-01 trở về sau, Tổng giám đốc WHO, bác sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus gần như ngày nào cũng họp báo, cảnh báo thế giới về tiến trình lây lan của virus và nói cánh cửa cơ hội để ngăn dịch đang dần khép lại.
Nhưng trong những ngày đầu đại dịch mới bùng phát, WHO đã phát ngôn cho những tuyên bố và số liệu của nhà cầm quyền Trung Quốc mà không hề tỏ dấu hiệu cho thấy những thông tin đó có thể không chính xác. WHO rất lúng túng trong việc định danh cho bệnh dịch, cố tìm một tên gọi tránh nhắc tới Vũ Hán hoặc Trung Quốc – cội nguồn phát xuất coronavirus – dù WHO vẫn duy trì cách định danh gắn với địa điểm như bệnh viêm não Nhật Bản, dịch hô hấp cấp Trung Đông (MERS). WHO rất chậm chạp trong việc ban hành tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu ngay cả khi virus đã phát tán mạnh bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc; và đặc biệt WHO nhiều lần khẳng định, theo khẳng định của Trung Quốc, là virus không có nguy cơ lây từ người sang người, từ đó chậm tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu, chậm công bố đại dịch.
Trước sự thúc giục của các chuyên gia y tế, ngày 23-01, Tổng giám đốc Tedros thông báo dịch Vũ Hán “là một vấn đề khẩn cấp của Trung Quốc nhưng chưa trở thành tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. Chưa phải là đại dịch.” Lúc đó nhiều quốc gia đã ghi nhận các trường hợp nhiễm bệnh và thực hiện các biện pháp cách ly, kiểm tra y tế ở cửa khẩu.
Nên lưu ý rằng những nhận định, tuyên bố và khuyến nghị của WHO có ý nghĩa quan trọng để chính phủ các nước thành viên hoạch định và ban hành chính sách ứng phó với dịch. Cuối cùng, khi WHO chính thức công bố đại dịch toàn cầu (pandemic) vào ngày 11-03 thì tất cả đã quá muộn, dịch bệnh đã lan khắp năm châu, hầu như các nước đều tự mình đề ra phương cách chống đỡ mà không ai để ý tới các khuyến nghị của WHO nữa.
Dù chậm chạp trong ứng phó với dịch, WHO lại rất nhanh nhẩu trong việc ca tụng Bắc Kinh. Tuy đã có nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc bịt miệng những bác sĩ cảnh báo cộng đồng về dịch và giấu nhẹm nhiều ca tử vong, Tổng giám đốc Tedros vẫn liên tiếp xưng tụng và ca ngợi Bắc Kinh, đồng thời né tránh trả lời những câu hỏi cấp bách về cách hành xử của Trung Quốc.
Để công bằng, cũng nên ghi nhận rằng WHO được đánh giá cao về các hoạt động mang tính kỹ thuật. Trừ các lãnh đạo chính trị như Tedros hoặc cố vấn Bruce Aylward, đội ngũ chuyên gia y tế của WHO có trình độ cao và tận tâm, đã nhanh chóng phát triển bộ dụng cụ xét nghiệm phát hiện coronavirus – mà Mỹ không công nhận, không sử dụng – cung cấp cho hơn 70 phòng thí nghiệm khắp thế giới. WHO cũng xuất kho và cung cấp 2 triệu bộ trang bị bảo hộ cho nhân viên y tế ở 70 quốc gia.
Về cách hành xử chậm chạp và phục tùng Trung Quốc của WHO, Tarik Jasarevic, phát ngôn viên tổ chức này quy trách nhiệm cho các nước thành viên; cho rằng các nước thành viên phải cung cấp thông tin trung thực và WHO không có thẩm quyền trừng phạt các nước không tuân thủ. “WHO kỳ vọng tất cả các quốc gia thành viên báo cáo dữ kiện đúng lúc và chính xác. Ngay từ đầu chúng tôi đã thúc giục tất cả các nước chia sẻ dữ liệu kịp thời, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy”.
Đành rằng WHO không có quyền trừng phạt ai, nhưng cách hành xử của WHO phải do lãnh đạo tổ chức này chịu trách nhiệm, không đổ cho ai được. “Các người có thẩm quyền, các người có khả năng thách thức Trung Quốc, đặt nghi vấn về những việc Trung Quốc đang làm, và các người phải làm chuyện đó vì sức khỏe của nhân loại. Các người đã thất bại,” David Fidler, nghiên cứu viên cao cấp của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) đã nhiều năm viết về WHO và làm việc với WHO, tức giận.
Tại sao ông Trump và nhiều người khác phê phán WHO?
Chính cách hành xử của WHO trong đại dịch Covid-19 mà không chỉ ông Trump hay các chính trị gia Mỹ bực tức và phê phán WHO. Ông Donald Trump đặc biệt tức giận với việc WHO phản bác quyết định của ông “đóng cửa biên giới” với du khách đến từ Trung Quốc, di tản công dân và viên chức ngoại giao Mỹ ra khỏi Vũ Hán. Mỹ là một trong những nước đầu tiên làm như vậy, và tất nhiên Bắc Kinh rất không hài lòng. Tổng giám đốc WHO Tedros tại nhiều cuộc họp báo đã cho rằng biện pháp của Mỹ là không cần thiết, không hiệu quả, quá đáng, gây thiệt hại kinh tế và khuyến nghị các nước khác không nên làm theo Mỹ. Ông Trump thì cho rằng, quyết định hạn chế nhập cảnh những người nước ngoài đến từ Trung Quốc mà ông ban hành cuối tháng 01-2020 là bằng chứng cho thấy ông đánh giá mối nguy hiểm của dịch Vũ Hán rất nghiêm túc, và cứu được nhiều sinh mạng.
Phó thủ tướng Nhật Bản Taro Aso mới đây đã gọi thẳng WHO là “Tổ chức Y tế Trung Quốc” (China Health Organization, CHO). Gần một triệu người đã ký một bản kiến nghị trực tuyến kêu gọi ông Tedros từ chức.
Ông Trump có đổ tội cho WHO để né tránh trách nhiệm?
Khi số thương vong vì dịch Vũ Hán ở Mỹ tăng từng ngày với tốc độ phi mã, khi nước Mỹ giàu có và hùng mạnh bỗng thiếu thốn trầm trọng những mặt hàng đơn giản như khẩu trang y tế, rất nhiều người thất vọng và tức giận với cách ứng phó với dịch của chính phủ, của Tổng thống Trump.
Ngày càng có nhiều tài liệu cho thấy chính phủ đã được các cơ quan tình báo, chuyên gia y tế cảnh báo rất sớm về nguy cơ trầm trọng của đại dịch, nhưng thay vì tích cực chuẩn bị chống dịch, Mỹ đã để mất đến hai tháng ứng phó nửa vời. Chính phủ của ông Trump một phần đánh giá thấp nguy cơ – coi dịch Vũ Hán như một thứ bệnh cúm mùa, sẽ mất đi khi thời tiết ấm lên, một phần coi dịch Vũ Hán như một thứ trò chơi khăm chính trị mà các chính trị gia Dân chủ dựng lên để làm khó cho Tổng thống, hoặc tố cáo giới truyền thông làm trầm trọng sự việc một cách quá đáng, gây hoảng loạn cho thị trường chứng khoán, từ đó cản trở chiến dịch tái tranh cử của ông Trump v.v…
Với Trung Quốc, nếu WHO tỏ ra quá nhu nhược và bợ đỡ thì bản thân ông Trump cũng không ít lần ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cách đối phó với dịch Vũ Hán của ông ta. Hôm 24-01 ông Trum tweet rằng “Hoa Kỳ đánh giá cao nỗ lực và tính minh bạch của Trung Quốc”; ngày 07-02, ông tiếp tục nói ông không nghĩ rằng Trung Quốc che giấu đại dịch; hôm 26-02 ông bảo Trung Quốc đang làm việc rất tích cực, và ngày 04-03 ông khẳng định Trung Quốc đã kiểm soát được tình hình. Và như trong mọi lĩnh vực khác, ông Trump thường xuyên đề cao quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo và thường không tiếc lời ca tụng ông Tập như một “người bạn tốt” của ông.
Những điều mà ông Donald Trump lên án tổ chức WHO cũng có trong cách ứng phó với đại dịch của ông. Và tính cách của ông – thường xuyên thể hiện trong hơn ba năm cầm quyền – là luôn giành công trạng về mình còn lỗi lầm thì đổ cho người khác. Nhiều người thuộc cánh tả và tự do cho rằng ông Trump đang tìm một con dê tế thần để trút sự phẫn nộ của người dân Mỹ lên; con dê tốt nhất trong trường hợp này chính là WHO.
Lập luận này có chỗ hợp lý nhưng không giải thích được phản ứng chống đối WHO của nhiều giới, nhiều chính phủ chứ không chỉ riêng ông Trump hay chính phủ Mỹ. Những khuyết điểm của WHO là có thật, nhu cầu cải tổ tổ chức này là cấp bách, chỉ có điều là phản ứng “cắt viện trợ” của ông Trump có phần vội vã và quá đáng giữa lúc đại dịch chưa lắng xuống, mà điều đó cũng hoàn toàn phù hợp với tính cách và tác phong lãnh đạo của ông.
Điều gì sẽ xảy ra?
Dù ủng hộ ông Trump hay không, hầu như ai cũng thừa nhận rằng quyết định cắt viện trợ của ông là một đòn chí tử giáng vào tổ chức quốc tế này và sẽ có hậu quả xấu đối với công cuộc ngăn chặn đại dịch Covid-19 đang diễn ra. Các nước đang phát triển, nhất là khu vực châu Phi, sẽ bị thiệt hại rất nặng khi nguồn tài chánh của WHO bị cạn kiệt, không thể hỗ trợ nhiều cho lĩnh vực y tế các nước châu Phi.
Một hiệu ứng phụ nhưng không kém phần quan trọng là một khi đã ngừng đóng góp cho WHO, ảnh hưởng của Mỹ trong tổ chức này cũng giảm theo, để lại một khoảng trống chính trị mà Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm cách chiếm lấy. “Chuyện này chắc chắn sẽ xói mòn trầm trọng ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới, trong các hoạt động quốc tế và y tế toàn cầu giữa lúc thế giới đang đương đầu với một đại dịch tàn bạo chưa từng có,” ông Gostin của Đại học Georgetown nhận xét.
Về lâu dài, cũng theo ông Gostin, sự ra đi của Mỹ sẽ thúc đẩy công cuộc cải tổ WHO, thay đổi guồng máy lãnh đạo quốc tế, hình thành những liên minh y tế mới và kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu ngân sách của tổ chức này. Kết quả có thể là một tổ chức WHO mới, có trách nhiệm hơn với sức khỏe cộng đồng, hoặc một tổ chức y tế toàn cầu mới.
Ông Gostin ví tình trạng lộn xộn hiện nay như một đám cháy rừng đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát mà ông tổng thống Mỹ đốt tiếp những bụi rậm để mở không gian cho một cánh rừng mới mọc lên. “Nhưng tôi nghĩ hành động đơn phương này của Tổng thống Trump đã đi quá xa,” ông Gostin nói, theo New York Times.