Sau đại dịch, Trung Quốc sẽ thay Mỹ lãnh đạo thế giới? (3)

Ông Trump nói ông rất không hài lòng với Trung Quốc. Mạnh tay với Trung Quốc sẽ có lợi cho ông về chính trị. CNBC

HIẾU CHÂN

Đầu năm nay, dịch cúm Vũ Hán bùng phát ở Trung Quốc rồi phát tán khắp thế giới. Trong những ngày đầu đại dịch, cả thế giới nhìn về Vũ Hán với lòng thương cảm và lo lắng. Cũng đã có người ví dịch cúm Vũ Hán với “thảm họa nguyên tử Chernobyl”, sẽ “bắt đầu chuỗi ngày sụp đổ” của đảng Cộng sản Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ có lợi thế trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với đối thủ châu Á.

Nhưng tình hình xoay chuyển nhanh chóng, Trung Quốc sớm thoát ra khỏi đại dịch còn châu Âu và Hoa Kỳ lại gánh chịu những hậu quả thảm khốc. Trung Quốc, từ vị trí một “kẻ tội đồ” đã tận dụng cơ hội để sắm vai “người hùng” cứu nhân độ thế. Và từ đó, có ý kiến cho rằng đại dịch Vũ Hán đang sắp xếp lại trật tự thế giới, và Trung Quốc sẽ là người chiến thắng. Đại dịch Vũ Hán, theo nhiều ý kiến từ Trung Quốc, không chỉ cho thấy tài năng quản trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà còn chứng tỏ tính ưu việt của mô hình chính trị “xã hội chủ nghĩa” so với chế độ dân chủ tự do!

Nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Loạt bài sau đây của Saigon Nhỏ trình bày các góc nhìn khác nhau của một số nhà nghiên cứu chính trị để bạn đọc tham khảo. Nếu bạn đọc quan tâm tới đề tài này và có ý kiến thảo luận, xin vui lòng góp ý ở phần bình luận bên dưới.

Bài 3: Trung Quốc sẽ thắng?

THE ECONOMIST

Bài 1: Trung Quốc sẽ giành được thế giới thời hậu coronavirus, Hoa Kỳ sẽ bị bỏ lại phía sau (KISHORE MAHBUBANI)

Bài 2: Đại dịch sẽ không biến Trung Quốc thành người lãnh đạo thế giới (MICHAEL GREEN VÀ EVAN S. MEDEIROS)

Năm nay bắt đầu thật kinh khủng cho Trung Quốc. Khi con virus gây bệnh đường hô hấp bùng phát ở Vũ Hán, bản năng của các quan chức Đảng Cộng sản là che giấu nó. Vài người dự báo đây có thể là biến cố “Chernobyl” – nhắc tới cách mà những lời dối trá của điện Cẩm Linh nhằm che đậy một thảm họa nguyên tử đã đẩy nhanh quá trình sụp đổ của Liên bang Xô viết.

Họ đã nhầm. Sau những lộn xộn ban đầu, đảng Cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc đã nhanh chóng áp đặt một biện pháp cách ly có quy mô và độ nghiêm khắc đáng kinh ngạc. Việc phong tỏa dường như đã có hiệu quả. Số trường hợp mới nhiễm Covid-19 được báo cáo đã chậm lại, rồi chỉ còn nhỏ giọt. Các công xưởng của Trung Quốc đang mở cửa lại. Các nhà nghiên cứu ở đó đang vội vã đưa các ứng viên vaccine vào thử nghiệm. Trong khi đó, số tử vong chính thức ở nhiều nước như Anh quốc, Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Hoa Kỳ đều đã vượt xa Trung Quốc.

Trung Quốc ca ngợi đây là một thắng lợi. Một chiến dịch tuyên truyền khổng lồ lý giải Trung Quốc kiểm soát được đại dịch nhờ vào chế độ cai trị độc đảng vững mạnh. Họ còn nói, giờ đây Trung Quốc đang thể hiện tính nhân hậu qua việc cung cấp cho thế giới các bộ dụng cụ y tế, kể cả gần bốn tỷ khẩu trang đưa ra từ ngày 01-03 tới 04-04. Sự hy sinh của Trung Quốc đã giúp cho phần còn lại của thế giới có thời gian chuẩn bị. Nếu một số nền dân chủ phương Tây phung phí thời gian đó là do chính thể chế chính trị của phương Tây kém cỏi hơn thể chế của Trung Quốc.

Từ đó, một số người, kể cả những người quan sát chính sách ngoại giao đầy lo lắng ở phương Tây, đã kết luận rằng Trung Quốc sẽ là người chiến thắng sau thảm họa có tên Covid-19. Họ cảnh báo, đại dịch này sẽ được nhớ tới không chỉ như một thảm họa của nhân loại mà còn là một bước ngoặc về địa chính trị, đánh dấu việc thế giới bắt đầu rời xa Hoa Kỳ.

Quan điểm này không phải tự dưng mà xuất hiện rồi đâm chồi bén rễ. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dường như không quan tâm tới việc lãnh đạo công cuộc ứng phó toàn cầu chống lại coronavirus. Các vị tổng thống Hoa Kỳ tiền nhiệm đã từng dẫn dắt thế giới vào các chiến dịch chống HIV/AIDS và Ebola. Còn Tổng thống Trump lại cắt viện trợ cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vì nó bị cáo buộc thiên vị Trung Quốc. Khi người đàn ông ngồi trong Tòa Bạch ốc tuyên bố có “quyền lực tuyệt đối” nhưng cũng nói “Tôi không chịu trách nhiệm gì cả” thì Trung Quốc có cơ hội gia tăng ảnh hưởng của mình.

Nếu Mỹ chậm chân, thành công trong việc sản xuất vaccine ngừa coronavirus sẽ đem lại lợi thế lớn cho TQ.

Nhưng cho dù như thế, chưa chắc Trung Quốc sẽ thành công. Thứ nhất, không có cách nào biết được liệu thành tích xử lý dịch Covid-19 của Trung Quốc có ấn tượng như họ tuyên bố hay không – nó có tốt đẹp như thành tích của các nền dân chủ khá giỏi như Nam Hàn hoặc Đài Loan hay không. Người ngoại cuộc không thể kiểm tra liệu các quan chức lúc nào cũng bí mật của Trung Quốc có thành thật công khai con số người chết và người bị nhiễm coronavirus hay không. Một chế độ chuyên chế có thể buộc các nhà máy phải hoạt động trở lại nhưng không thể buộc người tiêu dùng phải mua sản phẩm của các nhà máy đó. Chừng nào mà đại dịch còn hoành hành thì vẫn còn quá sớm để biết, liệu cuối cùng mọi người sẽ ghi công Trung Quốc dập tắt đại dịch hay sẽ lên án Bắc Kinh đàn áp các bác sĩ ở Vũ Hán – những người gióng hồi chuông báo động đầu tiên.

Một trở ngại khác là tuyên truyền của Trung Quốc thường thô bỉ và khó chịu. Những bộ loa tuyên truyền của Bắc Kinh không chỉ ca ngợi các lãnh đạo của họ mà nhiều khi còn hả hê trước những vụ rối loạn của Mỹ hoặc quảng bá những lý thuyết âm mưu hoang đường, chẳng hạn như bảo virus này là vũ khí sinh học của Mỹ. Mấy ngày qua, người Phi châu ở Quảng Châu bị trục xuất hàng loạt ra khỏi nhà cửa của họ, bị cấm thuê khách sạn, sau đó lại bị quấy nhiễu vì ngủ đêm trên hè phố, rõ ràng vì các quan chức địa phương sợ họ có thể nhiễm virus. Nỗi thống khổ của những người này đã sinh ra nhiều bài báo giận dữ, nhiều vụ phản đối ngoại giao khắp châu Phi.

Các nước giàu thì nghi ngờ động cơ của Trung Quốc. Margrethe Vestager, phụ trách về cạnh tranh của Liên minh châu Âu, thúc giục các chính phủ phương Tây mua cổ phần của những doanh nghiệp chiến lược nhằm ngăn chặn Trung Quốc lợi dụng thị trường đang hỗn loạn để thâu tóm các doanh nghiệp chiến lược đó với giá rẻ. Ngoài ra, đại dịch đã củng cố quan niệm rằng các nước không nên dựa vào Trung Quốc để có những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, từ máy trợ thở tới mạng viễn thông 5G. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự báo thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ co lại khoảng 12-32% trong thời gian trước mắt. Còn nếu sự co lại ấy biến thành cuộc suy thoái trong dài hạn của công cuộc toàn cầu hóa – điều đã gây lo lắng từ trước đại dịch Covid-19 – thì Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nặng không kém các nước khác.

Trung Quốc thay thế Mỹ lãnh đạo thế giới sẽ không phải là một thắng lợi mà là một bi kịch

Điều căn bản hơn là, không phải liệu các nước khác có muốn thấy Trung Quốc thay thế Hoa Kỳ không, mà là Trung Quốc có muốn làm như vậy không. Chắc chắn là Trung Quốc sẽ không cố gắng tạo ra một bản sao của sức mạnh Mỹ: một mạng lưới rộng lớn các quốc gia đồng minh, những “quân đoàn” tác nhân tư nhân với quyền lực mềm toàn cầu, từ Google tới Netflix, tới Harvard và Gates Foundation. Trung Quốc không tỏ dấu hiệu nào cho thấy họ muốn nhận lãnh cái quyền lãnh đạo thế giới theo kiểu Hoa Kỳ đã từng làm kể từ Thế chiến thứ hai, nghĩa là bị hút kiệt bởi mọi cuộc khủng hoảng trên khắp hành tinh này.

Một phép thử các tham vọng của Trung Quốc sẽ là cách nước này hành xử trong cuộc đua nghiên cứu và sản xuất vaccine. Nếu Trung Quốc làm được vaccine trước tiên, thành công đó có thể được sử dụng như một thắng lợi của quốc gia, một nền tảng để hợp tác toàn cầu. Một phép thử khác là giảm nợ cho các nước nghèo. Vào ngày 15-04, nhóm các nước G-20, gồm cả Trung Quốc, đồng ý để cho các nước mắc nợ được hoãn trả nợ cho các nước thành viên G-20 trong vòng tám tháng. Trong quá khứ, Trung Quốc thường mặc cả về nợ nần trong những cuộc thương lượng song phương trong những căn phòng khép kín cửa, giở trò mèo vờn chuột để giành những nhượng bộ về chính trị. Nếu quyết định của nhóm G-20 có nghĩa là giờ đây chính phủ Bắc Kinh cũng muốn phối hợp với các nước chủ nợ khác và có thể hào phóng hơn thì đó sẽ là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng vung tiền ra để thủ đắc một vai trò mới. 

Cho dù như vậy, có lẽ Trung Quốc vẫn không quan tâm tới việc điều khiển thế giới, mà muốn bảo đảm các cường quốc khác không thể hoặc không dám cố gắng cản trở họ. Trung Quốc đã nhắm tới việc xói mòn vị thế của đồng đô la Mỹ như là đồng tiền dự trữ của thế giới. Họ đã làm việc cật lực để cài cắm các nhà ngoại giao của mình vào những chức vụ nhiều ảnh hưởng trong các tổ chức đa phương để Trung Quốc được ngồi vào vị trí định hình các luật lệ toàn cầu, chẳng hạn như về quyền con người, về quản trị mạng internet.

Các nhà cai trị Trung Quốc kết hợp những tham vọng to lớn với sự thận trọng sinh ra từ nhiệm vụ nặng nề mà họ phải gánh vác trong việc cai trị một đất nước có tới 1,4 tỷ người. Họ không cần tạo ra một trật tự quốc tế mới dựa trên những luật lệ mới từ con số không. Họ có lẽ thích xô ngã những cột trụ đã lỏng chân của cái trật tự mà người Mỹ xây dựng sau Thế chiến thứ hai để cho sự trỗi dậy của Trung Quốc không bị kiềm chế.

Đây không phải là một triển vọng dễ chịu. Cách tốt nhất để đối phó với đại dịch và hậu quả kinh tế của nó là huy động toàn cầu. Những vấn đề như tội phạm có tổ chức, biến đổi khí hậu cũng vậy. Thập niên 1920 cho biết chuyện gì sẽ xảy ra khi các cường quốc trở nên ích kỷ và vội vã lợi dụng những khó khăn của người khác. Đại dịch Covid-19 cho đến nay đã kích hoạt cả cuộc đua tranh giành lợi thế và tính hào hiệp của tầm nhìn xa. Ông Trump có lỗi nhiều trong chuyện đó. Để cho Trung Quốc gia tăng tầm nhìn ảm đạm như vậy về hành vi của một siêu cường sẽ không phải là một thắng lợi mà là một bi kịch.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: