Chống dịch cúm Vũ Hán: Vì sao Mỹ chậm chân hơn Nam Hàn?

Đang có nhiều thủ đoạn tấn công tin học vào các cơ quan y tế toàn cầu để tìm thông tin về thuốc, vaccine, thử nghiệm chống coronavirus.

HIẾU CHÂN

So với Nam Hàn, Mỹ phát triển hơn hẳn về kinh tế lẫn khoa học và công nghệ. Nhưng khi dịch cúm Vũ Hán tràn tới, Nam Hàn đã chủ động ứng phó khá thành công trong khi Mỹ lúng túng và thiệt hại nặng nề. Nhiều người Mỹ muốn biết, tại sao lại như vậy? Dưới đây là bài phân tích chi tiết của Reuters.

Bài 1: Xét nghiệm coronavirus – Nam Hàn nhanh, Mỹ chậm

Bài 2, Bài 3, Bài 4

Cho đến tuần trước, ngày 11-03-2020, cứ một triệu người Nam Hàn thì có 4.099 người đã được xét nghiệm tìm coronavirus; con số đó ở người Mỹ là 26 người, chỉ nhiều hơn Việt Nam (24 người) (ảnh). Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân của tình trạng số người được xác nhận nhiễm coronavirus, đặc biệt là số tử vong, ở Nam Hàn đang giảm dần, còn ở Mỹ thì tăng chóng mặt; hiện Mỹ ghi nhận coronavirus ở tất cả 50 tiểu bang, với 9.347 trường hợp nhiễm bệnh và 150 người tử vong, vượt qua Nam Hàn với 8.565 trường hợp nhiễm bệnh và 91 tử vong.

Theo dõi tình hình dịch covid-19 có thể thấy rõ chính phủ Nam Hàn rất lanh lẹ trong khi Mỹ rất lúng túng trong công cuộc tổ chức xét nghiệm tìm coronavirus trong cộng đồng – bước quan trọng đầu tiên để ngăn ngừa và chống dịch hiệu quả.

Nam Hàn chống dịch như chống giặc

Từ ngày 27-01-2020, tức mùng Ba tết âm lịch, chỉ vài ngày khi Trung Quốc bắt đầu phong tỏa “ổ dịch” Vũ Hán thì ngành y tế Nam Hàn đã triệu tập một cuộc họp đặc biệt với đại diện 20 công ty dược phẩm trong một nhà ga xe lửa đông đúc ở thủ đô Seoul. Một quan chức hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Nam Hàn đưa ra một thông điệp khẩn cấp: Nam Hàn cần có ngay lập tức bộ dụng cụ xét nghiệm (test kit) có hiệu quả đối với con coronavirus chủng mới; và cam kết các công ty có sản phẩm đó sẽ được xem xét và phê chuẩn nhanh. Khi ấy Nam Hàn mới chỉ có bốn trường hợp nhiễm coronavirus được xác nhận.

“Chúng tôi lo lắng lắm. Chúng tôi tin dịch có thể biến thành đại dịch. Chúng tôi phải hành động như quân đội”, Lee Sang-won, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Nam Hàn (KCDC), và là người tham dự cuộc họp đặc biệt đó, nói với hãng tin Reuters.

Một tuần sau cuộc họp ngày 27-01, KCDC phê chuẩn bộ test kit do công ty đầu tiên sản xuất, một công ty khác theo sau. Đến cuối tháng 02-2020, báo chí quốc tế đưa tin rầm rộ về việc Nam Hàn triển khai các trung tâm xét nghiệm di động mà người dân chỉ cần lái xe tới, ngồi trong xe khi được lấy mẫu rồi được báo kết quả qua điện thoại di động; mỗi trung tâm drive-thru này có thể xét nghiệm hàng ngàn người mỗi ngày.

Bảy tuần lễ sau cuộc họp trong nhà ga xe lửa, Nam Hàn đã xét nghiệm được 290.000 người, xác nhận 8.000 trường hợp nhiễm bệnh và số ca mới nhiễm giảm mạnh: hôm thứ Tư 18-03 Nam Hàn ghi nhận 93 trường hợp dương tính, rất thấp so với con số 909 ca một ngày hai tuần trước đây.

Mỹ: “không thể chiến đấu với cái không nhìn thấy”

Tình hình ở Mỹ hoàn toàn trái ngược. Mỹ phát hiện ca đầu tiên nhiễm coronavirus cùng ngày với Nam Hàn nhưng cho tới nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xét nghiệm của người dân. Hôm qua thứ Ba 17-03, chính quyền Mỹ cho biết các phòng thí nghiệm công và tư khắp nước chỉ mới thực hiện được 60.000 xét nghiệm cho khối dân số 330 triệu người.

Hậu quả là các quan chức Mỹ không nắm được đầy đủ có bao nhiêu người Mỹ bị nhiễm bệnh và họ tập trung ở đâu – những yếu tố tối cần thiết cho công cuộc kiềm chế dịch bệnh. Đến thứ Tư 18-03 đã có hơn 7.000 người Mỹ nhiễm bệnh, song theo dự báo của bác sĩ James Lawler, chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Đại học Nebraska, trong vài tháng tới có thể có tới 96 triệu người bị nhiễm bệnh, 480.000 người có thể tử vong!

“Chúng ta không thể chiến đấu với cái mà ta không nhìn thấy!” Roger Klein, nguyên giám đốc phòng thí nghiệm y khoa của Cleveland Clinic, nguyên cố vấn cho Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh về các vấn đề thí nghiệm lâm sàng, than thở.

Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo, tình trạng tổ chức xét nghiệm chậm chạp và rối loạn của Mỹ sẽ làm thiệt hại nhiều sinh mạng, kể cả sinh mạng của các bác sĩ và y tá. Hiện đã có hơn 100 người tử vong vì coronavirus và nỗi sợ hãi dịch lan tràn đã dẫn tới những biện pháp hạn chế chưa từng thấy về giao tiếp xã hội, đảo lộn các hoạt động kinh tế, trường học, bệnh viện và cuộc sống hằng ngày của người dân.

Bác sĩ Ritu Thamman, chuyên bệnh tim mạch và là phó giáo sư trường Y, Đại học Pittsburg than: “Tôi cảm thấy như đang sống trong một tình trạng oái ăm”. Ngay cả nhân viên bệnh viện có nguy cơ bị nhiễm virus cũng không được xét nghiệm. “Chúng ta là một nước giàu nhưng sao lại thiếu những thứ như vậy?”, bà Thamman thắc mắc.  

(còn tiếp)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: