LÂM VÂN AN
Bạn có bao giờ tham gia các cuộc phỏng vấn về chính trị chưa? Tôi đã được mời tham gia vài lần ở đất Mỹ này. Chỉ cần 30 phút trả lời phỏng vấn qua điện thoại, ngôn ngữ là thứ tiếng bạn chọn và thông thạo, bạn có thể xem như đã “đóng góp” giá trị nào đó cho cuộc chạy đua vào Toà Bạch Ốc sắp tới.
Chẳng biết bằng cách nào mà tên tôi và số điện thoại liên lạc luôn nằm trong danh sách cử tri tương lai cần được gọi để hỏi ý kiến. Tôi đoán chắc là do cái bằng thạc sĩ kinh tế quèn và mức thu nhập cũng… quèn nốt nên tôi được xem là đại diện khối cử tri trung lưu “middle class”, vốn nằm trong số đông đóng thuế và phần nào quyết định sinh mạng chính trị nước Mỹ. Từ 2016, khi vừa vào quốc tịch, tôi đã được nhận vài cuộc phỏng vấn chính trị trưng cầu dân ý. Năm nay, “election year”, tôi cũng nhận được vài cuộc gọi phỏng vấn thú vị một cách bất ngờ. Xin chia sẻ với mọi người buổi phỏng vấn gần đây nhất.
Một ngày đẹp trời tháng sáu, một số điện thoại từ San Francisco hiện lên trên phone của tôi. Hoá ra đó là chị chuyên viên kết nối các chương trình phỏng vấn về chính trị. Qua giọng nói, tôi đoán chị gốc Á. Tự giới thiệu đang làm việc ở vùng vịnh San Francisco, chị không hỏi tôi ngày sinh, số an sinh xã hội, địa chỉ (vốn là những thông tin mật tôi không bao giờ cung cấp cho ai) mà chỉ hỏi năm sinh, thu nhập trung bình hộ gia đình, có theo đảng phái chính trị nào không hay chỉ là cử tri độc lập (independent voter) và cuối cùng xin tôi lịch hẹn ngày giờ phỏng vấn cụ thể. Chị chua thêm, nếu tôi vui lòng tham gia, công ty chị hân hạnh gửi cho tôi tấm check $80 cho 30 phút phỏng vấn. Are you ok with that? Được hay không? Tôi trả lời: “Dĩ nhiên rồi”. $80 cho 30 phút, cũng là con số khá đẹp rồi phải không bạn?
Đúng ngày giờ hẹn, tôi login vào zoom meeting. Người phỏng vấn là một bạn trẻ gốc Á, tiếng Anh lưu loát. Tôi đoán bạn ấy sinh và lớn lên ở Mỹ. Bạn giới thiệu bạn là đại diện một công ty nghiên cứu thị trường, đang làm khảo sát về bản đồ tình hình chính trị nước Mỹ ở thời điểm hiện tại. Sau khi xác nhận các chi tiết thông tin cá nhân trùng với thông tin do nhà tổ chức cung cấp, bạn hỏi tôi câu hỏi mà tôi cho là khá sâu sát sau đây.
Hỏi: Điều gì làm cô nghĩ ngợi nhiều nhất giai đoạn hiện tại?
Trả lời: Covid 19. Tôi phải làm việc từ nhà. Công ty tôi thuộc ngành năng lượng hoá dầu nên chúng tôi bị ảnh hưởng trực tiếp. Lũ trẻ nhà tôi phải học online. Cả nhà lại thích đi chơi nên chúng tôi bồn chồn không biết khi nào mới có thể lại ngao du sơn thủy.
Hỏi: Cô có cho rằng tình trạng coronavirus tại Mỹ được xử lý tốt không?
Trả lời: Có và Không. Các khoản trợ cấp cho dân, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, lương thực từ food bank, thức ăn miễn phí từ trường học cho trẻ…, phải nói là quá tuyệt vời. Nhưng công tác phòng chống covid thì quá tệ Các tiểu bang đóng rồi mở, rồi lại đóng. Số ca mới liên tục tăng. Tổng thống kêu ngưng test covid… Thật là điên rồ. Tôi nghĩ chính phủ và các chính quyền địa phương đã có thể làm tốt hơn. Là chính phủ, anh cho người dân quyền tự do tuyệt đối nhưng khi họ nói “tôi không đeo khẩu trang, tôi sẵn sàng đối diện mọi thứ, vì đó là cuộc đời tôi, tôi toàn quyền với nó” thì anh phải có biện pháp…. Các cá nhân ích kỷ đó đang gây sức ép ngược lên hệ thống y tế khiến trở thành gánh nặng của cả xã hội.
Hỏi: Cô có nghĩ nếu ứng viên tổng thống nào theo sát tình hình nghiên cứu vaccine Covid-19 và cập nhật cho người dân diễn biến thử thuốc một cách sâu sát… thì ứng viên đó được cô quan tâm hay ủng hộ hơn hay không?
Trả lời: Không. Với tôi, việc cập nhật tình hình và kết quả nghiên cứu thuốc là nhiệm vụ chính trị của bất cứ ai trong hàng ngũ lãnh đạo hay với ai mong muốn lãnh đạo đất nước. Không vì chuyện người này hay người kia có được thông tin trước và cho công chúng biết ngay kết quả nghiên cứu mà tôi nghĩ họ xứng đáng làm tổng thống hơn người còn lại.
Hỏi: Cô có cảm thấy mình là người quan tâm chính trị nghiêm túc không? Lần nào cô cũng đi bầu. Kỳ bốn năm, kỳ hai năm, lúc nào cô cũng có mặt. Điều gì khiến cô háo hức với việc bầu cử?
Trả lời: Bầu cử là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi công dân. Tôi chỉ thực hiện quyền và nghĩa vụ ấy. Tôi không chắc là tôi “háo hức” nhưng vì tôi là công dân có trách nhiệm nên tôi sẽ đi bầu.
Hỏi: Cô sẽ đến phòng bầu cử hay bầu qua thư? Tại sao?
Trả lời: Tôi sẽ đến phòng bầu cử. Đơn giản tôi thích khung cảnh đẹp và yên tĩnh ở đó.
Hỏi: Cô sẽ đi bầu sớm hay đúng ngày bầu cử mới đi bỏ lá phiếu và tại sao?
Trả lời: Tôi sẽ đi bầu sớm vì tôi thích sự yên tĩnh của thư viện, nơi tôi vẫn đến để bầu cử.
Hỏi: Cô không lo ngại Covid-19 sao?
Trả lời: Có chứ, nhưng tôi sẽ rất cẩn thận, giống như lúc tôi đi chợ mua thức ăn thôi.
Hỏi: Trở lại vụ “háo hức”. Điều gì làm cô háo hức hơn khi bầu cho người này mà không bầu cho ứng cử viên kia?
Trả lời: Tất nhiên là những giá trị mà ứng viên ấy đại diện nhưng tôi không nghĩ tôi có thể dùng từ “háo hức” với ai cả vào lúc này.
Hỏi: Cô có cho rằng một ứng viên nên làm thêm điều gì đó đặc biệt hơn nữa để cử tri cảm thấy phấn khởi hơn mà bầu cho ông ấy không?
Trả lời: Không. Tôi không đánh giá cao các chiêu trò dẫn dụ người bầu cử, chẳng hạn trò tặng điện thoại miễn phí, tặng phiếu mua quà coupon voucher này nọ… Tôi nghĩ đó là trò kiếm phiếu rẻ tiền nhất, lợi bất cập hại và vô tình làm những cử tri nghiêm túc dội ngược.
Hỏi: Cô có cho rằng ứng viên nên hứa hẹn một điều gì đặc biệt để được cô bầu hay không?
Trả lời: Không. Chính trị với tôi là trò chơi quyền lực cực kỳ dơ bẩn. Trước khi vào văn phòng thì anh nào cũng hứa hẹn rất hay, rất tuyệt. Theo tôi, bạn có thể nghe thông điệp của một ứng viên và tin tưởng ông ấy nhưng không ai biết một ứng viên có xứng đáng thực sự để làm tổng thống hay không cho đến SAU khi người ấy nhậm chức. Bộ mặt thực một người sẽ lộ ra khi ông ta đã thu tóm quyền lực trong tay.
Hỏi: Ngôi sao thể thao, điện ảnh hay nghệ thuật nào mà cô ngưỡng mộ và cho rằng nếu họ ủng hộ một ứng viên thì cô sẽ xem xét ủng hộ theo họ không?
Trả lời: Tôi có yêu thích vài diễn viên, văn nghệ sĩ nhưng tôi đã và sẽ không bao giờ đi bầu dưới ảnh hưởng của họ.
Hỏi: Một người lên làm tổng thống năm 2020 thì cần cải cách gì đầu tiên để lấy sự tín nhiệm của cô?
Trả lời: Giáo dục và bảo hiểm y tế. Tôi cho rằng hệ thống giáo dục chúng ta đang làm thế hệ trẻ hư đi; và bảo hiểm y tế bị tư nhân hoá đang ăn trên xương máu của đại đa số dân Mỹ.
Hỏi: Cô có nghĩ cô sẽ quan tâm đến các thông tin về ông Joe Biden? Gần đây cô có nghe gì về ông ấy không?
Trả lời: Có chứ. Câu tôi nghe gần đây nhất là cụ ấy phát biểu “Là Mỹ đen, nếu không bầu cho tôi, bạn chả phải là Mỹ đen”.
Hỏi: Cô nghĩ sao về câu nói đó?
Trả lời: Tôi thấy nó quá lố bịch chứ sao nữa. Nó cũng tương tự câu Tổng thống Lyndon Johnson nói cách đây 55 năm: “Bọn đen này sẽ bầu cho Dân chủ 200 năm nữa” khi người da đen mới thoát khỏi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Hỏi: Giả dụ Joe Biden là ứng viên cô quan tâm, cô đã biết những thông tin gì về ông ấy? Cô muốn biết thêm gì về ông ấy?
Trả lời: Trước khi đi bầu, tôi thường nghiên cứu một chút về từng ứng viên. Có khi tôi không thích cả hai đại diện của cả hai đảng vì cả hai đều khó ưa… nhưng tôi sẽ chọn người nào ít khó ưa nhất. Tôi sẽ chọn người nào theo tôi mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ nhất.
Hỏi: Vậy cô muốn biết gì về Joe Biden?
Trả lời: Những điều ông từng làm một cách vô vụ lợi, không có động cơ cá nhân phía sau, đơn giản là để làm cho cuộc sống người khác dễ dàng hơn, hoặc những gì ông đã làm để truyền cảm hứng cho người trẻ, và cả những người không còn trẻ, để tôi có niềm tin ông và đảng của ông thổi một luồng hơi tiến bộ vào công cuộc dìu dắt đất nước.
Hỏi: Cô có câu hỏi hay nhắn nhủ gì cho hai ứng viên sắp tới không?
Trả lời: Không. Hãy cứ để trò chơi bắt đầu một cách tự nhiên nhất, just let the fun begin.
Hỏi: Cảm ơn cô rất nhiều vì 30 phút nói chuyện tuyệt vời.
Trả lời: Cảm ơn anh rất nhiều.
…..
Thế là chúng tôi kết thúc buổi phỏng vấn qua zoom. Anh chàng phỏng vấn mỉm cười vẫy tay, nheo mắt chào qua màn hình. Anh ấy đẹp trai như tài tử Hàn Quốc vậy!
Lâm Vân An (Houston, 7/2020)