Nóng: TT Trump ký sắc lệnh trợ cấp thất nghiệp 400 đô la/tuần

Hiếu Chân

Sử dụng quyền hành pháp, Tổng thống Donald Trump hôm nay thứ Bảy 08-08 đã qua mặt các nhà lập pháp để ký một loạt sắc lệnh thay thế khoản trợ cấp thất nghiệp vừa hết hạn bằng một khoản trợ cấp thất nghiệp nhỏ hơn, đình hoãn việc thu thuế thu nhập, hoãn việc “đuổi nhà” và giảm tiền lời các khoản vay của sinh viên.

Sắc lệnh của ông Trump ra đời sau khi các cuộc thương lượng ở Quốc hội giữa đại diện chính phủ, đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện và đảng Cộng Hòa chiếm đa số Thượng viện, về một dự luật cứu trợ mới cho nạn nhân của dịch coronavirus đã không đạt được sự đồng thuận.

Sắc lệnh được ký tại câu lạc bộ riêng trong sân golf của ông Trump ở Bedminster, tiểu bang New Jersey.

Điểm đáng chú ý nhất của sắc lệnh là chính phủ liên bang sẽ tiếp tục chi trả khoản trợ cấp thất nghiệp cho những người lao động Mỹ bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với mức trợ cấp 400 đô la/người/tuần.

Theo đạo luật CARES ban hành hồi tháng Ba, người thất nghiệp được liên bang trợ cấp 600 đô la/người/tuần thêm vào khoản trợ cấp thất nghiệp thông thường do tiểu bang chi trả. Khoản trợ cấp 600 đô la/tuần đã hết hạn thực hiện vào ngày 31-07 vừa qua.

Một dự luật cứu trợ được Hạ viện thông qua hồi tháng Năm đề nghị kéo dài việc trợ cấp thất nghiệp 600 đô la/tuần tới tháng 01-2021, nhưng dự luật đã không được Thượng viện xem xét bàn bạc. Mới đây, khi đạo luật CARES sắp hết hiệu lực thi hành, Tòa Bạch ốc và đảng Cộng hòa trong Thượng viện đưa ra đề nghị mức trợ cấp thất nghiệp mới là 200 đô la/tuần/người, kéo dài đến tháng 09-2020 trong lúc các cơ quan chính quyền tính toán một mức trợ cấp thất nghiệp sao cho tổng trợ cấp của liên bang và tiểu bang sẽ bằng 75% tiền lương mà người thất nghiệp đó được nhận khi còn làm việc. Đề nghị đó không được đảng Dân chủ đồng ý. Sau đó, chính phủ và Cộng hòa đề nghị giữ nguyên mức trợ cấp thất nghiệp 600 đô la/tuần/người nhưng chỉ tạm thời kéo dài một tháng, trong thời gian các bên thảo luận một đạo luật cứu trợ mới, nhưng đề nghị này cũng không nhận được sự đồng ý của Dân chủ.

Bất đồng quan điểm về trợ cấp thất nghiệp cho khoảng 30 triệu người lao động Mỹ bị mất việc là trở ngại chính trong các cuộc thảo luận giữa Cộng hòa, Dân chủ và Tòa Bạch ốc.

Đảng Dân chủ cho rằng, đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra nhiều khốn khó cho các gia đình thu nhập trung bình và thấp, nhất là những gia đình có người lao động chính bị mất việc vì hãng xưởng đóng cửa ngăn ngừa dịch bệnh. Vì thế, chính phủ liên bang cần kéo dài việc trợ cấp thất nghiệp 600 đô la/tuần cho đến khi dịch bệnh đã được khống chế, các hoạt động kinh tế được hồi phục trở lại. Thêm nữa, việc trợ cấp 600 đô la/tuần sẽ giúp duy trì sức mua của người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy hoạt động của các dịch vụ thương mại, làm giảm đà suy thoái kinh tế.

Ngược lại đảng Cộng hòa cho rằng khoản trợ cấp thất nghiệp 600 đô la/tuần quá hào phóng, không khuyến khích người thất nghiệp tích cực tìm việc và đi làm trở lại, đồng thời làm cho ngân sách của chính phủ phải chi ra thêm hơn 15 tỷ đô la mỗi tuần, làm thâm hụt ngân sách thêm trầm trọng. Các nghiên cứu của Đại học Yale, của giới kinh tế học và cả các quan chức Ngân hàng Dự trữ liên bang (Fed) đều không tìm thấy bằng chứng cho thấy người thất nghiệp không muốn đi làm mà chỉ muốn ở nhà nhận tiền trợ cấp hào phóng của chính phủ.

Sắc lệnh của Tổng thống Trump quy định người lao động thất nghiệp sẽ được trợ cấp 400 đô la/tuần/người tính từ ngày 01-08; trong đó chính phủ liên bang sẽ chi trả 75% (300 đô la) từ ngân quỹ của cơ quan Hỗ trợ Khẩn cấp Liên bang (FEMA) thuộc Bộ Nội an, phần còn lại do ngân sách tiểu bang đảm nhiệm. FEMA sẽ dành 25 tỷ đô la từ quỹ hỗ trợ thiên tai (DRF) vào việc chi trả hỗ trợ thất nghiệp và khoản trợ cấp thất nghiệp này sẽ không kéo dài quá ngày 27-12-2020 hoặc đến khi quỹ DRF cạn kiệt.

*

Sắc lệnh thứ hai của ông Trump giao trách nhiệm cho Bộ Ngân khố tính toán và đình hoãn việc thu thuế thu nhập trên tiền lương (payroll tax) của những người lao động có mức lương nửa tháng (bi-weekly) dưới 4.000 đô la, tức khoảng dưới 100.000 đô la/năm. Thuế thu nhập được góp vào quỹ an sinh xã hội và các chương trình liên bang khác, việc ngừng thu thuế này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới các chương trình này. Ý định đình hoãn thu thuế thu nhập của ông Trump đã nhiều lần bị các nhà lập pháp của cả hai đảng phản đối mạnh mẽ.

Một sắc lệnh khác quy định đình chỉ việc “đuổi nhà” những người đang thuê nhà mà không trả được tiền thuê hàng tháng nhưng chỉ áp dụng cho những người đang thuê nhà được chính phủ hỗ trợ tài chánh. Một sắc lệnh khác nữa gia hạn việc áp dụng lãi suất 0% cho các khoản vay mà sinh viên vay của các chương trình tín dụng được liên bang hỗ trợ.

Không thấy tổng thống đề cập tới việc hỗ trợ tài chánh cho người dân bị ảnh hưởng của dịch coronavirus, tức là khoản trợ cấp 1.200 đô la/người lần thứ hai như ý kiến thảo luận ở Quốc hội.

*

Các chuyên gia cho rằng, những sắc lệnh trên đây của Tổng thống Trump có thể vấp phải thách thức về pháp lý bởi vì Hiến pháp Mỹ quy định chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền trong việc chi tiêu ngân sách.

Thượng nghị sĩ Ron Wyden, đứng đầu khối Dân chủ trong Ủy ban Tài chánh Thượng viện nói Tổng thống “đưa ra các sắc lệnh phi pháp” để che giấu thất bại trong việc gia hạn khoản trợ cấp thất nghiệp 600 đô la/tuần cho hơn 30 triệu người Mỹ mất việc.

Đảng Dân chủ đã cảnh báo những sắc lệnh như kể trên là “đáng ngờ” về mặt pháp lý, có khả năng sẽ bị kiện ra tòa và cuộc tranh tụng trước tòa sẽ kéo dài nhiều tháng.

Về phần mình, sau khi ký các sắc lệnh kể trên, ông Trump để ngỏ khả năng mở lại các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo Dân chủ trong Quốc hội để đạt được sự đồng thuận trong một giải pháp cứu trợ sau cùng và toàn diện. “Tôi không nói rằng họ sẽ không quay lại và thương lượng. Hy vọng chúng ta có thể làm gì đó với họ trong một ngày sau này,” ông Trump nói.

Vào lúc ông Trump ký sắc lệnh, số người bị nhiễm cororavirus ở Mỹ đã vượt quá 5 triệu người và hơn 160.000 người đã thiệt mạng. Số công việc làm trong tháng Bảy có tăng thêm chút đỉnh nhưng tình trạng thất nghiệp vẫn hết sức căng thẳng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: