Hiếu Chân
Ông trùm truyền thông tự do của Hong Kong, Jimmy Lai – tên tiếng Hoa là Lê Chí Anh (Lai Chee-Ying), một trong những người phê phán chính quyền Bắc Kinh nổi tiếng nhất – đã bị bắt giam sáng nay thứ Hai 10-08 (giờ Hong Kong) theo luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc mới áp đặt lên vùng lãnh thổ này.
“Họ bắt ông ấy tại nhà riêng vào lúc 7 giờ sáng. Các luật sư của chúng tôi đang đi tới đồn cảnh sát,” ông Mark Simon, một phụ tá thân cận của ông Lai, nói với hãng tin Pháp AFP và thêm rằng, nhiều thành viên trong tập đoàn truyền thông của ông Lai cũng bị bắt.
Ông Simon viết trên Twitter rằng công an cũng lục soát cả khu biệt thự của ông Lai và nhà riêng của con trai ông Ian Lai.
Một nguồn tin ẩn danh trong lực lượng an ninh nói với AFP ông Lai bị bắt vì “tội câu kết với ngoại bang”, một trong bốn tội danh mơ hồ của đạo luật.
Cập nhật:
Trang mạng Hong Kong Free Press lúc 10g20 giờ Hong Kong cho biết, sau khi bắt giữ ông Jimmy Lai, nhiều công an chìm nổi đã ập vào lục soát tòa soạn báo Apple Daily trên đường Tesung Kwan O trong một chiến dịch trấn áp truyền thông đối lập. Thanh tra cảnh sát cao cấp, phụ trách bộ phận thực thi luật an ninh quốc gia của Sở Cảnh sát Hong Kong cũng có mặt trong cuộc bố ráp.
Phóng viên và nhân viên của tòa soán báo Apple Daily đã nhận được tin nhắn yêu cầu không đến tòa soạn làm việc, những người đã đến thì bị yêu cầu trở về nhà.
Tin truyền hình trực tiếp từ bên trong tòa soạn Apple Daily cho thấy công an đang lục soạn tài liệu trên các bàn làm việc của phóng viên; và có cảnh ông Jimmy Lai bị cảnh sát áp giải tới văn phòng.
Cảnh sát Hong Kong đưa tin trên mạng xã hội nói họ đang khám xét tòa nhà ở đường Tseung Kwan O để điều tra tội ác có liên quan tới an ninh theo điều 43 của luật an ninh quốc gia.
Ông Lai, 72 tuổi, là chủ sở hữu nhật báo tiếng Anh Apple Daily và tạp chí Next Magazine – hai ấn phẩm có lập trường thân phong trào dân chủ và phê phán Bắc Kinh quyết liệt.
Với nhiều cư dân của thành phố Hong Kong bán tự trị và rung chuyển vì những cuộc biểu tình hàng triệu người trong năm qua, ông Jimmy Lai là một người anh hùng không xưng danh – một tỷ phú tự lập thành chủ một tập đoàn truyền thông, tỷ phú duy nhất dám lên án Bắc Kinh.
Còn đối với báo chí Trung Quốc, ông là một “kẻ phản bội”, một “bàn tay đen” đằng sau những cuộc biểu tình liên tục suốt nửa cuối năm qua, và là người cầm đầu “tứ nhân bang” câu kết với ngoại bang để phá hoại “đất mẹ”.
Hồi tháng Sáu, hai tuần trước khi luật an ninh quốc gia Hong Kong được Bắc Kinh áp đặt lên thành phố này, ông Lai nói với AFP: “Tôi đã chuẩn bị đi ở tù. Nếu bị bỏ tù, tôi sẽ có cơ hội đọc những cuốn sách mà tôi chưa đọc. Điều duy nhất tôi có thể làm là luôn suy nghĩ tích cực”.
Ông nhận định luật an ninh này “là hồi chuông báo tử cho Hong Kong”. “Nó sẽ thay thế hoặc hủy hoại nhà nước pháp quyền của chúng tôi, sẽ hủy hoại vị thế trung tâm tài chánh quốc tế của chúng tôi”, ông nói. Ông chỉ sợ nhà cầm quyền sẽ truy bức các nhà báo làm việc cho ông.
Ông Lai không xa lạ với chuyện tù tội. Từ đầu năm 2020 đến nay, ông đã vài lần bị bắt giam, với cáo buộc tổ chức những cuộc biểu tình chống chính quyền hồi năm ngoái; hoặc với cáo buộc vi phạm quy định của chính quyền khi tham gia cuộc tưởng niệm hồi tháng các nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn ở Trung Quốc năm 1989; và lần này thì ông bị bắt với cáo buộc câu kết với nước ngoài theo luật an ninh quốc gia mới.
Cả chính quyền Hong Kong và chính phủ Bắc Kinh đều nói luật này không ảnh hưởng tới quyền tự do của người dân Hong Kong. Tuy nhiên nó hình sự hóa các quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận của người dân. Người Hong Kong bây giờ chỉ cần phát biểu ủng hộ biện pháp cấm vận của Mỹ, đòi quyền tự chủ hoặc độc lập cho Hong Kong đã có thể bị bắt và bị kết những bản án nặng nề.
Nhiều chính phủ phương Tây tin rằng đạo luật mơ hồ và hà khắc này đã thủ tiêu các quyền tự do căn bản và vị thế bán tự trị mà Bắc Kinh đã cam kết duy trì ở Hong Kong sau khi nhận lại vùng đất này từ tay người Anh năm 1997.
Trước thủ đoạn của Bắc Kinh, chính phủ Mỹ đã thu hồi quy chế ưu đãi thương mại cấp cho Hong Kong; các chính phủ Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản và Đức đã hủy bỏ thỏa thuận dẫn độ với Hong Kong vì e ngại Bắc Kinh sẽ lạm dụng thỏa thuận đó để truy bắt những người bất đồng chính kiến đang hoạt động ở ngoài biên giới Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng vừa ký sắc lệnh cấm vận, bao gồm cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản tại Mỹ của bà Carrie Lam, Trưởng đặc khu hành chánh Hong Kong cùng 10 quan chức cao cấp của Hong Kong và Trung Quốc có vai trò trong việc thực thi đạo luật này.