Chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny được sang Đức chữa trị

Chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny trong một cuộc biểu tình. Ảnh Wikipedia.org

H.C.

Một phi cơ chở các bác sĩ và thiết bị y tế đã rời phi trường Nuremberg ở Đức, bay sang Nga để đưa ông Alexei Navalny sang Đức chữa trị. Ông Navalny là một chính trị gia đối lập với chính quyền Nga, đang bị hôn mê tại một bệnh viện ở thành phố nhỏ Omsk, cách thủ đô Moscow khoảng 2.200 ki lô mét về phía đông,  nghi bị đầu độc.

Ông Navalny, 44 tuổi, là một luật sư và nhà vận động bài trừ tham nhũng nổi tiếng, là người phê phán mạnh mẽ nhất Tổng thống Nga Vladimir Putin nên nhiều người nghi ngờ ông có thể đã bị ông Putin cho tay chân đầu độc. Hôm thứ Năm, ông Navalny đột ngột bị đau đớn và bất tỉnh trên chuyến bay từ thành phố Tomsk ở miền viễn đông Nga trở về Moscow và máy bay phải đáp khẩn cấp xuống Omsk để ông được cấp cứu.

*

Bà Kira Yarmysh, phát ngôn viên của ông Navalny nói ông bị hôn mê và phải thở máy, tình trạng của ông nguy kịch nhưng ổn định. Bà Yarmysh viết trên Twitter rằng “Alexei đã bị đầu độc” và cho biết khi ra phi trường Tomsk để lên phi cơ về Moscow, ông Navalny vẫn rất khỏe mạnh. Tại phi trường, ông Navalny có uống một ly trà, sau đó trên máy bay ông bị bất tỉnh nhân sự. “Chúng tôi nghĩ Alexei đã bị đầu độc bằng thứ gì đó trộn trong ly nước trà. Đó là thứ duy nhất ông uống trong buổi sáng hôm ấy,” bà viết trên Twitter. Sau đó bà khẳng định với đài phát thanh Echo of Moscow rằng bà “chắc chắn đây là vụ đầu độc cố ý”.

Bệnh viện ở Omsk chưa công bố chẩn đoán của họ trong khi cơ quan y tế địa phương nói vụ bất tỉnh của ông Navalny không phải do thuốc men gây ra.

Các cộng sự của ông Navalny nói bệnh viện ở Omsk trang bị thiếu thốn; bác sĩ điều trị cho ông là Anastasia Vasilyeva nói bà đã yêu cầu Điện Kremlin cho phép chuyển ông sang một bệnh viện ở châu Âu để chữa trị.

Báo chí Đức cho biết, sau khi được tin về tình trạng của ông Navalny, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề nghị đưa ông sang Đức. “Tôi hy vọng ông ấy sẽ hồi phục… ông ấy có thể nhận được từ chúng tôi mọi sự giúp đỡ y tế cần thiết,” bà Merkel nói trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Putin nói, ông Putin mong cho ông Navalny “sớm bình phục” và Kremlin sẽ giúp cho ông ra nước ngoài chữa trị nếu cần thiết. Ông Peskov cũng nói rằng cáo buộc đầu độc chỉ là “giả thuyết” và việc xét nghiệm sẽ chứng tỏ ngược lại.

Bà Yarmysh thì cáo buộc Tổng thống Putin phải chịu trách nhiệm trong việc đầu độc ông Navalny. “Dù ông ta có đích thân ra lệnh hay không thì ông ta cũng phải chịu trách nhiệm,” bà nói.

Thông tấn xã TASS của nhà nước Nga dẫn nguồn tin từ cơ quan công lực tỏ ý nghi ngờ: “Chúng tôi không loại trừ việc ông ta đã ăn uống gì đó,” nguồn tin nói và cho rằng lời tố cáo của bà Yarmysh là “hoàn toàn rác rưởi”.

Tổ chức Ân xá quốc tế thúc giục chính phủ Nga “mở cuộc điều tra tức thời và độc lập” về sự cố này, trong khi Cao ủy Đối ngoại châu Âu Joseph Borrell nói “những kẻ chịu trách nhiệm phải bị đưa ra trước công lý” nếu như vụ đầu độc được chứng minh là có thật.

*

Nhà phân tích chính trị Tatiana Stanovaya nhận định ông Navalny “có hàng trăm kẻ thù, kể cả những kẻ sẵn sàng chơi rắn” vì những cuộc điều tra chống tham nhũng của ông được hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội.

Nhiều người dân Moscow lại nghi ngờ ông Navalny bị đầu độc vì quan điểm chính trị của ông, vì ông đấu tranh chống chính quyền quá mạnh mẽ. Trong quá khứ ông Navalny đã nhiều lần bị tấn công đến nỗi ông bị hư một con mắt; và ông cũng nghi ngờ mình bị đầu độc trong thời gian bị giam trong tù vì tổ chức biểu tình bất hợp pháp.

Là một luật sư, người tố cáo (whistle-blower), một nhà hoạt động chính trị đối lập, ông Navalny đã đi khắp nước để vận động cho một chiến thuật bầu cử chống lại những ứng cử viên thân với ông Putin trong những cuộc bầu cử địa phương vào tháng sau. Ông tới Siberia ở miền đông để vận động cho các ứng cử viên đối lập và bị nạn trên đường trở về.

Ông Navalny là mục tiêu của nhiều cuộc điều tra hình sự và đã trải qua nhiều lần ngồi tù, nhiều lần bị tạm giam vì tổ chức biểu tình mà không được phép; tổ chức Quỹ Bài Trừ Tham Nhũng của ông thường xuyên bị công an bố ráp.

*

Công an và tình báo Nga có lịch sử lâu dài về sử dụng thuốc độc để triệt hạ đối thủ.

Anh Quốc đã chỉ đích danh hai điệp viên Nga là thủ phạm của vụ cựu điệp viên “hai mang” của Nga là Sergei Skripal và con gái Yulia bị đầu độc ở thành phố Salisbury của Anh tháng Ba 2018 bằng chất độc thần kinh có tên là Novichok.

Năm 2006 cựu điệp viê Nga Alexander Litvinenko cũng bị giết chết ở Anh bởi chất độc phóng xạ polonium pha trong một tách trà ở London; nhưng phía Nga từ chối cho dẫn độ thủ phạm chính là Andrei Lugovoi.

Gần đây nhiều nhà chính trị đối lập với chính quyền ở Nga mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo mà họ cho là bị đầu độc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: