H.C.
Một người Úc, làm người dẫn chương trình tiếng Anh cho đài truyền hình trung ương Trung Quốc, đã bị chính quyền Bắc Kinh bắt giam mà không rõ lý do giữa lúc quan hệ giữa Úc và Trung Quốc càng lúc càng căng thẳng.
Báo chí quốc tế dẫn nguồn tin từ bộ ngoại giao Úc hôm nay thứ Hai 31-08 cho biết, cô Cheng Lei (Trình Lỗi), là người dẫn chương trình tin tức kinh doanh cho kênh truyền hình Anh ngữ CGTN (China Global Television Network) thuộc đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, đã bị bắt giam từ ngày 14-08 vừa qua.
Bộ trưởng ngoại giao Úc Marise Payne nói các nhà ngoại giao đã được phép nói chuyện với cô Cheng Lei qua điện thoại truyền hình từ trại giam hôm thứ Năm; nhưng các chi tiết liên quan tới việc bắt giữ cô Cheng cũng như nơi giam giữ cô vẫn chưa được công bố mà phía Trung Quốc vẫn chưa loan báo việc bắt giam cô này.
Đài truyền hình công cộng của Úc, ABC, đưa tin cô Cheng bị giam giữ theo quy định “giám sát cư trú” (residential surveillance) – một biện pháp quái dị, theo đó nhà cầm quyền Trung Quốc có thể giam giữ người bị tình nghi ở những nhà tù bí mật tới sáu tháng mà không cho phép họ tiếp xúc với thân nhân hoặc luật sư biện hộ. Bộ ngoại giao Úc không bình luận về thông tin này.
Cô Cheng – con của một gia đình di dân Trung Quốc – tốt nghiệp đại học Queensland của Úc và đã làm việc cho CGTN được tám năm. Cô có gia đình và hai con nhỏ sinh sống ở Melbourne, Úc.
Vụ bắt giữ cô Cheng diễn ra vào lúc chính phủ Úc đang chuẩn bị thông qua một đạo luật cho phép chính quyền liên bang phủ quyết những thỏa thuận ký kết giữa chính quyền tiểu bang và địa phương với các chính phủ nước ngoài. Đạo luật, có thể được ban hành tuần này, không nhắm riêng tới Trung Quốc mà tới tất cả các chính phủ nước ngoài, song rất nhạy cảm với Trung Quốc do mối quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh đang xuống thấp và sau khi một tiểu bang của Úc ký thỏa thuận tham gia dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc mà không tham khảo ý kiến của chính quyền liên bang.
Kinh tế Úc phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, trong đó Trung Quốc là khách hàng chính nhập cảng quặng sắt và nông sản của Úc, đồng thời cung cấp cho Úc lượng lớn khách du lịch và sinh viên du học. Cho dù như vậy, chính phủ Úc không ngại phê phán chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, đặc biệt là việc Trung Quốc dùng nhiều thủ đoạn can thiệp sâu vào tình hình chính trị của Úc. Quan hệ ngoại giao giữa đôi bên xấu đi rất nhanh từ giữa tháng Tư vừa qua sau khi chính phủ Úc kêu gọi Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ ủng hộ đề nghị của Úc tổ chức điều tra quốc tế về nguồn gốc của coronavirus và sai lầm trong việc xử lý đại dịch Covid-19.
Trung Quốc cho rằng, lời kêu gọi của Úc có động cơ chính trị và dọa trả đũa bằng những biện pháp tẩy chay hàng hóa Úc. Vào ngày 05 tháng Sáu, Bắc Kinh cảnh báo công dân không đi du lịch Úc, nói rằng tình trạng phân biệt chủng tộc và bạo lực nhắm vào người châu Á và người Trung Quốc đang tăng lên ở đó. Bốn ngày sau, bộ giáo dục Trung Quốc nói sinh viên nên suy nghĩ cẩn thận trước khi chọn đi du học Úc. Bắc Kinh cũng áp đặt thuế nhập khẩu 80% lên sản phẩm lúa mạch nhập cảng từ Úc và cấm nhập cảng rượu vang, thịt bò Úc.
Xung đột hai bên càng căng thẳng vào tháng Bảy sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hong Kong, dẫn tới việc Úc quyết định bãi bỏ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong và mở đường cho công dân Hong Kong được dễ dàng tìm quy chế thường trú nhân ở Úc.
Úc còn là một trong số ít các nước công nghiệp không cho phép tập đoàn Huawei của Trung Quốc tham gia xây dựng mạng viễn thông thế hệ thứ 5 (5G) khiến Bắc Kinh rất tức giận và cáo buộc Úc là “nô tì” của Hoa Kỳ.
Trung Quốc vẫn thường sử dụng biện pháp bắt giam công dân nước ngoài theo những cáo buộc mơ hồ để gây sức ép chính trị mỗi khi có xung đột hoặc bất hòa với chính phủ nước khác. Hai năm trước, Bắc Kinh bắt giam hai công dân Canada, ông Michael Kovrig và Michael Spavor, và xử tử một người Canada khác sau khi Canada bắt giam bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chánh của tập đoàn công nghệ Huawei, theo yêu cầu của Hoa Kỳ.
Ông Richard McGregor, chuyên gia nghiên cứu về chính trị và chính sách ngoại giao Trung Quốc của Viện Lowy ở Sydney nói vẫn chưa rõ liệu có phải quốc tịch Úc là yếu tố khiến cô Cheng bị bắt hay không. Trước đây, Bắc Kinh đã bắt giam một nhà văn và doanh nhân Úc gốc Trung Quốc, ông Yang Hengjun (Dương Hằng Quân), bút hiệu Yang Jun (Dương Quân), từ đầu năm 2019 rồi đầu năm nay đưa ra xét xử với tội danh làm gián điệp.
Vì thủ đoạn đó của Bắc Kinh, chính phủ Mỹ khuyến cáo công dân Mỹ phải hết sức thận trọng khi đi đến Trung Quốc do mối căng thẳng giữa Bắc Kinh với chính quyền của Tổng thống Trump hiện nay.