H.C.
Quan chức Bắc Kinh nói thẳng rằng công dân Mỹ ở Trung Quốc có rủi ro trở thành “con tin” trong chiến thuật ngoại giao của nước này, báo The Wall Street Journal tường thuật trong một bản tin độc quyền hôm nay thứ Bảy 17-10-2020.
Dẫn các nguồn tin thông thạo, báo WSJ cho biết các quan chức chính phủ Trung Quốc đã cảnh báo rằng họ có thể bắt giữ công dân Mỹ ở Trung Quốc để trả đũa việc Bộ Tư pháp Mỹ truy tố các nghiên cứu viên của quân đội Trung Quốc. Lời cảnh báo này đã nhiều lần được gửi tới các đại diện chính phủ Mỹ qua nhiều kênh khác nhau, kể cả qua Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc.
Lời cảnh báo rất thẳng thừng: Mỹ nên hủy bỏ việc truy tố ra tòa án Mỹ các học giả Trung Quốc hoặc người Mỹ ở Trung Quốc có thể bất ngờ bị cáo buộc vi phạm luật pháp Trung Quốc.
Trung Quốc bắt đầu đưa ra những lời cảnh báo kiểu này từ mùa hè, sau khi Bộ Tư pháp Mỹ bắt giam một số học giả Trung Quốc đang thực hành nghiên cứu tại các đại học Mỹ, cáo buộc họ che giấu vị trí của họ trong quân đội Trung Quốc khi nộp hồ sơ xin nhập cảnh. Chính phủ Mỹ cũng cáo buộc một số nhà ngoại giao Trung Quốc tiếp tay với các học giả này và đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới lệnh đóng cửa tòa lãnh sự Trung Quốc tại thành phố Houston, Texas hồi tháng Bảy.
“Ngoại giao con tin”
Chính quyền Trung Quốc thỉnh thoảng lại bắt giam các công dân nước ngoài mà các chính phủ nước ngoài cho là không có căn cứ. Trong một số trường hợp, việc bắt giữ công dân nước ngoài là biện pháp trả đũa về ngoại giao – một chiến thuật mà nhiều người trong giới chính trị ở Washington gọi là “ngoại giao con tin” nhằm gây sức ép chính trị lên các chính phủ có công dân bị bắt. Trung Quốc đã không cho phép một số công dân Mỹ xuất cảnh, bắt giữ, truy tố và kết án các công dân Canada, Úc và Thụy Điển trong những trường hợp mà chính phủ các nước này đều cho là cáo buộc ngụy tạo.
Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận cảnh báo của Trung Quốc, chỉ nhắn nhủ: “Chúng tôi cảnh báo công dân Mỹ rằng những vụ tranh chấp trong kinh doanh, những vụ tòa án [Trung Quốc] đòi trả tiền bồi thường, hoặc những vụ điều tra về dân sự và hình sự có thể dẫn tới việc công dân Mỹ bị cấm rời khỏi Trung Quốc cho đến khi các vụ này được giải quyết xong”. Trong một khuyến cáo về đi lại ban hành hồi tháng Chín, Bộ Ngoại giao đã khuyên công dân Mỹ tránh đi tới Trung Quốc vì một số lý do, kể cả cảnh báo chính quyền Trung Quốc bắt giam công dân các nước khác “để giành lợi thế mặc cả với các chính phủ nước ngoài”.
Ông John Demers, phụ trách về an ninh quốc gia của Bộ Tư pháp, nói rằng Trung Quốc nhẫn tâm không ngó ngàng tới các cá nhân bị bắt giữ trong hoạt động trả đũa của họ. “Nếu Trung Quốc muốn được coi như một nước lãnh đạo thế giới, họ cần phản tôn trọng sự thượng tôn pháp luật và chấm dứt việc bắt giữ con tin,” ông Demers nói.
Trung Quốc bác bỏ việc Mỹ, Canada và các nước khác sử dụng cụm từ “ngoại giao con tin” và nói Bắc Kinh chỉ thực hiện luật pháp và bảo vệ an ninh quốc gia của họ.
Trường hợp Canada
Hồi tháng Sáu, các biện lý Trung Quốc buộc tội hai công dân Canada về tội gián điệp trong một động tác được coi là là trả đũa vụ Canada bắt giữ một cán bộ quản lý tập đoàn công nghệ Huawei Trung Quốc theo yêu cầu bắt và dẫn độ của Mỹ. Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã mạnh mẽ lên án vụ xét xử. Hôm thứ Năm 15-10 đại sứ Trung Quốc tại Canada đã phản bác ông Trudeau tại một sự kiện truyền thông kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Đại sứ Trung Quốc Tùng Bồi Vũ (Cong Peiwu) cảnh cáo Canada nên ngừng việc cấp quy chế tỵ nạn cho những người hoạt động dân chủ của Hồng Kông, nên ủng hộ luật an ninh quốc gia Hồng Kông mà Bắc Kinh mới ban hành và ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc nếu chính phủ Canada quan tâm tới “sức khỏe và an toàn” của khoảng 300.000 công dân Canada đang sinh sống ở lãnh thổ Hồng Kông, theo thông tin trên trang web của sứ quán Trung Quốc.
Hành động thay đổi cục diện
Tại Mỹ, chính phủ của tổng thống Donald Trump đã áp đặt thuế suất lên hàng hóa Trung Quốc nhập cảng, hạn chế hoạt động của các công ty Trung Quốc có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia và tìm cách chống lại việc Bắc Kinh xây dựng căn cứ quân sự ở Biển Đông Việt Nam, làm cho Bắc Kinh hết sức tức giận. Nhưng theo một số cựu quan chức an ninh quốc gia Mỹ, hành động của Bộ Tư pháp truy tố các học giả của quân đội Trung Quốc đã gây ra một nỗi phẫn nộ công khai và trầm trọng cho Trung Quốc theo cách mà các hành động phản kháng khác không có được. Trong quá khứ, những vụ việc như thế thường được hai bên dàn xếp trong những cuộc họp kín để tránh những tác hại về ngoại giao và Trung Quốc đỡ mất mặt.
“Hành động của Bộ Tư pháp thể hiện một cuộc tấn công toàn diện vào một trong những định chế được tôn xưng nhất của Trung Quốc: quân đội. Đó là yếu tố làm thay đổi cục diện, có thể gây hại cho cả đôi bên,” ông Craig Singleton, cựu quan chức an ninh quốc gia, hiện làm việc tại tổ chức nghiên cứu Foundation for Defense of Democracy.
Trung Quốc bắt đầu cảnh cáo, đe dọa công dân Mỹ khi một nghiên cứu viên của quân đội Trung Quốc chạy vào trú ẩn trong tòa lãnh sự nước này ở San Francisco suốt một tháng sau khi bị Cục Điều tra Liên bang FBI thẩm vấn hồi tháng Sáu. Khi ấy, các quan chức Trung Quốc đã nói với phía Mỹ rằng họ sẽ bắt giam một công dân Mỹ ở Trung Quốc nếu như Mỹ không cho phép nghiên cứu viên này, bà Đường Quyên (Tang Juan) được rời tòa lãnh sự và trở về Trung Quốc. Quan chức Mỹ nói họ chờ đợi Trung Quốc sẽ thực hiện lời hăm dọa nhưng đã không có gì xảy ra; FBI bắt giam bà Đường hồi tháng Bảy khi bà này ra khỏi tòa lãnh sự và hiện bà này được tại ngoại hậu tra. Hai trong số bốn nghiên cứu viên Trung Quốc bị bắt sẽ ra tòa vào tháng tới.