Ăn sáng nhanh, ăn sáng chậm

Một bữa điểm tâm ở Houston

Người Việt, khi di cư sang Mỹ, ngoài ngôn ngữ, thì chuyện ăn uống cũng là một “cú shock văn hóa” khá lớn. Điển hình là kiểu ăn sáng hoàn toàn khác biệt, khiến không ít người ngỡ ngàng.

Thói quen ăn uống hằng ngày của người Mỹ hay người phương Tây nói chung đề cao chất lượng, dù là bữa ăn nào cũng phải đảm bảo dinh dưỡng, mỗi ngày phải tiêu thụ bao nhiêu calories, vitamin… nên đôi khi hương vị không quá thơm ngon, vừa miệng người Việt. Đây được gọi là “quan niệm ẩm thực lý tính”. Trong khi đó, ẩm thực Việt Nam hay phương Đông nói chung hướng đến “ẩm thực thẩm mỹ”, thể hiện bằng thói quen đánh giá món ăn qua màu sắc, hương vị, hình thức, ưu tiên tính ngon miệng mà ít quan tâm đến chất lượng dinh dưỡng. Đây chính là sự khác biệt chính giữa hai nền văn hóa dẫn đến thói quen, tập quán ăn uống khác nhau. Trong khi người Việt chuộng kiểu ăn sáng đầy đặn, chắc bụng, thì đối với người Mỹ, ăn sáng chỉ để giải quyết cơn đói sau một đêm dài, nhưng cần đủ năng lượng để cung cấp cho các hoạt động của một ngày mới, đặc biệt phải nhanh, nhẹ và gọn gàng.

Hàng bánh canh ở Hội An

Kiểu ăn sáng “nhanh nhất thế giới” chắc chỉ có thể có ở Mỹ. Bữa sáng đặc trưng ở nhà sẽ là một gói ngũ cốc (cereal) gồm các loại hạt, trái cây sấy khô bán sẵn, vừa rẻ vừa tiện lại nhiều dinh dưỡng mà nhà nào cũng có ít nhất hai, ba hộp. Người ta sẽ đổ thêm sữa tươi, lạnh hoặc nóng đều được, vào tô ngũ cốc, quậy đều lên và thưởng thức. Vỏn vẹn chưa đầy hai phút mà chẳng cần đụng đến cái bếp lò.

Những tiệm “fast food” – ăn nhanh – của Mỹ như Mc Donald’s, Sonic, Taco Bell, Burger King… đa phần mở sáng đêm. Một bữa sáng nhanh và no thường là một chiếc “biscuit” (một loại bánh mì mềm) kẹp thịt kèm một túi khoai chiên nhỏ, không quên một tách cà phê hay một ly nước ép. Khách chỉ cần chạy xe đến bảng menu rồi gọi món (order), chạy tiếp đến cửa sổ trả tiền, chạy thêm chút nữa là cửa sổ giao hàng, nhanh chóng gọn gàng trong chưa tới năm phút, thậm chí không cần bước xuống xe. Mô hình này gọi là drive-thru, đầu giờ sáng, lúc tiệm đông khách, có thể thấy xe xếp hàng nối đuôi nhau tạo thành hình chữ U, trật tự, không ai hối hả ai, dù rằng ai cũng bận rộn.

Hủ tíu sáng ở Sài Gòn

Ngoài các thương hiệu thức ăn nhanh có dịch vụ drive-thru được ưa chuộng thì cũng có những nhà hàng phục vụ bữa ăn sáng đầy đặn tại chỗ, tuy không nhiều. Ví dụ như IHOP, Denny’s… Phần ăn sáng đặc trưng kiểu Mỹ thường gồm trứng các loại, ốp lết (omelette), trứng bác (scrambled eggs), dọn kèm với vài lát bánh mì nóng (toasted), thịt muối chiên giòn (bacon), xúc xích… Muốn ăn kiểu ngọt thì có bánh mì mềm (sandwiches), bánh kẹp (pancake), bánh tổ ong (waffle) phết bơ, ăn chung với các loại mứt, mật ong hay syrup (một loại nước đường). Những hàng quán này mở cửa trễ hơn các tiệm thức ăn nhanh, và sớm hơn các nhà hàng thông thường, chừng khoảng 8,9 giờ sáng; đặc biệt chỉ đông vào các cuối tuần, khi người ta được nghỉ làm, cả gia đình đưa nhau đi ăn sáng.

So với Mỹ thì ăn sáng kiểu Việt được đánh giá là đa dạng và phong phú hơn khá nhiều. Khác với đồ ăn sáng ở Mỹ thường chỉ bán trong buổi sáng, hàng ăn ở nước mình đã mở thì sẽ bán luôn đến tối chiều hay đến khi hết hàng mới dọn. Người Việt ít phân biệt các món ăn trong ngày riêng biệt, người ta có thể ăn sáng, trưa, thậm chí ăn tối với cùng một món như phở, hủ tíu, bánh canh, bánh mì, cơm tấm… Với cách ăn uống chuộng nguyên liệu tươi, không quen đồ ăn làm sẵn, đông đá (frozen), mua ngày nào nấu ngày đó nên phần chuẩn bị càng công phu, tốn thời gian hơn nữa, có khi phải làm từ ngày hôm trước hay sớm tinh mơ đã phải đi chợ chọn đồ.

Thói quen của người mình trong cách ăn uống luôn có phần chậm rãi, thưởng thức, nhâm nhi. Buổi sáng có thể vào quán gọi một tô hủ tíu, từ tốn lặt miếng rau, thêm miếng ớt, xịt miếng tương rồi mới gắp một gắp bánh hủ tíu, húp một muỗng nước lèo. No bụng rồi uống hết ly cà phê sữa đá, nói dăm ba câu xã giao với cô bán hàng, rồi mới thong thả đến chỗ làm, có khi tốn chừng hơn ba mươi phút cho một bữa sáng như vậy.

Nói thế nhưng người Việt cũng có rất nhiều món ăn sáng nhanh như bánh mì, bánh bao, xôi, bánh giò, bánh dày… có thể mua sẵn, ăn vẫn no mà lại gọn gàng. Những món quà sáng này thường thích hợp với học sinh, sinh viên và những công chức trẻ ở các thành phố lớn nhiều bận rộn. Ngày nay, người Mỹ có xu hướng chọn các món ít calo, ít dầu mỡ, thiên về các món ăn “healthy” (khỏe mạnh), bởi Mỹ là quốc gia có tỷ lệ người béo phì lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, họ vẫn duy trì cách ăn sáng nhanh như một thói quen, một phần cũng do thời gian bận rộn. Thức ăn thường ngày của người Mỹ tuy không phong phú như văn hóa ẩm thực Việt Nam, nhưng chính sự khác biệt đó giúp chúng ta có cơ hội thưởng thức những món ăn mới, đồng thời học hỏi thêm một nền văn hóa mới ở nơi mà chúng ta xem như là quê hương thứ hai của mình.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: