Thông điệp “Chúng tôi là ai” của Vietnam Airlines bị phản ứng dữ dội

Khi Sài Gòn phát hiện ca coronavirus mới liên quan bệnh nhân 1342, nam tiếp viên hàng không của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, do anh này không nghiêm túc tuân thủ các quy định về cách ly phòng chống dịch bệnh, cộng đồng đã tỏ ra rất phẫn nộ. Ngày 2-12-2020, Vietnam Airlines phát thông cáo báo chí chính thức xin lỗi: “‘Vietnam Airlines chân thành xin lỗi vì sự việc không mong muốn khi có ca lây nhiễm SARS-CoV-2 từ tiếp viên của hãng do không tuân thủ quy định cách ly. Hãng đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để điều tra, xử lý tất cả các cá nhân, tổ chức căn cứ trên mức độ sai phạm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Vietnam Airlines cũng làm việc với Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 và các Bộ, ngành liên quan để thắt chặt, nâng cao quy trình phòng chống dịch cho tổ bay sau khi thực hiện các chuyến bay quốc tế về Việt Nam nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng”.

Lời xin lỗi này vốn không được đón nhận nhiệt tình cho lắm thì tiếp đó, một nhân viên Vietnam Airlines, được tin là Hoàng Tú Anh, Trưởng bộ môn Huấn luyện nghiệp vụ Chăm sóc khách hàng, Tiếp viên trưởng của Vietnam Airlines, lại viết trên Facebook cá nhân dòng status “Chúng tôi là ai”. Như châm dầu vào lửa, cộng đồng lại một phen “phừng phừng” nổi giận…

Facebooker Nguyễn Thị Bích Hậu viết:

Biết ơn và thiện cảm?

Mạng đang lan truyền câu chuyện mọi người nên biết ơn hãng hàng không thế nào nhân vụ dịch lây lan. Thật ra nói về biết ơn trong vụ này, nên biết ơn các y bác sĩ, kế đó là biết ơn các bạn dân quân, thanh niên… đã lo cách ly cho bao nhiêu người. Họ làm lụng cực khổ có kêu ca gì đâu, cũng không thấy ai kêu gào phải bày tỏ lòng biết ơn họ. Còn hàng không thì có biết ơn hay không cần coi cho kỹ. Đành rằng không nên vơ đũa cả nắm, vì lỗi một người đổ cho toàn bộ các bạn làm trong ngành hàng không. Nhưng nói rằng biết ơn thì phải coi lại. Ví dụ các chuyến bay giải cứu giá vé đắt lè, có phải là bay miễn phí đâu. Còn lại hàng không có hãng nào bay là để thu tiền kinh doanh thôi.

Khi lỗ thì hãng bự nhứt còn được giải cứu bằng thuế dân cả núi tiền. Còn khi lãi và cổ phiếu tăng vù vù thì ai được hưởng cũng tự hiểu. Muốn vào ngành hàng không có phải dân thường lon ton chạy tới họ cho vào đâu. Nói chung hàng không là ngành danh giá. Phải thế nào mới vào đó được. Con ông cháu cha đầy đàn. Không tin nhà ai có con chỉ cần làm dịch vụ mặt đất thử xin một suất coi thế nào. Nói gì tới suất lên máy bay làm trong phi hành đoàn, đùa đâu. Khác xa với ở nước ngoài, dân làm hàng không cũng là dân thường thôi. Họ tuyển người làm tiếp viên hàng không làm lâu năm. Trông già mà xấu nhưng phục vụ rất tận tụy. Không hạch sách. Mà cũng không có thói thích bay giờ nào thì bay, thích delay khi nào thì delay.

Đó là chưa kể tới vụ giá vé cao ngất ngưởng, sân bay chật như nêm cối… Và còn đủ thứ tệ nạn, nào là tìm được cái xe taxi ở sân bay tử tế cũng khó, rồi đi qua cửa này cửa nọ trong sân bay có khi phải van ông này, nài bà kia… Mong được thiện cảm còn khó nữa là. Vậy mà vẫn bắt phải bày tỏ lòng biết ơn thì chịu. Thực ra biết ơn là một phẩm chất tự nhiên. Không cần kêu gào gì người ta cũng tự bày tỏ. Một khi kêu gào tức là quá chán rồi. Ép uổng sự biết ơn để làm cái gì?

Facebooker Lê Quang (kiến trúc sư, sống tại Đức) viết:

– “Chúng tôi là ai mà trong khi các bạn được ở nhà thì chúng tôi phải đi xây nhà cho các bạn?”

Tự trọng nghề nghiệp là điều đáng quý nhưng đừng bao giờ biến nó thành một sự ngộ nhận nghề nghiệp. Tất cả mọi nghề nghiệp lương thiện đều cao quý và có những chuẩn mực, trách nhiệm cũng như quy tắc định riêng dành cho nó. Chúng ta được giáo dục và huấn luyện để thực thi vai trò mà mình theo đuổi và nên theo đuổi đến cùng.

– “Chúng tôi là ai mà trong khi các bạn ăn cơm ngon thì chúng tôi phải tần tảo một nắng hai sương trên ruộng đồng?”

Mọi kết tinh của lao động đều đáng được nâng niu, trân trọng nhưng hãy coi nó là sự cống hiến cho xã hội chứ không phải là ban ơn. Hơn hết, phía sau mọi hiện thực cũng là dấu ấn của kinh tế.

– “Chúng tôi là ai mà trong khi các bạn được rảnh rang làm ăn còn chúng tôi phải dạy dỗ lũ trẻ nhà bạn hơn 8 giờ/ngày?”

Đó chính là vai trò của mọi công dân trong xã hội. Chúng ta hoặc đóng vai trò này hay vai trò kia, chia sẻ các giá trị và lợi ích cùng nhau. Do đó tôi có lời khuyên đến tất cả các bạn có suy nghĩ #chúngtôilàai rằng ta nên tỉnh táo và cân nhắc. Có thể mỗi người chúng ta đều từng được phong anh hùng dưới ánh sáng của tuyên giáo tức thời nhưng điều ấy là tạm thời, chủ yếu phục vụ mục tiêu chính trị. Một người anh hùng thật sự không tìm cách chứng minh mình là anh hùng. Nếu ai đó đột nhiên khoác lên bạn chiếc áo anh hùng khi bạn chỉ đang thực thi công việc thường nhật của bạn thì phần lớn là để phục vụ lợi ích của họ chứ không phải dành cho bạn.

Chủ nghĩa anh hùng hun đúc nên những con người quả cảm nhưng trớ trêu thay “chỉ có những đất nước khốn khổ mới cần đến anh hùng”. Trên hết, đây là biểu hiện của suy nghĩ lệch lạc dưới ảnh hưởng tuyên giáo mà người trẻ nên cẩn trọng khi tiếp nhận, đặc biệt là những người làm việc trong các tổ chức doanh nghiệp. “Chúng ta là ai?” – Chúng ta có tự trọng cùng niềm tự hào nghề nghiệp và nó chẳng khác bất kỳ ai khác cả.

Facebooker Lê Thế Thắng (nhiếp ảnh gia) viết:

Qua thông điệp CHÚNG TÔI LÀ AI (được cho là) của tiếp viên Vietnam Airlines thì không khó để nhận thấy một nan đề khủng khiếp của cách giáo dục con người ở đất nước này – cụ thể là trong các lĩnh vực công, các lĩnh vực sự nghiệp đặc thù (công an, quân đội) và các doanh nghiệp nhà nước. Cái gì họ cũng nghĩ xã hội và người dân phải mang ơn họ. Những gì họ đang làm là to lớn cao đẹp, là hy sinh, là cống hiến, là đùm bọc, chở che (ban phát cho nhân dân) – như là cha mẹ với con cái, là thầy cô với học trò…

Không tin thì lên mạng thử cái biết liền. Các lĩnh vực công, lĩnh vực đặc thù thì khỏi phải lăn tăn nữa rồi. Hãy thử vào các diễn đàn chê đồ ăn của Vietnam Airlines hay chê lối ứng xử của tiếp viên xem – thứ bạn nhận được chắc chắn là các màn tập thể các em trẻ đẹp nhưng hung hãn, lăm lăm cuốc xẻng đào mả tổ các bạn lên. Tất nhiên đó không phải là chủ trương hay tư duy của doanh nghiệp, ban ngành. Nhưng về góc độ con người – nền giáo dục này, ý thức hệ này, cùng với tư duy bao cấp (bầu sữa ngân sách) chỉ có thể sản sinh ra những loại người như thế. Mà thực ra thì ai mới VÔ ƠN chứ? Những kẻ sống bằng thuế của nhân dân nhưng lại mang tư tưởng mình là ông cố nội của nhân dân.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: