HIẾU CHÂN
Chính phủ Hoa Kỳ thời Tổng thống Joe Biden sẽ đối phó với Trung Quốc như thế nào? Câu trả lời đã được xác định một phần qua phát biểu hôm nay của ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh quốc gia của tân tổng thống, trong đó ông nêu ra ý tưởng về “dàn đồng ca” và bốn bước mà Hoa Kỳ sẽ thực hiện để ứng phó với những thách thức mà Trung Quốc đặt ra.
Trong cuộc hội thảo tại Viện Hòa Bình Hoa Kỳ (United States Institute of Peace) tại Washington hôm nay thứ Sáu 29-01-2021, ông Jake Sullivan, 44 tuổi, người mới được bổ nhiệm làm Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Joe Biden, nói rằng Hoa Kỳ phải chuẩn bị sẵn sàng để buộc Trung Quốc phải trả giá đắt vì các hành động đàn áp người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo ở Tân Cương, phong trào đấu tranh vì dân chủ ở Hồng Kông và các hành động hiếu chiến, đe dọa Đài Loan. Ông nhấn mạnh Washington cần phải nói rõ ràng và nhất quán về các vấn đề đó.
Cuộc hội thảo, dưới tiêu đề “Chuyển giao cây gậy tiếp sức 2021: Cùng nhau bảo vệ tương lai nước Mỹ”, đã quy tụ các cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ qua các thời kỳ; ngoài ông Sullivan còn có sự tham dự của ông Robert O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Donald Trump và bà Condoleezza Rice, cố vấn an ninh quốc gia và sau đó là ngoại trưởng dưới thời Tổng thống George W. Bush những năm 2000. Ông Sullivan phát biểu như là người tiếp nhận trọng trách mà những người tiền nhiệm trao lại trong cuộc chạy tiếp sức vì tương lai đất nước.
Tiếp tục cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền Trump
Chính quyền Biden, mới nhậm chức vào tuần trước, đã chỉ ra rằng Trung Quốc là vấn đề hàng đầu mà Hoa Kỳ cần phải giải quyết và chính quyền mới sẽ tiếp tục cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc mà cựu Tổng thống Donald Trump theo đuổi, nhưng mong muốn có sự hợp tác của Bắc Kinh về các ưu tiên chính sách như biến đổi khí hậu. Vừa hợp tác vừa đấu tranh là sách lược được các quan chức cao cấp trong bộ máy an ninh và đối ngoại của Tổng thống Biden nhiều lần đề cập, trong đó yếu tố đấu tranh đã vượt lên ngay từ đầu.
Ngoại trưởng Antony Blinken đã công khai tán thành quyết định vào phút cuối của ngoại trưởng tiền nhiệm Mike Pompeo rằng Trung Quốc đã thực hiện hành vi diệt chủng ở Tân Cương. Mới đây chính quyền Biden cũng đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ Đài Loan trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự gần hòn đảo, nhấn mạnh rằng cam kết của Hoa Kỳ với Đài Bắc là “tảng đá vững chắc”. Ngoại trưởng Blinken, trong các cuộc điện đàm với những người đồng cấp ở châu Á, đã nhắc lại các hiệp ước phòng thủ chung, theo đó Hoa Kỳ có nghĩa vụ hỗ trợ an ninh cho các nước Nhật Bản, Phi Luật Tân khi lãnh thổ của họ bị tấn công bằng vũ lực. Ngoại trưởng Blinken cũng cam kết sát cánh với các nước có tuyên bố chủ quyền Biển Đông ở Đông Nam Á đương đầu với áp lực của Trung Quốc.
Tuy nhiên, chỗ mới của chính quyền Biden trong chính sách đối phó Trung Quốc là bắt tay với các đồng minh cùng chí hướng, tạo thành một “dàn đồng ca” (chorus of voice) có thể đẩy lùi Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh thông qua bốn bước chính.
Dàn đồng ca và bốn bước đi
Về “dàn đồng ca”, trái với phong cách đơn thương độc mã đấu với Trung Quốc thời Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ sẽ nỗ lực xây dựng các liên minh các quốc gia dân chủ cùng hợp lực chống độc tài.
Liên minh giữa Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu được coi là ưu tiên hàng đầu. “Nền tảng giúp chúng ta giành ưu thế trong cạnh tranh địa chính trị một cách hiệu quả sẽ là các liên minh của Mỹ… và không có liên minh nào quan trọng hơn liên minh xuyên Đại Tây Dương”, ông Sullivan nói.
Một liên minh đồng thuận xuyên Đại Tây Dương sẽ đặt nước Mỹ vào thế thượng phong trong việc ngăn chặn những mối đe dọa đối với lối sống Mỹ – như cuộc khủng hoảng khí hậu, phổ biến vũ khí hạt nhân, tấn công điện toán, tàn phá kinh tế thế giới và nhiều thứ khác, ông Sullivan nói. Ông nhấn mạnh Hoa Kỳ cần phải thống nhất các phản ứng chung với Châu Âu đối phó với sự lạm dụng công nghệ và thương mại của Trung Quốc. “Chúng ta [Hoa Kỳ và châu Âu] không hoàn toàn đồng quan điểm về mọi vấn đề … Nhưng tôi nghĩ Trung Quốc đứng đầu danh sách những việc mà chúng ta phải làm cùng nhau và là việc làm mà chúng ta hoàn toàn đồng thuận,” ông nói.
Bước thứ nhất trong lộ trình của ông Sullivan là Hoa Kỳ phải phản bác câu chuyện ngoại giao của Bắc Kinh rằng mô hình Trung Quốc tốt hơn mô hình của Mỹ. “Họ [Bắc Kinh] chỉ ra sự rối loạn và chia rẽ ở Hoa Kỳ và nói, ‘Hãy nhìn vào điều đó. Hệ thống của họ không hoạt động. Hệ thống của chúng ta thì tốt hơn’. Và trong vài năm qua, các bạn đã nhiều lần nghe các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của họ nói rõ ràng hơn về quan niệm đó,” ông Sullivan nói. Vì vậy, theo ông, việc đầu tiên là Hoa Kỳ phải “đại tu lại nền tảng cơ bản của nền dân chủ của chúng ta” bằng cách cải cách hệ thống dân chủ và giải quyết các vấn đề như bất bình đẳng chủng tộc và bất bình đẳng kinh tế.
Bước thứ hai, ông Sullivan quan niệm, “Hoa Kỳ nhận ra rằng để thúc đẩy một cách hiệu quả tầm nhìn của chúng ta về một xã hội tự do, thịnh vượng, bình đẳng chúng ta phải sát cánh với các đồng minh và đối tác dân chủ”. Ông nói, một mình nước Mỹ chỉ đại diện cho một phần tư nền kinh tế thế giới, nhưng cùng với các đồng minh và đối tác ở cả châu Âu và châu Á, “chúng ta đại diện cho hơn một nửa nền kinh tế thế giới… Và điều đó cung cấp cho chúng ta không chỉ loại đòn bẩy mà chúng ta cần để tạo ra kết quả, mà còn cung cấp cho chúng ta một dàn đồng ca để thúc đẩy lập luận rằng chúng ta sẽ đứng lên bảo vệ các nguyên tắc nhất định chống lại cuộc xâm lược” và các bước đi mà Trung Quốc đang thực hiện, ông nói thêm.
Bước thứ ba của Sullivan là công nghệ tiên tiến. Ông nói, Mỹ phải có chính sách đầu tư công đầy tham vọng để dẫn dắt thế giới về “các công nghệ mới nổi quan trọng của tương lai như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, công nghệ sinh học, năng lượng sạch và nhiều thứ khác”. Ông bày tỏ lạc quan rằng những nỗ lực như vậy sẽ giành được sự ủng hộ lưỡng đảng.
Cuối cùng “Hoa Kỳ phải nói rõ ràng và nhất quán về những vấn đề này và cũng chuẩn bị hành động để buộc Trung Quốc phải trả giá”. Ông lưu ý Tổng thống, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và mọi đại sứ quán Hoa Kỳ trên toàn thế giới đều nói bằng một tiếng nói khi đối đầu với “những gì Trung Quốc đang làm ở Tân Cương, những gì họ đang làm ở Hồng Kông, vì độ hiếu chiến của các mối đe dọa mà họ đang gây ra cho Đài Loan.”
Sau khi người tiền nhiệm Robert O’Brien nói về cơ chế Quad (Quadrilateral Security Dialogue) – một cơ chế đối thoại an ninh khu vực châu Á bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc – như là “mối quan hệ quan trọng nhất mà chúng tôi đã thiết lập kể từ NATO”, ông Sullivan tiếp lời rằng chính quyền Biden muốn tiếp tục phát triển mối quan hệ đó. “Robert đã lưu ý tới Quad. Ở đó cũng vậy, tôi nghĩ chúng tôi thật sự muốn thúc đẩy và xây dựng trên mô hình đó, cơ chế đó, mà chúng tôi thấy là cơ chế căn bản, một nền tảng để trên đó chúng ta kiến tạo một chính sách Mỹ có thực chất”, ông Sullivan nói.
(theo Nikkei, Reuters)