Ngay sau khi Tổng thống Joe Biden ban hành sắc lệnh về xem xét và thiết lập các chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ quan trọng cho Hoa Kỳ, cơ quan đại diện Mỹ tại Đài Loan đã tổ chức một cuộc họp kín với lãnh đạo các công ty sản xuất vi mạch điện tử Đài Loan để bàn việc tăng cường quan hệ đối tác và khuyến khích các công ty công nghệ này đầu tư vào Mỹ, báo Asia Nikkei cho biết.
Viện Hoa Kỳ (American Institute in Taiwan, AIT) thực tế là đại sứ quán của Washington tại hòn đảo dân chủ tự trị mà Trung Quốc luôn lăm le xâm chiếm.
Ngoài các quan chức Mỹ và các giám đốc Đài Loan, cuộc họp sáng nay thứ Năm 25-02-2021 tại Viện Hoa Kỳ còn có sự tham dự của đại diện Viện Đức ở Đài Loan (German Institute in Taiwan) và Hiệp hội Trao đổi Nhật Bản – Đài Loan.
Hầu hết các nhà sản xuất vi mạch điện tử chính của Đài Loan đều tham gia cuộc thảo luận kín. Giám đốc điều hành tại địa phương của các công ty Hoa Kỳ như Qualcomm, Micron, Texas Instruments, Synopsys, Arm và STMicroelectronics cũng dự họp.
Trang Facebook của AIT xác nhận cuộc họp nêu bật vai trò của Đài Loan trong các chuỗi cung ứng an toàn các sản phẩm công nghệ. “Hôm nay, giám đốc Viện Mỹ tại Đài Loan William Brent Christianson đã có bài phát biểu quan trọng với các đại diện ngành bán dẫn Đài Loan về tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại Mỹ-Đài Loan và vai trò quan trọng của họ trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng trên toàn thế giới”, bài trên Facebook của AIT cho biết.
“Một trong những chủ đề chính của cuộc họp là Hoa Kỳ hy vọng chúng tôi sẽ sát cánh cùng họ và cùng làm việc với họ, và họ hy vọng sẽ làm rõ rằng Hoa Kỳ không chỉ quan tâm đến công ty lãnh đạo thị trường Taiwan Semiconductor Manufacturing Corporation (TSMC, nhà sản xuất vi mạch bán dẫn lớn nhất thế giới) mà cũng coi trọng tất cả những tay chơi quan trọng trong hệ sinh thái vi mạch và công nghệ”, một nguồn tin Đài Loan tham dự cuộc họp nói với Nikkei Asia.
Cuộc họp của AIT diễn ra vài giờ sau khi Tổng thống Biden ký sắc lệnh vào hôm qua thứ Tư 25-02-2021 yêu cầu các cơ quan liên bang Mỹ soát xét lại chuỗi cung ứng của đất nước, yêu cầu bộ Thương mại Mỹ trong vòng 100 ngày phải nộp báo cáo xác định các rủi ro đối với sản xuất chất bán dẫn, dược phẩm, pin xe điện và nguồn cung cấp khoáng sản đất hiếm.
Washington muốn đưa các bộ phận quan trọng của chuỗi cung ứng vi mạch trở về lãnh thổ Mỹ. Tổng thống Biden nói rằng lỗ hổng trong chuỗi cung ứng không nên để cho đối thủ sử dụng chống lại Hoa Kỳ trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ đang diễn ra gay gắt với Bắc Kinh. “Trong một số trường hợp, xây dựng sức bền có nghĩa là gia tăng việc sản xuất ngay trong nước một số loại hàng hóa thiết yếu; ở những trường hợp khác, nó có nghĩa là chúng ta phải hợp tác chặt chẽ với các đối tác và bạn bè tin cẩn, với các quốc gia cùng chia sẻ hệ giá trị với chúng ta để chuỗi cung ứng không thể được dùng làm đòn bẩy chống lại chúng ta”, ông Biden phát biểu với báo chí trước khi ký ban hành sắc lệnh.
Nhờ có chuỗi cung ứng công nghệ tiên tiến của hòn đảo dân chủ, Đài Loan có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ mục tiêu nói trên của Hoa Kỳ.
Hồi tháng Năm năm ngoái, tập đoàn TSMC đã công bố ý định xây dựng một nhà máy sản xuất vi mạch tân tiến trị giá 12 tỷ USD ở Arizona, một quyết định đầu tư được ngoại trưởng khi đó là ông Mike Pompeo ca ngợi và cho rằng nó sẽ tăng cường an ninh của Hoa Kỳ
Quyết định đầu tư của TSMC cũng kéo theo các nhà cung cấp của mình đầu tư vào Hoa Kỳ; công ty LCY, một trong những nhà sản xuất hóa chất cho chất bán dẫn lớn nhất thế giới, nói với Nikkei Asia rằng họ có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Mỹ. Marketech International, nhà xây dựng và cung cấp thiết bị sản xuất vi mạch cho TSMC, Chang Chun Group, nhà cung cấp hóa dầu cho TSMC, cũng đã bày tỏ ý định đầu tư vào Mỹ sau thông báo của nhà sản xuất vi mạch Đài Loan.
AIT đã tổ chức diễn đàn công khai đầu tiên về tái cấu trúc chuỗi cung ứng tại Đài Bắc vào tháng Chín năm ngoái, cùng với các đối tác EU, Canada và Nhật Bản, để vận động ủng hộ việc tách khỏi Trung Quốc.