Chuyện cảm động về một người cố gắng làm cha

(runnersworld)

HỒ NHƯ

Hình ảnh của Dick Hoyt, đã truyền cảm hứng cho hàng nghìn người, và cả giới sáng tác nghệ thuật, bằng việc đẩy cậu con trai tàn tật của mình, ngồi trên xe lăn, và tham dự hàng chục cuộc đua marathons ở Boston và hàng trăm cuộc đua khác. Ngay khi có tin ông qua đời ở tuổi 80, nhiều người đã thương tiếc và viết trên bản tin về ông, rằng thêm một điều đẹp đẽ nữa đã ra đi.

Năm 1980, đường đua cuộc thi marathon Boston đã vang lên những tiếng vỗ tay và vẫy chào của đám đông hai bên, mỗi khi Dick Hoyt xuất hiện, đẩy chiếc xe lăn của con trai mình – một người bị chứng bại não và liệt cả tứ chi – và vượt qua mọi ngã đường để về đến đích. Lần lượt như vậy, Dick Hoyt cùng con trai là Rick Hoyt đã tham dự đến 32 cuộc chạy marathon ở Boston.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1977, khi Rick cố nói với cha mình hiểu rằng, ước gì anh đủ mạnh khỏe để tham dự các cuộc chạy để gây quỹ cho một cầu thủ bóng chày mà anh yêu thích, bị liệt sau một va chạm từ trận đấu.

Dĩ nhiên, Dick không thể nào từ chối nổi, và cố dành thời gian để thực hiện ước muốn của con mình – đó là lần đầu tiên, người con trai được bố mình đẩy, tham dự cho một cuộc chạy quyên góp từ thiện như vậy. Trở về nhà, Rick nói với cha mình ““Bố ơi, khi con ở trên đường chạy, con có cảm giác như mình không bị khuyết tật gì hết”. Dick Hoyt đã ứa nước mắt khi nghe con mình nói. Như bao người cha, người mẹ khác, có con không đủ hoàn thiện thể chất, gia đình của Dick cũng có những mặc cảm thầm kín khi nói về con cái. Nhưng suy nghĩ và sự mạnh mẽ trong đứa con của Dick, đã khiến ông bừng tỉnh, ông hiểu việc ở bên cạnh con sẽ là sức mạnh tinh thần lớn nhất đối với nó và là sự nhắc nhở, chia sẻ cùng với những gia đình khác có hoàn cảnh tương tự.

Từ đó, trang web của gia đình Hoyt ra đời, mang tên Team Hoyt, ghi dấu lại những gì mà Dick quyết định dành nhiều thời gian hơn, cùng con mình vượt qua cảm giác yếu đuối thể xác và cỗ vũ cho những gia đình khác cùng hoàn cảnh. Ngoài đua marathon, hai cha con đã tham gia hơn 1.000 cuộc đua, bao gồm cả hình thức duathlons (hai môn phối hợp: chạy và đạp xe) và triathlons (ba môn phối hợp: chạy, đạp xe và chạy) vào năm 1992. Thậm chí, Dick và Rick cũng đã tham gia vào cuộc chạy xe đạp trên khắp Hoa Kỳ, bao gồm 3.735 dặm (6.010 km) trong 45 ngày.

Năm 2013, một bức tượng của hai cha con nhà Hoyt được dựng trước một trường học ở Hopkinton, gần vạch xuất phát của cuộc thi Marathon Boston. “Nói thì nghe rất sáo rỗng, nhưng tôi tin bố tôi là một người hùng, không phải vì bố đã đẩy xe cho Rick trong cuộc đua marathon đâu, mà bởi vì bố là một người cha tuyệt vời đối với tất cả chúng tôi”, Russ Hoyt, đứa con thứ trong nhà kể với AP, “Bố truyền cảm hứng cho mọi người, xem tất cả con cái đều bình đẳng, cho dù chúng bị khuyết tật đi nữa”.

Bức tượng cha con Dick và Rick Hoyt tại Hopkinton, tiểu bang Massachusetts (ảnh: Commonwealth of Massachusetts)

Năm 1962, Rick Hoyt phát hiện bị liệt bẩm sinh và không thể đi lại hay nói chuyện bình thường. Dick và vợ, bà Judy Hoyt, kể rằng các bác sĩ bảo họ nên cân nhắc việc gửi đứa trẻ sơ sinh vào một cơ sở chăm sóc đặc biệt. Nhưng Dick Hoyt từ chối, vì đó là con ông, ông sẽ ở bên cạnh nó dù đau khổ hay thiệt thòi. Dick kể rằng ông và vợ đã ôm đứa con tật nguyền và khóc. Nhưng sau đó, họ nói với bác sĩ “Không, nó là con chúng tôi, và chúng tôi sẽ ở bên cạnh nó như muôn vàn đứa trẻ khác đã được”.

Và ông cùng vợ, đã làm như vậy, cả cuộc đời, với sự nhẫn nại và vĩ đại. Ông chọn không từ bỏ.

Khi được hỏi về những năm tháng trở nên nhọc nhằn hơn khi chọn đồng hành cùng đứa con tật nguyền của mình, Dick đã nói “Không đúng đâu, ngược lại, tôi nghĩ rằng Rick đã cho tôi cơ hội sống đủ với tư cách là một người cha, còn tôi nghĩ gì về Rick ha? Từ đầu, tôi chỉ thấy là mình có được một cậu con trai ngon lành”.

Dick Hoyt mất vào ngày 17-3-2021, ở tuổi 80.

Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 300.000-350.000 ca phá thai mà lý do chỉ vì không muốn phiền toái cho đời sống riêng tư hay do khả năng kinh tế gia đình thiếu hụt. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là nước có tỉ lệ phá thai cao nhất châu Á và thế giới, trong đó có nhiều phụ nữ đã phá thai nhiều hơn một lần trong đời.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có nhiều nghĩa trang đồng nhi với số lượng lớn, vào hàng đầu Đông nam Á.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: