HIẾU CHÂN
Ngoại trưởng Trung Quốc và Nga khẳng định mối quan hệ chặt chẽ trong bối cảnh cả hai nước đều bị chỉ trích dữ dội và đối mặt với các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây chống lại họ về nhân quyền. Trong lúc đó Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken công du châu Âu, gặp gỡ lãnh đạo Liên Âu và NATO để bàn về chiến lược chung ngăn chặn ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc.
Nga-Trung đồng bệnh tương lân
Tại cuộc họp mặt đầu tiên ở thành phố Nam Ninh hôm thứ Hai và cuộc họp thứ hai ở Bắc Kinh hôm nay thứ Ba 23-03, hai ông Sergei Lavrov và Vương Nghị (Wang Yi) đã cùng ra sức bảo vệ thể chế chính trị độc tài của họ, cáo buộc Mỹ can thiệp vào công việc của các nước khác.
Ông Vương đặc biệt chỉ trích mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt mà Liên minh châu Âu, Anh, Canada và Hoa Kỳ phối hợp đưa ra hôm thứ Hai nhằm vào các quan chức Trung Quốc có hành vi vi phạm nhân quyền đối với người sắc tộc thiểu số theo Hồi giáo ở khu vực Tân Cương.
“Các quốc gia nên hợp tác với nhau để phản đối tất cả các hình thức trừng phạt đơn phương. Những biện pháp này sẽ không được cộng đồng quốc tế chấp nhận,” ông Vương nói trong buổi họp báo chung với ông Lavrov và nhắc lại quan điểm của chính phủ Bắc Kinh rằng vấn đề Tân Cương, Đài Loan, Hong Kong đều là công việc nội bộ của Trung Quốc mà nước khác không có quyền can thiệp.
Nga cũng đang phải gánh chịu sự trừng phạt của Hoa Kỳ và châu Âu nhiều năm qua sau khi Moscow đơn phương xâm chiếm vùng bán đảo Crimea của Ukraine, ủng hộ các lực lượng ly khai thân Nga ở miền Đông chống lại chính phủ Ukraine và đàn áp tàn bạo các lực lượng đối lập chính trị mà mới đây nhất là vụ đầu độc nhà chính trị đối lập Alexei Navalny bằng chất độc thần kinh Novichok.
Ông Lavrov nói rằng các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và phương Tây đang đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn, đồng thời cáo buộc phương Tây “áp đặt các quy tắc của riêng họ lên những người khác, mà họ tin rằng phải củng cố trật tự thế giới”. Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp, hai bộ trưởng Nga và Trung Quốc nói rằng, không quốc gia nào nên tìm cách áp đặt hình thức dân chủ của mình lên bất kỳ quốc gia nào khác. “Việc can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền với lý do‘ thúc đẩy dân chủ ’là không thể chấp nhận được,” tuyên bố viết.
Nga cho rằng vấn đề Crimea là chuyện nội bộ của Nga, việc sáp nhập Crimea vào Nga là thể theo nguyện vọng của người dân Crimea trong đó đa số là người gốc Nga dù thực tế bán đảo Crimea là lãnh thổ hộp pháp của Ukraine. Tương tự như vậy, Trung Quốc phủ nhận cáo buộc của phương Tây rằng chính quyền Bắc Kinh đã và đang giam cầm hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ (Uighur) theo Hồi giáo trong các trại tập trung ở Tân Cương và áp dụng nhiều biện pháp theo dõi, cưỡng bức, đàn áp, kể cả bắt buộc triệt sản để ép họ phải từ chối văn hóa bản địa và cam kết trung thành với Đảng Cộng sản cầm quyền và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.
Để trả đũa lệnh trừng phạt của phương Tây, ngay trong ngày hôm qua thứ Hai, Bắc Kinh đã ra lệnh cấm vận 10 nhà lập pháp và bốn tổ chức châu Âu mà họ cho rằng đã làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc và “truyền bá những lời nói dối và thông tin sai lệch một cách ác ý”. Các cá nhân này bị cấm đến thăm Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau và bị cấm tham gia vào các giao dịch tài chính với các tổ chức của Trung Quốc.
Kẻ thù của kẻ thù là bạn
Trung Quốc và Nga từng là đối thủ tranh giành quyền lãnh đạo thế giới cộng sản trong thời Chiến tranh Lạnh nhưng đã xây dựng mối quan hệ bền chặt trong những năm gần đây do cùng phản đối trật tự tự do do Hoa Kỳ lãnh đạo. Quan hệ giữa hai nước tập trung vào sự hợp tác trong các lĩnh vực quân sự, công nghệ và buôn bán tài nguyên thiên nhiên. Đảng Cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc không cho phép đối lập chính trị và kiểm soát chặt chẽ xã hội dân sự, trong khi nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã thẳng tay đàn áp những công dân kêu gọi một hệ thống cởi mở hơn.
Trong khi đó, quan hệ với Hoa Kỳ và phương Tây của cả Nga và Trung Quốc đã xấu đi nhanh chóng trong thời gian gần đây, kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền thay cho người tiền nhiệm Donald Trump – vốn là người có quan hệ gần gũi với cả Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình tuần trước, nhân chuyện đầu độc ông Navalny, khi được nhà báo hỏi “ông có tin tổng thống Vladimir Putin là kẻ giết người không?”, ông Biden đã trả lời “Có”. Ông còn nhận xét ông Putin là kẻ “không có linh hồn”, đồng thời cho biết chính phủ Hoa Kỳ sẽ sớm có biện pháp trừng phạt những tổn thất mà Nga gây ra cho nước Mỹ. Câu trả lời và nhận xét của ông Biden đã khiến Moscow hết sức tức giận và triệu hồi đại sứ Nga tại Hoa Kỳ về nước.
Trong khi đó, cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa quan chức ngoại giao cao cấp Trung Quốc và Mỹ ở Alaska đã biến thành một vụ tố cáo lẫn nhau bằng những lời lẽ gay gắt công khai trước ống kính truyền hình quốc tế.
Trung Quốc có lẽ phẫn nộ và bất ngờ khi Hoa Kỳ công bố lệnh trừng phạt 24 quan chức cao cấp của Bắc Kinh, trong đó có một ủy viên bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, do đàn áp tự do dân chủ ở Hong Kong chỉ vài giờ trước khi cuộc họp bắt đầu ở Alaska; và vài ngày sau đó Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Anh quốc và Canada đồng loạt đưa ra các biện pháp trừng phạt tương tự đối với các quan chức Trung Quốc ở tỉnh Tân Cương.
Chiến tranh Lạnh kiểu mới
Hôm nay thứ Ba, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne và người đồng cấp New Zealand Nanaia Mahuta ra một tuyên bố chung nói rằng họ chia sẻ mối quan ngại với các nước đồng minh phương Tây về tình hình nhân quyền ở miền Tây Trung Quốc và kêu gọi một cuộc điều tra độc lập của quốc tế. “Hôm nay, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi của chúng tôi kêu gọi Trung Quốc cung cấp quyền tiếp xúc có ý nghĩa và không bị quản lý vào Tân Cương cho các chuyên gia Liên Hợp Quốc và các quan sát viên độc lập khác”, tuyên bố cho biết.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đang có mặt tại Brussels để gặp gỡ các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết trong một tuyên bố rằng phản ứng thống nhất của phương Tây “gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới những người vi phạm hoặc lạm dụng nhân quyền quốc tế và chúng tôi sẽ thực hiện các hành động tiếp theo phối hợp với các đối tác có chung chí hướng.”
Giới quan sát chính trị nhận định, nếu chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Nga Lavrov là nhằm củng cố quan hệ đồng minh Nga-Trung chống lại phương Tây thì chuyến đi Brussels của Ngoại trưởng Blinken – ngay sau khi ông kết thúc chuyến công du Nhật Bản và Nam Hàn trong tuần trước và hội nghị thượng đỉnh khối Quad (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ) mới đây – cũng nhằm thiết lập mạng lưới đồng minh và đối tác là các nền dân chủ cả hai châu lục để ngăn chặn ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc. Một thế trận mới đã hình thành cho cuộc chiến tranh lạnh mới giữa hai khối tự do và độc tài trên thế giới.