Tưởng nhớ “quái kiệt” Trần Văn Trạch

Ảnh: nhacxua.net

Ngày này 27 năm về trước, 12-4-1994, “quái kiệt” Trần Văn Trạch (1924-1994) đã từ giã cõi đời tại Pháp, hưởng thọ 70 tuổi. Nơi ông an nghỉ là Nghĩa trang Cimetière Intercommunal ở Valenton, thuộc ngoại ô Paris.

Khác với người anh cả, Giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê, nổi bật về học hàm cũng như học vị, Trần Văn Trạch không bằng cấp nhưng cũng đủ tài và sức làm náo động cả sinh hoạt văn nghệ Sài Gòn suốt thời gian dài bằng tài năng nghệ thuật của mình. Trần Văn Trạch nhỏ hơn Trần Văn Khê ba tuổi. Thuở nhỏ cả hai đều theo học Trường Tiểu học ở “Collège de Mỹ Tho” cho tới năm 18 tuổi. Ngay từ lúc nhỏ, Trần Văn Trạch đã có năng khiếu về âm nhạc, lại được người cô ruột là cô Ba Viện chỉ dạy, nên ông sử dụng khá thành thạo đàn kìm và đàn tỳ bà. Ông còn học đàn mandoline với anh ruột Trần Văn Khê và học đàn violon với người anh họ Nguyễn Mỹ Ca. Ở tuổi thiếu niên, ông đã biết chơi thành thạo những bài nhạc Pháp thịnh hành thuở đó.

Ảnh: nhacxua.net

Năm 1945, sau khi Nhật Bản đầu hàng và quân đội Pháp trở lại Việt Nam, phòng trà được phép mở cửa trở lại. Với tài năng thiên phú, Trần Văn Trạch trở thành “hoạt náo viên” (ngày nay gọi là MC) và hát tại Dancing Théophile ở vùng Dakao, Tân Định. Sau khi có được một số vốn, ông mở một phòng trà nhỏ ở đường Lagrandière (nay là đường Lý Tự Trọng, Sài Gòn).

Đến năm 1949, tân nhạc bắt đầu thịnh hành, Trần Văn Trạch nảy ra ý nghĩ mở “đại nhạc hội”, tên gọi của các chương trình văn nghệ bao gồm ca, vũ, nhạc, kịch, xiếc, ảo thuật… Với cách làm này, Trần Văn Trạch chinh phục được nhiều khán giả trên khắp mọi miền. Và kể từ đó, cái tên “đại nhạc hội” bỗng trở nên phổ biến.

Năm 1951, bắt đầu từ rạp Ciné Nam Việt, ông đưa ca nhạc vào các rạp chiếu bóng để diễn trước giờ chiếu phim chính. Cách làm này cũng được nhiều người xem hoan nghênh và cụm từ “chương trình văn nghệ phụ diễn” cũng ra đời từ đó. Ngoài sáng tác nhạc và ca hát ông còn là trưởng ban nhạc Sầm Giang của Đài phát thanh Pháp Á, vào khoảng thập niên 1950. Ban này gồm những ca sĩ nổi tiếng đương thời như Linh Sơn, Tâm Vấn, Minh Diệu, Mạnh Phát, Tôn Thất Niệm…

Người hâm mộ tặng ông danh hiệu “quái kiệt” vì rất nhiều lý do. Trần Văn Trạch luôn để một bộ tóc dài, kiểu tóc này mau chóng tở thành mode “Trần Văn Trạch”! Ngoài giọng ca trầm ấm, ông lại có biệt tài bắt chước “như thật” những tiếng động khi trình diễn trên sân khấu, chẳng hạn như tiếng xe lửa chạy trên đường rầy. Phải công nhận ông là người đầu tiên viết nhạc hài hước để tự trình diễn trước đám đông khán giả. “Quái kiệt” Trần Văn Trạch đã thu hút sự ngưỡng mộ cũng như cảm phục của người xem và nghe ông hát.

GS-TS Trần Văn Khê và quái kiệt Trần Văn Trạch (Ảnh từ FB Jimmy)

Bản nhạc Anh Phu Xích Lô là sáng tác đầu tiên của ca nhạc sĩ Trần Văn Trạch với những lời ca mộc mạc:

“Có ai mà muốn đi tới Chợ Lớn

Có ai mà muốn đi tới Chợ Mới

Có ai mà muốn đi chóng cho mau tới

Ê! Tôi xin mời lại đây…”

Những bài hát nổi tiếng ngày xưa là Cái Đồng Hồ Tay, Cây Bút Máy, Anh Chàng Thất Nghiệp, Sở Vòi Rồng, Đừng Có Lo, Tôi Đóng Xi-Nê, Ba Chàng Đi Hỏi Vợ, Chiếc Ô-Tô Cũ… Nhưng có lẽ nổi tiếng hơn cả là bài Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia, một bản nhạc phải nói hầu như người miền Nam nào cũng biết đến. Bản nhạc này được hát hàng tuần khi có xổ số tại rạp Thống Nhất và được trực tiếp truyền thanh qua Đài phát thanh Sài Gòn:

“Kiến thiết quốc gia

Giúp đồng bào ta

Xây đắp muôn người

Được nên cửa nhà

“Tô điểm giang san

Qua bao lầm than

Ta thề kiến thiết

Trong giấc mộng vàng

“Triệu phú đến nơi

Năm mười đồng thôi

Mua lấy xe nhà

Giàu sang mấy hồi

“Kiến thiết quốc gia

Giúp đồng bào ta

Ấy là thiên chức

Của người Việt Nam

“Mua số mau lên

Xổ số gần đến

Mua số mau lên

Xổ số… gần… đến…

Nhạc của Trần Văn Trạch mang tính hài hước nhưng cũng có những bài rất cảm động. Chẳng hạn như bài Chuyến xe lửa Mùng 5 kể lại chuyện một người chỉ có ba ngày phép để về thăm nhà mà lại trùng Mùng 5 Tết, ngày “xui xẻo” cũng tựa như Thứ Sáu 13. Điều xui nhất là khi bước vào nhà mới biết là mẹ mình đã… qua đời! Đôi khi trong nhạc của ông cũng pha lẫn chút triết lý, như bài Khi người ta yêu nhau:

“Khi người ta yêu nhau

Yêu trong lúc hai mươi tuổi đầu

Thì không phải vì tiền đâu

Nhưng mà chẳng được bao lâu…

“Khi người ta yêu nhau

Yêu trong lúc bảy mươi tuổi đầu

Thì không phải vì tiền đâu

Nhưng mà chẳng còn bao lâu…”

Ca sĩ Trần Văn Trạch với giọng trầm ấm đã thành công cả với bản trữ tình Chiều Mưa Biên Giới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông với phần nhạc đệm từ một băng nhạc thu sẵn ở bên Pháp. Kỹ thuật trình diễn này rất mới lạ và sau này ta gọi đó là… karaoke.

Trần Văn Khê – Trần Văn Trạch – Lê Thương
(nhacxua.net)

Tiến sĩ âm nhạc Trần Quang Hải, con của giáo sư Trần Văn Khê, đã viết về người chú của mình: “Nghệ sĩ Trần Văn Trạch có một lối hát mộc mạc, đúng giọng miền Nam để hát, lời lẽ rất đơn giản, không cầu kỳ, màu mè, những từ ngữ được nghe trong đời sống hàng ngày, nhưng chủ đề lấy từ cuộc sống người dân nghèo nên rất dễ làm xúc động người nghe…”

Tháng 12-1977, Trần Văn Trạch rời Sài Gòn sang định cư ở Paris. Từ đó trở đi cho tới ngày từ trần, Trần Văn Trạch, từng nổi tiếng là “quái kiệt”, gần như tạm dừng công việc nghệ thuật. Ông tâm sự:

“Trong một đêm Noel, sau khi đã “chạy sô” khắp các sân khấu, hộp đêm ở Sài Gòn, người nghệ sĩ hài đi lang thang vô định trên đường phố bởi không biết về đâu. Nhà ai cũng sáng choang đèn nến và bữa ăn reveillon rộn rã chuỗi cười duy chỉ có người nghệ sĩ là… đứng dựa cột đèn, lắng nghe giọng hát hài hước, vui nhộn của chính mình phát ra từ một đĩa pick-up của ngôi nhà đang có tiệc tùng mà thấm thía nỗi tủi cực ở phía sau ánh đèn màu hào nhoáng…”

Đọc đến chuyện “đứng dựa cột đèn”…, người ta nhớ lại khi đã định cư tại Pháp, Trần Văn Trạch có nói:

“Ở Việt Nam, cái cột đèn cũng muốn ra đi!”…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: