Tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu đang diễn ra theo hình thức trực tuyến và do Tổng thống Joe Biden chủ trì, Hoa Kỳ và hai quốc gia khác đã cam kết tăng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính – một động tác được cho là sẽ làm “thay đổi cuộc chơi” và thể hiện vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh sẽ kéo dài hai ngày, bắt đầu từ hôm nay 22-04 là Ngày Trái đất thường niên, và có sự tham dự của các nhà lãnh đạo của 40 quốc gia, bao gồm cả các nước phát thải lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.
Hoa Kỳ là quốc gia phát ra lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều thứ hai thế giới sau Trung Quốc, vì vậy cam kết giảm khí thải của Hoa Kỳ có tác động lớn tới công cuộc chống biến đổi khí hậu. Mở đầu hội nghị, Tổng thống Biden công bố mục tiêu đến năm 2035 sẽ cắt giảm được 50% -52% lượng khí thải so với mức năm 2005.
“Đây là thập niên mà chúng ta phải đưa ra các quyết định để tránh những hậu quả tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu”, ông Biden nói.
Phối hợp hành động với Hoa Kỳ, lãnh đạo Canada và Nhật Bản cũng đưa ra những mức cắt giảm khí thải mới, cao hơn mức cam kết trước đây.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, người vừa đến thăm Tòa Bạch ốc trong tháng này, đã nâng mục tiêu cắt giảm khí thải của Nhật Bản từ mức 26% đưa ra trước đây lên 46% vào năm 2030. Các nhà bảo vệ môi trường muốn Nhật Bản cam kết cắt giảm ít nhất 50% lượng khí thải nhà kính trong lúc các tổ chức kinh doanh vẫn đang vận động chính phủ Nhật ban hành những chính sách có lợi cho ngành sản xuất điện từ than đá.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã nâng mục tiêu cắt giảm khí thải của đất nước mình từ mức 30% cam kết trước đây lên mức cắt giảm 40% -45% vào năm 2030 so với mức năm 2005.
Trung Quốc hiện là nước phát ra nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhất thế giới. Nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không công bố mục tiêu phát thải mới mà chỉ nói rằng Trung Quốc hy vọng lượng khí thải carbon của nước này sẽ đạt đỉnh trước năm 2030 và sẽ đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.
Để đạt được mục tiêu đó Trung Quốc sẽ giảm dần việc sử dụng than đá từ năm 2025 đến năm 2030. Trung Quốc, quốc gia đi đầu trong công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo như tấm pin mặt trời, vẫn phụ thuộc nhiều vào than đá để phát điện. Trong vài năm qua Trung Quốc đã đóng cửa một số nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá, chuyển sang sử dụng khí đốt và xây dựng nhiều công trình phát điện bằng năng lượng mặt trời; tuy nhiên hiệu quả giảm phát thải của Trung Quốc không cao vì các nhà máy nhiệt điện than cũ kỹ bị đóng cửa ở Trung Quốc lại được nước này xuất cảng sang các nước lân cận và tiếp tục hoạt động.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra chính sách ưu đãi cho đầu tư nước ngoài vào các dự án năng lượng sạch, nhưng nhắc lại rằng trong lịch sử, Hoa Kỳ là nước gây ô nhiễm khí nhà kính hàng đầu thế giới.
***
Mục tiêu mới về cắt giảm khí thải của Hoa Kỳ tăng gần gấp đôi so với cam kết của cựu Tổng thống Barack Obama, theo đó Hoa Kỳ cắt giảm 26-28% lượng khí thải so với mức năm 2005 vào năm 2025.
Cam kết tăng cường mục tiêu cắt giảm khí thải của Hoa Kỳ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong kế hoạch rộng lớn hơn của chính quyền Biden nhằm làm cho nền kinh tế Hoa Kỳ hoàn toàn không phát ra khí thải vào năm 2050 – một chương trình hành động mà ông nói có thể tạo ra hàng triệu việc làm với mức lương cao nhưng nhiều người theo đảng Cộng hòa đang lo ngại sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Việc cắt giảm khí thải của Hoa Kỳ dự kiến sẽ đến từ các nhà máy điện, xe hơi và các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, nhưng chính phủ chưa đặt ra các mục tiêu riêng lẻ cho các ngành đó. Các mục tiêu cụ thể theo ngành sẽ được đưa ra vào cuối năm nay. Theo các chuyên gia, Hoa Kỳ đang cố gắng loại bỏ các nhà máy điện chạy bằng than đá để đạt được mức phát thải bằng 0 trong ngành điện vào năm 2035, đồng thời đang “điện khí hóa” đội xe hơi khổng lồ, chuyển dần từ xe chạy xăng sang xe chạy điện vào năm 2035. Những biện pháp này hiện đã được tính tới trong kế hoạch kích thích kinh tế trị giá tới 2,3 ngàn tỷ USD mà chính quyền Biden đã đề ra và chờ Quốc hội phê chuẩn, chẳng hạn như kế hoạch xây dựng nửa triệu trạm sạc điện (charge) cho xe hơi trên toàn nước Mỹ.
Cách thức mà Washington dự định đạt được các mục tiêu về khí hậu sẽ rất quan trọng trong việc củng cố uy tín của Mỹ đối với sự nóng lên toàn cầu, trong bối cảnh thế giới lo ngại cam kết của Mỹ có thể thay đổi mạnh mẽ từ chính quyền này sang chính quyền tiếp theo. Cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi các nỗ lực quốc tế nhằm cắt giảm lượng khí thải là một ví dụ.
Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) – nhóm vận động hành lang hàng đầu của ngành dầu khí Hoa Kỳ, đã thận trọng hoan nghênh cam kết của Biden nhưng cho biết cam kết này phải đi kèm với các chính sách cụ thể. Mike Sommers, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của API, cho biết: “Với sự minh bạch về giá khí thải carbon và sáng tạo công nghệ, chúng ta có thể tạo ra tiến bộ khí hậu có thể đo lường được trong thập kỷ này mà không làm tổn hại đến tầng lớp trung lưu của Mỹ, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và làm suy yếu sự phục hồi kinh tế “.
Trong chiến dịch tranh cử và trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, ông Biden đã phải chịu áp lực nặng nề từ các nhóm môi trường, một số lãnh đạo công ty, tổng thư ký Liên hợp quốc và các chính phủ nước ngoài yêu cầu Hoa Kỳ phải đặt mục tiêu cắt giảm ít nhất 50% lượng khí thải trong thập kỷ này để khuyến khích các nước khác đặt ra các mục tiêu phát thải đầy tham vọng của riêng họ.
Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu đang diễn ra là hội nghị đầu tiên trong chuỗi các cuộc họp của các nhà lãnh đạo thế giới trước các cuộc đàm phán thường niên về khí hậu của Liên hợp quốc vào tháng 11 tại Scotland. Đó là thời hạn cuối cùng để gần 200 quốc gia cập nhật các cam kết về khí hậu của họ theo thỏa thuận Paris, một hiệp định quốc tế được đặt ra vào năm 2015.
Các nhà lãnh đạo thế giới đặt mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức nhiệt độ bình quân thời tiền công nghiệp, ngưỡng mà các nhà khoa học cho rằng có thể ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Một quan chức chính quyền Biden cho biết với mục tiêu mới của Hoa Kỳ, cam kết tăng cường từ Nhật Bản và Canada, và các mục tiêu trước đó từ Liên minh châu Âu và Anh, các quốc gia chiếm hơn một nửa nền kinh tế thế giới hiện đã cam kết cắt giảm để đạt được mục tiêu 1,5 độ C.
Các nhà lãnh đạo châu Âu bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bày tỏ vui mừng rằng Hoa Kỳ đã trở lại trong cuộc chiến chống khí hậu sau khi cựu Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trong sự ngỡ ngàng của hầu hết các nhà lãnh đạo thế giới.