Đầu thế kỷ 20, chuyện sản xuất và kinh doanh ở lục tỉnh Nam kỳ và đô thị Sài Gòn-Chợ Lớn cần nhiều nhân công, nền báo chí phát triển mạnh và quy chế thuộc địa có phần đỡ khắt khe nên thu hút nhiều người từ miền Bắc và Trung vào làm việc.
Hà Thành Ngọ Báo, một tờ báo xuất bản tại Hà Nội thỉnh thoảng có đưa bài về đời sống ở Sài Gòn xa xôi. Số báo 633, ra ngày 13 Tháng Chín 1929 của tờ này có bài Người Trung kỳ ở Sài Gòn của Thần Chung (có thể là bài đăng lại từ tờ Thần Chung của ông Diệp Văn Kỳ). Bài báo khá thú vị với góc nhìn riêng chi tiết về cộng đồng người miền Trung vào Sài Gòn làm ăn sinh sống thời ấy.
Tác giả cho biết, người cả hai miền Trung, Bắc nối lại cuộc liên thông với Nam kỳ khoảng sau chiến tranh 1914-1918. Trước đó, họ có vào Nam làm ăn nhưng chỉ là số ít. Sau Chiến tranh thế giới thứ I, nền kinh tế thuộc địa trở nên khó khăn. Lúc “đói thì cái gối hay bò, cái chân hay chạy, cái giò hay đi” nên người Trung và Bắc kéo nhau lũ lượt vào Nam vì miền trong dễ làm ăn hơn quê nhà. Người Bắc vào Nam trước người Trung, với số đông và khác tính chất với người Trung. Người Bắc có nhiều người buôn bán to và có cơ sở vững vàng. Trong số họ có những người mang vốn liếng vào và đã cắm rễ làm ăn lâu đời ở đây. Còn người miền Trung hầu hết vào hai tay không nên đa số có vị trí xã hội lúc đó chưa so được với người Bắc.
Người Trung vào Nam nhiều từ năm 1924-1925 trở về sau. Trong hai năm đó, Trung kỳ gánh chịu nhiều tai họa với bão lụt và mất mùa nối tiếp nhau. Lúc ấy lại bắt đầu có nhiều xe cam-nhông chở khách từ Tourane (Đà Nẵng) vào đến tận Nha Trang là quãng đường dài lại nhiều núi, khó đi nhất trên đường vào Nam. Vậy thì không còn cản ngại gì nữa. Ước tính cho đến giữa thập niên 1920, có khoảng năm, sáu vạn người miền Trung vào Nam, đó chỉ là con số tạm tính vì không có thống kê của nhà nước.
Ở Sài Gòn, trong số người miền Trung vào thành phố này, có người từ Quảng Bình và Quảng Nam là đông nhất. Sau đó là Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thừa Thiên.
Ước tính người Quảng Bình ở Sài Gòn lúc ấy có khoảng ba ngàn người, con số này tính từ số người Quảng Bình đang làm việc ở nhà máy đèn và từ giới chủ xe kéo, người tỉnh này phần đông làm hai nghề đó. Nghề làm nhà máy đèn gần như về hết tay người Quảng Bình, chỉ có một số ít người Nghệ An và người Bắc chen vào. Còn phu kéo xe, xem chừng không có người Bắc nào hết, chỉ có một ít người Nam, còn thì toàn người Trung mà cũng phần lớn là dân Quảng Bình.
Người Quảng Nam vào Sài Gòn đa số làm việc các hãng buôn (như hãng Charner có đến 300 người làm công mà hầu hết là người Trung) và những nghề như hớt tóc, thợ may, bồi dọn phòng, làm bồi bếp cho Tây. Ngoài ra, họ còn làm thợ mộc, thợ nề và các việc khác. Họ sống trong các xóm nhà lá như xóm Đất Đỏ, Chợ Đũi, và các nơi còn hẻo lánh thời đó như Tân Định, Đa Kao, Khánh Hội.
Trong số người miền Trung ở Sài Gòn cũng có một số ít người mở tiệm, lập doanh nghiệp nhỏ. Có khoảng hơn chục tiệm may, hơn chục tiệm hớt tóc và một số nhỏ tiệm tạp hóa của họ. Có người làm chủ nhà trọ nhỏ ở chợ Bến Thành. Trong số những người Quảng Bình theo nghề điện, có vài chục người có doanh nghiệp riêng, mở cửa hàng bán đồ điện và nhận lắp đặt đồ điện cho tư gia. Người Quảng Bình nắm độc quyền nghề điện ở Sài Gòn, người Hoa và người Bắc ở đây không giành nghề với họ được.
Ngoài những người buôn bán và đi làm ăn lương từ miền Trung, còn có một số thanh niên người Trung vào Sài Gòn nằm trong số học sinh bãi khóa vì phản đối chính quyền thực dân, những người đang làm việc bị bãi chức ngoài đó. Họ có khoảng 600-700 người, dạy học ở trường tư, làm việc ở hãng buôn, một số làm việc ở nhà in và các tòa soạn báo.
Năm 1942, tác giả Vũ Xuân Tự trong cuốn Túi bạc Sài Gòn bổ sung thêm một ít thông tin về người miền Trung ở Sài Gòn:
“Giống như dân Bắc, người Trung ở Sài Gòn cũng làm công, buôn bán, mở công nghệ, lập hội… Trên thương trường, người Trung ít có tên tuổi lắm, thường bị lẫn lộn với người Nam. Hàng hóa đều là buôn ngay tại Sài Gòn, sản vật Trung kỳ gửi vào không bao nhiêu. Về công nghệ, người Trung dọn được nhiều hiệu may có danh tiếng trên đường d’Espagne (Lê Thánh Tôn) và Amiral Courbet (Nguyễn An Ninh). Dân cư làm thợ giày, thợ mũ đầm, thợ cạo, thợ may đầm, hiếm lắm. Hạng làm công gồm cả dân thầy, viết báo, dân thợ, kéo xe… chung đụng lẫn lộn với người Nam, người Bắc”.
Sài Gòn ghi dấu ấn của Công ty Liên Thành, là tên gọi pháp lý của Liên Thành Thương Quán, là tổ chức kinh doanh nước mắm do các sĩ phu yêu nước ở Bình Thuận sáng lập vào năm 1906 để hưởng ứng phong trào Duy Tân khởi xướng tại Trung Kỳ. Năm 1909, Liên Thành Thương Quán thuê ngôi nhà số 1/2/3 Quai Testard (đường Châu Văn Liêm, quận 5) để mở phân cuộc kinh doanh ở Sài Gòn. Năm 1922, công ty xây dựng trụ sở ở Khánh Hội và dời Tổng cuộc từ Chợ Lớn về đây. Trong cùng năm, nước mắm Liên Thành tham gia đấu xảo ở Marseille, Pháp và tạo ra tiếng vang lớn. Từ sau đó, công ty Liên Thành dần mở rộng mạng lưới gồm các chi nhánh và địa bàn phân phối nước mắm ở nhiều tỉnh miền Trung và miền Nam, qua cả Campuchia và châu Âu.
Trong giới báo chí Sài Gòn thời trước 1945, có những cây bút nổi tiếng cả nước như Nguyễn Liên Phong (Bình Định), Phan Khôi (Quảng Nam), Bửu Đình (Thừa Thiên – Huế), Đào Trinh Nhất (sinh ra ở Huế, gốc Bắc), hai anh em Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận và Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy (Quảng Ngãi), Lan Đình Bùi Thế Mỹ (Quảng Nam), Phan Thứ Khanh (Quảng Nam)… đều xuất thân từ các tỉnh miền Trung. Những tờ báo họ làm chủ hay những bài viết của họ đều có tác động đến đời sống xã hội Sài Gòn thời đó.
Sau thời gian dài sống và làm ăn ở Sài Gòn, một số người Trung, người Bắc trở về quê hương nhưng phần lớn trong số đó trụ lại mảnh đất miền Nam sinh cơ lập nghiệp.
Trên đây là những tư liệu và ghi nhận về thuở ban đầu đến với cuộc sống Sài Gòn của người miền Trung từ đầu thế kỷ 20 đến năm 1945, tuy còn sơ lược và phiến diện nhưng đáng nêu ra. Có thể thời gian đầu người miền Trung chưa “sâu rễ, bền gốc” nhưng dần dần họ đã tạo được chỗ đứng vững chắc và làm chủ nhiều doanh nghiệp lớn, rạp hát, trường học. Từ sau năm 1954, người miền Trung tham gia ngày càng đông vào mọi mặt của đời sống chính trị xã hội của miền Nam ở các giới từ thấp đến vị trí cao nhất, có nhiều người thành đạt, tiếng tăm trong giới chính trị, văn nghệ sĩ, kinh doanh, báo chí. Đề tài này dành cho một bài viết khác, hoặc có khi là ở vài cuốn sách khác của giới nghiên cứu.
(Trích chương VI “Vài nguồn nhân lực” trong cuốn “Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm” của Phạm Công Luận do công ty Phan Book và NXB Đà Nẵng xuất bản năm 2021)