Na Uy ra luật buộc gắn nhãn với hình ảnh chỉnh sửa đưa lên mạng

Mọi cái đẹp "hoàn hảo" trên mạng xã hội sẽ có thêm phần tự thú...
Minh họa: Christopher Campbell/Unsplash

Đạo luật này được Quốc Hội Na Uy thông qua, với số phiếu đồng thuận áp đảo 72/15, thoạt tiên làm người ta ngạc nhiên về tính “bao đồng” của nó, nhưng rồi khi được giới thiệu rõ, đã tạo sự tán đồng nhanh chóng của số đông.

Dựa trên luật này, Na Uy sẽ có cơ quan kiểm soát truyền thông riêng trên mạng để đánh dấu lên các ảnh đưa lên mạng xã hội đã được chỉnh sửa, với các bộ lọc (retouched, heavily edited, or have filters). Na Uy đặc biệt quy định việc những người có ảnh hưởng công chúng đăng ảnh cần có tự xác nhận trước rằng ảnh đã được chỉnh sửa, nếu không, có thể dẫn đến việc bị phạt tù.

Minh họa: Aiony Haust/Unsplash

Bộ luật được ban hành để giải quyết áp lực tinh thần về một ảo tưởng hình thể hoàn hảo đang âm thầm lan rộng khắp nơi làm việc, không gian công cộng, tại nhà và trên các phương tiện truyền thông khác nhau. Trong một tuyên bố, Bộ Trẻ em và Gia đình (Ministry of Children and Family Affairs) cho biết “Áp lực về sự hoàn hảo cơ thể luôn ở đâu đó, thường không thể nhận thấy, và rất khó để chống lại”.

Mục tiêu của đạo luật này nhằm đẩy lùi tình trạng ám ảnh mặc cảm ngoại hình (body dysmorphia) của giới trẻ so với mọi người chung quanh, đồng thời hạn chế những ảo giác về ngoại hình và vóc dáng lý tưởng, mà trong suy nghĩ nếu không đạt được, giống như cuộc sống đang bị thua thiệt.

Body dysmorphia là một trạng thái tâm lý tiêu cực, trong đó đối tượng thể hiện sự chú ý và lo âu quá mức đến khiếm khuyết nhỏ nào đó trên cơ thể mình. Trong bối cảnh thế giới cùng khoe khoang về sự vượt trội của bản thân, những người không có khả năng bước vào thế giới ảo đó có thể mắc phải tình trạng tự cách ly xã hội, trầm cảm và thậm chí dẫn đến tự sát.

Minh họa: Rafaella Mendes Diniz/Unsplash

Theo luật nói trên, việc không khai báo các bức ảnh đã chỉnh sửa sẽ bị pháp luật trừng phạt và có thể bị phạt tiền hoặc bỏ tù. Luật áp dụng trên tất cả nền tảng truyền thông xã hội, gồm Instagram, Facebook, TikTok, Snapchat và Twitter, và liên quan đến các bài đăng cho mục đích quảng cáo, tiếp thị và các mục đích khuyến mại khác. Luật của Na Uy yêu cầu bất kỳ bài đăng nào có thể có hình ảnh cơ thể với kích thước, hình dạng hoặc làn da đã được sửa đổi, môi nở, cơ bắp rõ rệt… phải nêu rõ sự chỉnh sửa thay đổi. Điều này bao gồm cả vòng eo nhỏ, số đo cơ thể hoàn hảo hoặc làn da căng mịn bất thường đạt được bằng cách sử dụng thiết bị hoặc phương pháp vật lý trước khi chụp ảnh; hoặc sử dụng các công cụ chỉnh sửa kỹ thuật số và bộ lọc sau khi chụp ảnh. Tất cả hình ảnh như vậy phải gắn nhãn “đã chỉnh sửa” do chính phủ Na Uy thiết kế và cung cấp.

Luật này dù được ca ngợi là tiến bộ, nhưng cũng gây ra cuộc tranh luận rộng rãi. Một trong những ý kiến cho rằng luật sẽ rất khó thực thi vì có nhiều trường hợp, khó xác định bức ảnh nào đã bị thay đổi. Mặc dù chính phủ Na Uy gọi đây là “một công việc không hề đơn giản”, nhưng họ khẳng định là cần thiết và phải làm cho được.

“Đưa ra yêu cầu đối với việc quảng bá hình ảnh đã chỉnh sửa, hoặc qua thao tác khác, phải được gắn nhãn là một biện pháp đóng góp hữu ích và đáng kể trong việc hạn chế tác động tiêu cực mà hình ảnh đó gây ra, đặc biệt đối với trẻ em và thanh thiếu niên”, Bộ Trẻ em và Sự vụ Gia đình Na Uy nêu rõ. “Những người trẻ tuổi đang phải chịu áp lực lớn để có ngoại hình đẹp. Quảng cáo và mạng xã hội, và các mô hình tiếp thị được hiển thị với hình ảnh được chỉnh sửa kỹ thuật số, đang gieo cho thế hệ trẻ một ảo vọng về cái đẹp không thể đạt được”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: