Những chuyến xe đời

Minh họa: Adrian Moise/Unsplash

Đời người vốn đã là những chuyến xe đến đi vô định, chẳng biết được thời gian, nơi chốn, cũng không hề chọn lựa hay quyết định. Thế nhưng khi hiện hữu trong cuộc đời thì con người lại phải đối diện với biết bao điều chi phối đẩy đưa khiến luôn trong tâm thế chuyển dịch để sinh tồn bởi do đời sống, bởi chiến tranh, bởi thiên tai dịch họa, cường quyền áp bức… Và còn rất nhiều nguyên nhân khác nữa mà ít ai làm người có được hạnh phúc suốt cả một đời sinh ra và lớn lên chỉ ở một nơi để rồi giã từ cuộc đời cũng từ nơi ấy…

Nhìn lại lịch sử Việt Nam, bản đồ cong chữ S đã phải trả biết bao chuyến đi mở rộng cõi bờ. Công cuộc Nam tiến mở đường gian nan đã để lại nhiều dấu ấn trong văn thơ ca nhạc như Con đường cái quan của Phạm Duy hay biết bao gian khổ nhọc nhằn mà có lẽ không chỉ có trong các tác phẩm của hai nhà văn tiêu biểu miền Nam là Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc.

Mỗi chuyến ra đi đều mang theo những lý do riêng biệt khác nhau, cho dù là tập thể hay cá nhân cũng không thể thoát ra ngoài mệnh số may mắn. Tuy nhiên, những chuyến đi sau biến cố 1975 của người Việt Nam thật sự là kinh hoàng nhất. Không thể hình dung hay tưởng tượng được nó khủng khiếp đến thế nào. Sĩ quan, binh lính, văn nghệ sĩ miền Nam phải khăn gói vào trại tập trung cải tạo, để rồi có kẻ ra đi nhưng không có ngày trở lại. Người dân thành phố hiền lành thì bị buộc phải hồi hương hay đi vùng kinh tế mới trong rừng sâu núi thẳm. Đau thương hơn nữa còn biết bao nhiêu chuyến ra đi, biết bao nhiêu sinh mạng bị bỏ lại nơi biển khơi hay phơi thây làm mồi cho thú dữ trong rừng thiêng nước độc. Rồi tiếp sau đó, không chỉ những người miền Nam ra đi tìm con đường sống mà hết cả nước từ Bắc chí Nam vì đói nghèo kiệt quệ cũng phải ra đi.

Mỗi cuộc đời, mỗi chuyến ra đi đều để lại nhiều ý nghĩa. Nhân đây, chúng tôi muốn viết đôi dòng để gởi đến người cha thân yêu đang ở một nơi chốn nào đó thấu hiểu lòng biết ơn vô hạn của chúng tôi. Nếu như ngày ấy không có sự hy sinh, không có sự quyết tâm ra đi của bố thì không biết giờ này cuộc đời của tất cả chúng con sẽ ra sao.

***

Cha mẹ chúng tôi là người miền Bắc, sinh ra và lớn lên tại làng Thiêm Lộc, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Năm 16 tuổi, mẹ tôi về làm dâu cho gia đình ông bà nội có ba người con – người bác là con trai trưởng, đến bố tôi và người cô. Gia đình ông bà nội có nhiều ruộng đất. Người trong làng thường gọi ông nội tôi là cụ Tiên chỉ hay cụ Cửu vì có chức Cửu phẩm. Người bác và người cô không đến trường học, chỉ ở nhà lo việc gia đình. Riêng bố tôi được cho ra tỉnh học chương trình Pháp Việt.

Nhờ có kiến thức, bố tôi biết rằng Việt Minh lúc đó một mặt chống Pháp, một mặt có khuynh hướng theo chủ nghĩa cộng sản. Họ đang tìm cách tiêu diệt những người chống đối và có liên hệ với Pháp, nhất là các cha trong Nhà thờ Công giáo. Bố tôi cùng với những người bạn phản kháng chống Việt Minh. Ông trở thành mục tiêu bị Việt Minh truy lùng khi có lần ông đưa cha xứ về nhà nuôi giấu. Cuối cùng bố tôi bị cộng sản bắt nhốt tù ở trại Lý Bá Sơ khét tiếng. Sau khi ra tù, cho dù ông bà nội nài nỉ, bố tôi vẫn quyết định một mình dẫn vợ con xuống Hải Phòng, rời miền Bắc vào Nam năm 1954, khi ông vừa tròn 25 tuổi.

***

Năm 1975, bố tôi làm việc tại Phòng huấn luyện Cục An ninh quân đội, số 8 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm quận 1. Gia đình chúng tôi sống trong cư xá của Cục an ninh quân đội ở số 2Bis đường Phan Đình Phùng mà nay đổi thành đường Nguyễn Đình Chiểu.  Khi cao nguyên Ban Mê Thuột mất, không ai có thể tưởng được sự hỗn loạn xảy ra thế nào khi mọi người ào ạt di tản về phía miền Nam.

Thời điểm đó, gia đình chúng tôi có 10 anh em mà đứa bé nhất chỉ mới ba tuổi. Vì chúng tôi ở trong khu cư xá Cục an ninh mà bên cạnh là Đài phát thanh Sài Gòn, nơi chắc chắn cộng sản sẽ tấn công sớm để giành ưu thế phát thanh, do đó, bố mẹ tôi quyết định ra Vũng Tàu mua một ghe đánh cá. Sau đó, mẹ tôi chuẩn bị nhiều thực phẩm, lương khô. Cuối cùng, đến thời điểm mà suốt cả đời chúng tôi không thể nào quên được: lúc đó là 10 giờ sáng ngày 25 Tháng Tư 1975. Bố tôi từ chỗ làm về bảo cả nhà mỗi người lấy ít quần áo rồi ra ngay Vũng Tàu, đến chiều bố sẽ ra sau. Bố chỉ nói ngắn gọn thế. Chúng tôi vội vã ra xe đò Sài Gòn-Vũng Tàu.

Chiều ngày 25 rồi đến ngày 26 cũng không thấy bố ra, mẹ sốt ruột bảo tôi về lại Sài Gòn gặp bố xem tình hình thế nào. Trưa ngày 27, tôi về đến Sài Gòn, không thấy bố ở nhà nên vào Cục an ninh tìm, mới biết đã mấy ngày qua bố ở hẳn trong Cục không về. Gặp lại tôi, bố mừng lắm. Bố đưa tôi đi ăn trưa rồi chở ngay ra bến xe đò Sài Gòn-Vũng Tàu và dặn: Con ra bảo mẹ đưa tất cả về lại Sài Gòn bằng mọi cách, nhớ là về ngay bằng mọi cách, nếu không có đường bộ thì đi bằng đường thủy về Gò Công. Bố không thể bỏ nhiệm sở lúc này.

Tôi chỉ biết thế. Trở lại Vũng Tàu thì trời đã xế chiều, không còn chuyến xe đò nào khác về lại Sài Gòn nên đành chờ sáng hôm sau. Định mệnh đã an bài thật sự vào buổi tối 27 Tháng Tư 1975, khi cây cầu Cỏ May trên quốc lộ 51 bị giật sập, coi như mọi liên lạc với Sài Gòn chấm dứt. Gia đình tôi thật sự bối rối vì không biết nên đi hay ở, khi không biết số phận của bố tôi ở Sài Gòn ra sao. Cuối cùng, không còn đường chọn lựa, chúng tôi xuống bến ghe. Rất đông ghe tàu bấn loạn vì sợ hãi, phần vì người muốn ra đi, kẻ muốn ở lại. Đó là ngày 29 Tháng Tư. Cộng sản đã chiếm Vũng Tàu. Họ đặt đại bác và loa phóng thanh trên Núi Đá, kêu gọi dân chúng ở lại, ai muốn vào bờ phải treo vải trắng làm hiệu; cùng lúc, họ câu đại bác ra biển để thị uy. Trong thời khắc vừa kinh hoàng lẫn hoang mang, mẹ tôi lấy áo sơ mi trắng cột trước mũi ghe để xin vào bờ.

***

Trưa ngày 30 Tháng Tư 1975 khi nhìn thấy bộ đội vào Dinh Độc Lập, bố tôi ra đi theo con tàu Trường Xuân do Thuyền trưởng Phạm Ngọc Lũy điều khiển, bỏ lại Sài Gòn trong nỗi đau thương vô tận, vừa mất nước vừa lạc gia đình. Khi tàu Trường Xuân cập cảng Hong Kong, ông chạy khắp trại tỵ nạn để tìm kiếm chúng tôi. Nhưng lúc ấy chúng tôi đã trở lại Sài Gòn…

Tại Sài Gòn, cán bộ đến nhà tôi mỗi ngày, bắt gia đình tôi phải hồi hương hay đi kinh tế mới. Gia đình chúng tôi không có quê hương để về, mà đi kinh tế mới với một lũ trẻ con là đi vào con đường chết. Mẹ tôi đành xin đi kinh tế mới tự túc, ở cây số 71 đường đi Long Thành Bà Rịa, nhưng chỉ đi một nửa gia đình. Nơi đây là khu khẩn hoang lập ấp được thành lập từ năm 1972 để định cư những người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh mà hầu hết đến từ miền Trung, do ông Phan Quang Đán, Phó Thủ tướng kiêm Quốc vụ khanh đặc trách khẩn hoang lập ấp, phụ trách. Đó là vùng đất cao rất khô hạn. Sống không nổi, chúng tôi lại dọn đến Phương Lâm trên đường đi Bảo lộc, Lâm Đồng nhưng rồi cũng chẳng trồng ra được sắn khoai gì. Cuối cùng, mẹ dắt díu chúng tôi về miền Tây.

Một ngày nọ, chúng tôi bất ngờ nhận được tin bố đã đến Mỹ, định cư tại thành phố Chicago, tiểu bang Illinois. Khỏi phải nói, cả nhà tôi mừng hơn trúng số. Chúng tôi kéo nhau về lại hết Sài Gòn. Năm 1984, cả nhà được bố bảo lãnh sang Mỹ, chấm dứt chín năm trời khổ ải. Riêng cá nhân tôi vì có gia đình nên phải ở lại đến ngày 9 Tháng Ba 1992 mới được gặp lại bố. Tất cả như một giấc mơ.

***

Năm 2002 sau 10 mùa đông giá rét ở Chicago, chúng tôi dọn về Little Saigon ở Nam California và định cư yên ổn cho đến nay. Đời người quả thật như một hành trình, không ai biết và lường được, với rất nhiều cơ duyên và may rủi. Chỉ mong sao chuyến xe cuối đời dừng lại nơi chốn bình yên.

California, 20 Tháng Bảy 2021

*****

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do SGN tổ chức, với tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết. Thân kính.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: