Tất cả trách nhiệm đối với công ty, đối tác, công nhân viên, xã hội, môi trường… và cả những thách đố phải vượt qua khi cạnh tranh với đối thủ, gầy vốn đầu tư phát triển cơ ngơi mà doanh nhân khởi nghiệp ngày nay phải nhận lãnh thì một bà góa Pháp đã kinh qua và thành công từ cách nay 165 năm!
SANG NHƯNG KHÔNG CHẢNH
Vào Ngày Thế giới Doanh nhân dựng nghiệp (tạm dịch từ World Entrepreneur Day) 21 Tháng Tám 2023, khi cụng ly champagne chúc nhau thành công, bạn hãy dành vài phút nhớ lại bà góa Veuve Pommery.
Chào đời năm 1819, khi đến tuổi khôn lớn, thiếu nữ Jeanne Alexandrine Louise Melin không chỉ học chữ, học may, thêu, đan, móc crochet như các bạn cùng trang lứa trong xã hội trưởng giả Pháp mà được mẹ gửi qua London học ngoại ngữ và ứng xử. Tốt nghiệp, trở về mẫu quốc, Louise thành hôn với Alexandre Pommery thuộc gia đình kinh doanh len rất thành công. Năm 1856, chồng cô bắt tay hợp tác với Narcisse Greno để mở rộng quy mô của nhà champagne Greno sẵn có, thành nhà Pommery et Greno.
Không may là Alexandre Pommery sớm qua đời năm 1858. Bỗng chốc trở thành góa bụa khi còn khá trẻ, Louise phải làm gì? Chỉ tám ngày sau tang lễ, cô ngồi vào vị trí lãnh đạo, dù phải lo chuyện ăn học cho con trai Louis 15 tuổi và bồng bế trên tay em gái Louise của nó, mới 18 tháng tuổi.
Thật bất ngờ, người yêu cũ của bà, một nam tước người Tô Cách Lan tìm gặp và ngỏ lời cầu hôn, khiến bà phải suy tính chọn hướng đi cho tương lai. Trở thành vợ một nhà quý tộc ngoại quốc, hay theo đuổi niềm đam mê trở thành chủ nhân nhà sản xuất champagne loại ngon với lâu đài làm vang đẹp nhất thế giới? Dù không có chút hiểu biết, kinh nghiệm chuyên ngành nào nhưng bà góa trẻ Pommery 40 tuổi quyết định tiếp tục nghề sản xuất champagne mà chồng đã tạo ra với duy nhất một mục đích: Thay đổi gu thưởng thức champagne ngọt dùng lúc tráng miệng thành thói quen tận hưởng ly vang sủi tươi, ngọt nhẹ, có cả chất chua, bám víu vào lưỡi…
Thời ấy, phụ nữ đứng chính danh một công ty là chuyện không tưởng huống chi nói đến nghề làm champagne vẫn thuộc phạm vi dành riêng cho quý ông. Họ từ chối truyền nghề cho bà góa Pommery. Nhưng bà không ngại khó, tự mình âm thầm dò dẫm học nghề và thuê công nhân đào sâu vào trong lòng đất khu đổ rác của cư dân thành Reims để tạo nên hầm chứa champagne do mình làm ra.
CHAI CHAMPAGNE BRUT ĐẦU TIÊN
Nếu đàn chị bà góa Clicquot chinh phục được Sa hoàng và thị trường Nga thì bà góa Pommery cũng chiếm được cảm tình của Nữ hoàng Victoria và giới thượng lưu quý tộc của triều đình Anh. Hồi ấy, champagne rất ngọt, có chai trữ lượng đường lên đến 300g/lít (khác hẳn mức trung bình 12g/lít hiện nay), uống với đá lạnh và người Anh không thích uống ngọt như người Nga.
Thích uống champagne, Nữ hoàng Anh Victoria yêu cầu tìm mua champagne nào ít ngọt. “Chúng ta cần tạo ra một loại vang càng ít ngọt càng tốt nhưng không khô khan, nhẹ nhàng dịu êm như nhung, pha trộn các giống nho và tính thanh lịch phải là ưu tiên hàng đầu”, bà Pommery ra lệnh cho chef de caves (nghệ nhân chuyên nghề sản xuất champagne) khi ấy là ông Olivier Damas; cũng không quên dặn các nhà nông chớ vội thu hoạch sớm, cứ để các chùm nho chín thêm vài ngày trên cành. Hưởng ánh nắng, nho sẽ cho nước ngọt hơn và khi ủ ra nước vang thì không cần phải bồi thêm nhiều đường. Sản phẩm hoàn tất chắc chắn sẽ là champagne chất lượng cao hơn.
Cuối cùng chef de caves Victor Lambert, kế nhiệm ông Damas, có vinh dự giới thiệu sản phẩm hoàn chỉnh đáp ứng đúng yêu cầu của bà góa Pommery: Chai Pommery Nature 1874. Sự kiện không khác gì một cuộc “cách mạng lớn” diễn ra ở vùng Champagne. Pommery Nature Brut chiếm lĩnh thị trường Anh thật dễ dàng, nhanh chóng. Năm 2022, dựa vào tình tiết có thật của nữ nhân vật có thật này ở vùng Champagne, nữ văn sĩ Rebecca Rosenberg có thêm một tác phẩm mới trong series tiểu thuyết về những bà góa làm champagne, mang tên Madame Pommery: Creator of Brut Champagne.
VƯỢT QUA MỌI THỬ THÁCH
Cuộc chiến Pháp-Phổ bùng nổ năm 1870, tất cả những người thợ làm việc cho bà phải đi lính nên chỉ còn mình bà quần quật ngày đêm theo đuổi mục tiêu. Sau khi Napoléon và hàng trăm ngàn binh lính Pháp thua trận bị bắt làm tù binh, quân Phổ xâm chiếm nước Pháp và tướng Phổ Frederick Franz dùng biệt thự của bà làm tổng hành dinh, bà không hề lo sợ, biến hệ thống hầm trữ champagne của mình thành nơi ẩn náu của những Francs-Tireurs (kháng chiến quân Pháp) đồng thời lập kế hoạch xây dựng trên đó một tòa lâu đài làm vang thật nguy nga.
Trong tình hình căng thẳng như vậy, bà vẫn sáng suốt mua 60ha đất (có tài liệu ghi 75ha) để mở rộng giang sơn chứa vang trong lòng đất mà bà đã khởi công từ năm 1868. Phớt lờ mọi lời ra tiếng vào, bà chăm chỉ đi theo con đường mình đã chọn. Người ta đồn rằng vì cạn tiền và sa cơ thất thế không thể thuê nhân công nên các vườn nho nhà Pommery mãi không thấy bóng dáng người thu hoạch mỗi khi Tháng Chín đến. Bà góa có cách đáp trả thật hay.
Năm 1857, họa sĩ Pháp Jean-Francois Millet có bức tranh Des Glaneuses mô tả phụ nữ đi mót lúa nhưng bị giới quý tộc phê bình là “bêu xấu” mẫu quốc. Cuộc triển lãm kết thúc, không ai mua bức vẽ rất đẹp mà ông treo giá 4,000 francs. Vì hết tiền sinh sống nên tác giả đành bán nó cho một người Anh tên là Binder với giá 3,000 francs. Sau đó, Des Glaneuses thuộc sở hữu ông Ferdinand Bischoffheim; và trong một cuộc bán đấu giá, một người không tiết lộ danh tánh đã mua nó với giá 300,000 francs. Có tin đồn rằng chủ nhân mới là một tỷ phú Mỹ. Tuy nhiên, một tuần sau, tin từ nhà tổ chức đấu giá cho biết người chủ bức tranh là bà góa Jeanne-Alexandrine Louise Pommery! Đó là cách bà chứng minh mình “sa cơ thất thế”.
Ngày nay, nhà làm vang Pommery có quyền khoe họ làm chủ một giang sơn lâu đài, vườn nho, hầm trữ (gồm 120 hầm đá vôi đào từ thời Gallo-Roman, cộng chung dài 17km, trữ được trên 20 triệu chai) thuộc loại đẹp nhất vùng Champagne. Tòa biệt thự rộng lớn, nguy nga được hoàn tất năm 1878 sau tám năm xây dựng theo đúng thiết kế chính bà góa vẽ ra! Năm 2015, giang sơn nhà Pommery được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, điểm đến tham quan của khoảng 180,000 khách mỗi năm.
Còn bức tranh Des Glaneuses thì sao? Sau khi bà qua đời ngày 18 Tháng Ba 1890 tại Chingy, gần Reims, vùng Champagne, bức tranh này – theo ý nguyện di chúc của bà – được gửi tặng Bảo tàng Louvre. Hiện nay Des Glaneuses được trưng bày trong Bảo tàng Orsay, cũng tại Paris. Từ đó, nhà Pommery cũng đã trở thành một mạnh thường quân đáng kể trong lãnh vực sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt về hội họa. Một bằng chứng là những thiết kế chai và hộp bìa cứng bao bọc các chai champagne Pommery.
Chẳng phải tự nhiên khi mà chính quyền Pháp đã tổ chức lễ tang cho bà ở cấp Nhà nước. Hơn 20,000 người đã đứng hai bên đường đễ tiễn biệt bà Pommery. Tổng thống Pháp khi ấy còn ra quyết định đổi tên quê gốc của bà là Chigny thành Chigny-les-Roses vì khi còn sống bà góa này rất yêu hoa hồng.
________
NÀNG LOUISE
Dòng champagne “đỉnh của đỉnh” ở nhà Pommery được đặt theo tên Louise, con gái của bà góa sau này lên lãnh đạo cơ ngơi khi bà ra đi. Chai Louise được làm ra rất công phu, tối thiểu 11 năm yên ngủ trong hầm đá vôi cộng thêm chín tháng sau ngày tém cổ xả cặn thì mới được trình làng. Thường là gồm 65% nho Chardonnay; 35% nho Pinot Noir thu hoạch từ các vườn nho hảo hạng (grands crus) tại ba làng Avize, Ay và Cramant, với lượng đường bồi thêm chỉ là 5g/l.
Chai đầu tiên mang tên Louise là niên vụ 1979, đến nay có 19 lần xuất hầm, mới nhất là các chai niên vụ 2000, 2002, 2003, 2004, 2005 và 2006. Ngày nay, trách nhiệm tạo ra các chai Louise thuộc về chef de caves thứ 10 của nhà này, ông Clément Pierlot (chai niên vụ 2004 vẫn do vị tiền nhiệm Thierry Gasco thực hiện.