Nhớ miền Tây mà thương món canh chua bông so đũa

Thời xưa, nhiều lão nông mê truyện Tàu ưa kể cho đám con nít nghe rằng: Để dụ cho xe kéo bằng mấy con dê của vua Tàu Tần Thủy Hoàng dừng lại, các cung phi thường dùng nhánh cây so đũa treo trước cửa phòng. Bây giờ khi biết loài cây này chỉ sống được ở xứ nhiệt đới nóng ẩm, mới hiểu ra chuyện mấy con dê của vua Tàu khoái ăn so đũa chỉ là do mấy ổng buồn buồn chế chuyện cho vui cửa vui nhà thôi.

Để hái được loại bông này nhà nhà đều phải có cây sào bằng tre, trúc. Cứ sáng tinh mơ khi hơi ẩm của cơn mưa mùa còn phủ hơi mát dịu, người đi móc bông so đũa ngẩng mặt lên tìm từng cụm bông trắng muốt long lanh trong nắng mà kéo giật bông xuống. Bông so đũa đem về, các bà nội trợ mở từng cái bông ra, ngắt vòi phấn hoa màu vàng bỏ đi, vì nếu để phấn hoa sẽ làm cho nồi canh có vị đắng. Ai cũng nhớ rằng các bé gái mới bắt đầu học trang điểm đã khoe đôi tay, gò má vàng màu phấn hoa.

Vị chua mà người miền Nam ưng dùng là vị chua của trái me, nhưng để nồi canh có vị chua thanh tao thì nhất định phải nấu bằng lá me non. Không gì đẹp bằng màu lá me non khi chín, sắc vàng xanh của lá me non nổi lên trong nồi canh chua bông so đũa là sự kết hợp màu sắc tuyệt hảo của bức tranh thực phẩm đồng nội.

Mà nghĩ cũng kỳ diệu, khi đất lành miền Nam vừa sanh ra bông so đũa lại khiến cho ruộng có đầy loại tôm đất. Tôm đất khác với con tép bạc ở màu sắc. Tôm đất có màu đất bùn, lúc được đổ ra khỏi mấy cái lờ đặt ở khe nước chảy giữa các bờ ruộng, nó cứ búng nhảy soi sói hệt như các hột mưa đang nhảy múa trên mặt nước. Mớ tôm đất nấu canh chua, khi nồi canh chua chín, vỏ tôm, thịt tôm sẽ chuyển màu đỏ hồng. Thật là quá đẹp khi mở nắp nồi canh chua mà ngắm sắc hồng tươi của tôm đất và sắc trắng tinh của các cánh bông so đũa.

Trên bếp lửa canh đã sôi chín! Làn khói thơm vị chua của lá me, vị nhân nhẫn của bông so đũa, vị ngọt lừng của tôm đất cùng mùi tinh dầu các vị rau thơm vừa được nêm sẽ tràn ngập không gian bếp, sẽ phủ đầy cảm thức vui sống bình dị, sẽ mở ký ức về vị ngon riêng biệt làm nên cá tánh chân thật mà hào phóng của người đồng bằng miền Nam.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: