Tết Đoan Ngọ ăn bánh tro, rượu nếp, trừ sâu bọ. (ảnh: SGN)

Tết Đoan Ngọ – Tết truyền thống tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á – được cúng lễ vào 5 Tháng Năm Âm lịch, nhằm ngày 3 Tháng Sáu, 2022.

Tết Đoan Ngọ hoặc Tết Đoan Dương (Hán Việt: 端午節 – Đoan Ngọ Tiết, 端陽節 – Đoan Dương Tiết) (ngày mùng 5 tháng 5 theo lịch Trung Quốc) là một ngày Tết truyền thống tại một số nước như Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Tết Đoan Ngọ tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa.

Tết Đoan Ngọ xuất phát từ điển tích trong dân gian với nhiều dị bản khác nhau. Một trong những điển tích đó là: Một năm nọ, nông dân đang ăn mừng vì được mùa thì sâu bọ kéo đến, ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Dân làng không biết làm cách nào để có thể trị được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cách cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh tro, trái cây. Nhân dân làm theo, chỉ một lúc sau đó, sâu bọ bay đi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ nhưng ông lão đã đi đâu mất.

Cư dân Little Saigon đi chợ mua trái cây, rượu nếp về cúng Tết Đoan Ngọ. (ảnh: SGN)

Để tưởng nhớ sự việc trên, dân chúng đặt cho ngày này là ngày “Tết giết sâu bọ”, có người gọi là “Tết Đoan Ngọ”, vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ. Từ đó, dân gian thường cúng ngày Tết Đoan Ngọ bằng một số món ăn và hoa quả phổ biến theo mùa như: Cơm rượu nếp, nếp cẩm, bánh tro, mận, vải…

Truyền thuyết Khuất Nguyên

Vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Ông là vị trung thần nước Sở và còn là nhà văn hóa nổi tiếng. Tương truyền ông là tác giả bài thơ Ly tao (thuộc thể loại Sở từ) nổi tiếng trong văn hóa cổ Trung Hoa, thể hiện tâm trạng buồn vì đất nước suy vong với họa mất nước. Do can ngăn Hoài vương nên đến cuối đời, ông lại bị vua Tương Vương (người nối ngôi Sở Hoài Vương) đày ra Giang Nam (phía Nam sông Dương Tử). Ông thất chí, tự cho mình là người trong sống trong thời đục, suốt ngày ca hát như người điên, làm bài phú “Hoài Sa” rồi ôm một phiến đá, gieo mình xuống sông Mịch La tự tử. Theo truyền thuyết này, để tưởng nhớ về con người và cái chết bi ai của ông, hàng năm người ta tổ chức vào ngày mồng 5 tháng 5 là ngày Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc và một số nước khác ở Châu Á.

Sau này, Tết Đoan Ngọ còn được gắn thêm một tích khác nữa là tích hai chàng Lưu – Nguyễn gặp tiên. Lưu Thần và Nguyễn Triệu là hai người đời nhà Hán, nhân ngày Tết Đoan Dương cùng rủ nhau vào núi Thiên Thai hái thuốc, gặp hai tiên nữ kết duyên. Sau thời gian nửa năm sống nơi tiên cảnh với vợ tiên, hai người nhớ nhà đòi về. Giữ lại không được, hai tiên nữ đành đưa tiễn chồng về quê cũ. Vì thời gian ở tiên cảnh chỉ có nửa năm nhưng là mấy trăm năm ở cõi trần. Hai chàng thấy phong cảnh quê nhà đã khác xưa, người quen thì đã ra người thiên cổ, hai chàng bèn rủ nhau trở lại cõi tiên nhưng không được. Hai chàng ra đi mà không thấy trở về…

Trên thực tế, từ cuối thời Đông Hán, người ta đã tìm thấy những thư tịch sưu tầm về Tết Đoan Ngọ. Hầu hết các học giả thời đó cho rằng nguồn gốc của lễ tiết này có “liên quan” đến sự tưởng niệm thi hào nổi tiếng của nước Sở là Khuất Nguyên. Tuy nhiên các sử gia Trung Quốc lúc bấy giờ không hề đưa ra được những tư liệu cụ thể để chứng minh cho “sự liên quan” này.

Tết Đoan Ngọ ở Nhật không ‘dính’ gì đến sâu bọ

Ngày này ban đầu được gọi là Tango no Sekku (端午の節句) từ thời Nara và được tổ chức vào ngày thứ 5 của tháng 5 tính theo âm lịch hay lịch Trung Quốc. Sau khi Nhật Bản chuyển đổi sang lịch Gregorian, ngày này cũng được dịch chuyển sang ngày mùng 5 tháng 5, và được coi là ngày lễ dành cho các bé trai với tên gọi Tết Thiếu nhi (こどもの日), là một ngày đại lễ của Nhật từ năm 1948.

Đây là dịp lễ đặc biệt, người Nhật thường treo cờ cá chép (Koinobori) tượng trưng cho những bé trai khoẻ mạnh thông minh với ý nghĩa “cá vượt vũ môn” và còn trang trí các bộ áo giáp Kabuto mang theo ước nguyện của những bậc cha mẹ mong muốn cho con mình sẽ thành đạt trong cuộc sống. Cứ đến đầu Tháng 5 là ở Nhật rợp trời cờ cá chép tung bay trong gió, mỗi nhà treo ba hoặc năm cờ, với năm màu chủ đạo là: Xanh lam, đỏ, đen, xanh lá, xanh tím. Những lá cờ Koi (cá chép) vải đầy màu sắc được treo trên mái nhà hoặc hành lang chung cư của các gia đình có con trai.

Ăn rượu nếp, bánh tro, trừ sâu bọ trong ngày tết Đoan Ngọ. (ảnh: SGN)

Ăn gì trong ngày Tết Đoan Ngọ?

Hiện nay, Tết Đoan Ngọ vẫn rất được coi trọng. Đây cũng là dịp để con cháu khắp nơi trở về sum họp, đoàn tụ gia đình. Buổi sáng sớm ngày Tết Đoan Ngọ mọi người ăn bánh tro, chè hạt sen, trái cây, và rượu nếp để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Thường lệ người ta ăn rượu nếp ngay sau khi ngủ dậy.

Người ta cúng lễ cho một tiết mới, mừng sự trong sáng và quang đãng. Nhiều người tắm nước lá mùi để phòng bệnh và tẩy trừ “sâu bọ”. Nhiều địa phương ở ven biển đúng giờ ngọ đi tắm biển. Tại vì ngày này, theo quan niệm dân gian, khí dương mạnh nhất trong năm, người ta cúng lễ để cầu an. Cũng theo quan niệm đó, các loại cây lá hái trong thời gian này có tác dụng chữa bệnh tốt nhất nên các thầy thuốc thường lên núi hái thuốc.

Vào dịp Tết Đoan Ngọ, ai bị cảm cúm nên dùng năm loại lá là bạch đàn, xương rồng, ngũ trảo, dâu tằm ăn và sả nấu nước xông để bớt bệnh. Người ta cũng tìm mua cành xương rồng bỏ trong nhà để đuổi tà ma. Bánh tro đã trở thành món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan Ngọ ở Nam Trung Bộ và Miền Nam Việt Nam. Bánh tro có nhiều tên khác nhau như bánh ú, bánh gio và bánh âm, và có vài biến thể khác nhau theo địa phương. Người ta làm bánh bằng gạo đã ngâm từ nước tro được đốt bằng củi các loại cây khô hay rơm, gói trong lá chuối. Bánh tro dễ ăn, dễ tiêu làm mát ruột, thường ăn với đường hoặc mật.

(tổng hợp)

-Tháng Ba, mùa con trích đi… Từ Dũ

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: