1.
Lên tiếng về việc mình và ông Obama nói chuyện và cười tại tang lễ ông Jimmy Carter, ông Trump nói mình và ông Obama “rất thích nhau, dù có những triết lý khác nhau.”
Không rõ ông Trump và ông Obama có thực sự thích nhau như ông Trump nói không, nhưng người ta phải thừa nhận hai ông đã có một cuộc trò chuyện khá thân mật, dù trong quá khứ, họ từng có những lời lẽ không hay về nhau.
“Có lẽ chúng tôi hòa hợp nhau,” ông Trump nói với đài NBC News.
Trước đây mối quan hệ giữa hai ông được cho là khá căng thẳng. Nên giờ cuộc nói chuyện thân mật của họ khiến mọi người cảm thấy vui. Nghĩ cho cùng, một đất nước chỉ tiến lên được khi mọi người dân hòa hợp với nhau, thay vì cắng đắng nhau.
Ông Trump không giải thích mình đã nói điều gì khiến ông Obama bật cười. Có thể đoán đoạn đối thoại đó như sau:
-Bố cậu là người da đen và mẹ cậu là người da trắng, đúng chứ?
Trump bảo. Obama gật gù.
-Thảo nào màu da của cậu không đen cũng không trắng.
Trump nói tiếp rồi đề nghị:
-Vậy từ nay tớ sẽ gọi cậu là cà phê sữa!”
2.
Chỉ một ngày sau khi nói rằng “Moscow sẵn sàng đàm phán với Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump nếu ông tuân thủ kế hoạch khôi phục liên lạc,” phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov lại tuyên bố Tổng Thống Putin sẵn sàng gặp ông Trump mà không cần điều kiện tiên quyết.
Vậy có thể nói với việc sẵn sàng đàm phán vô điều kiện, Moscow đang tỏ ra rất mong sớm kết thúc cuộc chiến, một cuộc chiến mà họ đã gây ra và giờ chỉ muốn thoát ra như thoát một vũng lầy. Và như thế Moscow đã không thể che giấu sự kiệt quệ của mình vì cuộc chiến đó. Dù Moscow có cố đến đâu thì người ta cũng tin rằng Nga khó mà tiếp tục chịu đựng những chi phí khổng lồ phải chi cho cuộc chiến, cũng như không thể tiếp tục oằn mình trước hàng ngàn lệnh trừng phạt mà Phương Tây áp đặt bấy lâu nay.
Nói thẳng ra, với việc chấp nhận đàm phán vô điều kiện, Putin sẽ phải gặp ông Trump trong thế yếu. Mà đã ở trong thế yếu thì sẽ phải chấp nhận có những nhượng bộ trước kẻ mạnh. Những nhượng bộ của Moscow sẽ như thế nào thì người ta còn phải chờ xem. Nhưng có thể tin rằng Putin không còn có thể tiếp tục mạnh miệng ra điều kiện này, điều kiện kia để đòi hỏi đối phương phải thế này, phải thế nọ. Kẻ ở thế yếu không có quyền đòi hỏi kẻ ở thế mạnh phải nhượng bộ mình. Nghĩa là Phương Tây nhiều khả năng sẽ đạt được mục đích của họ là “không để Nga được thắng.”
Và người Ukraine hoàn toàn có thể tin rằng với sự hỗ trợ của Phương Tây, đất nước họ sẽ đạt được một nền hòa bình công bằng. Tất nhiên hòa bình sẽ không dễ dàng đến. Có thể từ giờ tới khi đạt được một nền hòa bình công bằng cho Ukraine, vẫn là một chặng đường dài đầy máu và nước mắt.
Dẫu sao đối thoại bao giờ cũng là điều nên làm, dù đang trong thế mạnh hay thế yếu. Putin có thể trách ông Gorbachev là đã làm Liên Xô sụp đổ, nhưng giờ ông ta hẳn phải thừa nhận rằng ông Gorbachev đã đúng khi cho rằng đối thoại tốt hơn là đối đầu. Chỉ những kẻ vô trách nhiệm thích hạ cẳng tay, hạ cẳng chân mới thích đánh nhau cho sứt đầu, mẻ trán, bất kể ra sao thì ra.
Chỉ tiếc là giá mà Putin hiểu điều đó ngay từ đầu thì cuộc xung đột bao đau thương giữa Nga và Ukraine đã không xảy ra, và hàng trăm ngàn trai tráng của hai bên đã không chết thảm nơi chiến địa.