Chuyến bay định mệnh

Chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines. (Hình minh họa: Pixabay)

1.

Tại Ả Rập Saudi, Tổng Thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ dỡ bỏ những lệnh trừng phạt chống Syria.

Động thái này của Washington được giới quan sát tin rằng sẽ mở đường cho Syria tái thiết thời hậu chiến, với sự lãnh đạo của Tổng Thống Ahmed al-Sharaa. Thời Tổng Thống Bashar al-Assad, Washington đã áp đặt nhiều lệnh cấm vận đối với Syria, bao gồm cấm giao dịch tài chính, đóng băng tài sản, hạn chế xuất khẩu…

Liên Hiệp Quốc hoan nghênh động thái này của Mỹ. EU trước đó cũng đã dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt đối với Syria.

Vậy có thể nói sau 5 tháng nắm quyền, chính quyền của TT Ahmed al-Sharaa đã đạt được nhiều chiến thắng ngoại giao quan trọng. Việc tái thiết Syria giờ đây gần như không còn rào cản nào. Quả bóng lúc này đang nằm ở chân Damascus. Họ phải chứng tỏ mình xứng đáng là những người lèo lái con thuyền đất nước. Để được như thế, điều mà chính quyền này cần làm là phải luôn giữ được sự đoàn kết quốc gia, tôn trọng các quyền tự do, dân chủ như họ từng cam kết sau khi lật đổ chế độ al-Assad.

“Giờ là lúc Syria tỏa sáng. Tôi xin chúc đất nước này may mắn,” là lời chúc của Tổng Thống Donald Trump sau khi tuyên bố bỏ cấm vận đối với Syria. Hẳn thế giới cũng muốn chúc như thế với Syria, đất nước đã chịu quá nhiều đau khổ vì sự can thiệp quân sự của Moscow.

Mong và tin một ngày không xa, với sự hỗ trợ của các nước tiên tiến, với việc các nhà đầu tư ngoại quốc ồ ạt đổ tiền vào Syria, đất nước này sẽ trở thành một quốc gia thịnh vượng, người dân được sống trong cảnh sung túc, thanh bình. Lúc đó, nói tới Syria thì người ta chỉ nghĩ tới một đất nước hạnh phúc, không phải một đất nước điêu tàn vì chiến tranh

Việc tới giờ này vẫn chưa giao nộp al-Assad cho chính quyền Damascus theo yêu cầu của chính quyền này, dường như cho thấy Nga muốn mình đã thuộc về quá khứ đau thương của Syria.

2.

Hôm 13 Tháng Năm, Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế (ICAO) thuộc Liên Hiệp Quóc đưa ra phán quyết, cho rằng Nga có trách nhiệm trong vụ chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi trên không phận Ukraine năm 2014.

Phán quyết của ICAO nêu: “Những yêu cầu của Úc và Hà Lan về chuyến bay MH17 là có cơ sở vững chắc về mặt thực tế và pháp lý,” và rằng: “Nga đã không thực hiện các nghĩa vụ của mình theo luật quốc tế trong vụ MH17 của Malaysia Airlines năm 2014.”

Điện Kremlin đã tức thì bác bỏ phán quyết của ICAO: “Nga không phải là nước tham gia cuộc điều tra sự cố này nên chúng tôi không chấp nhận bất kỳ kết luận thiên vị nào.” Và vẫn như trước, Điện Kremlin tiếp tục đổ lỗi cho Kyiv, cho rằng chính Kyiv mới là bên có lỗi trong vụ này. Trong khi cãi chày cãi cối, Moscow lại lờ đi rằng việc Nga không tham gia cuộc điều tra của ICAO là vì Nga cố tình không muốn hợp tác. Bởi lẽ nếu hợp tác với ICAO thì Nga sẽ phải chấp nhận mọi kết luận của ICAO. Không tham gia vào cuộc điều tra, Nga chỉ là tên giết người muốn trốn tội.

Gì thì gì, phán quyết của ICAO, một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, đã được đưa ra. Vậy là sau 11 năm ròng rã, công lý cuối cùng đã lên tiếng. Thủ phạm là Nga đã chính thức bị buộc tội. Nga cãi là chuyện của Nga.

298 người thiệt mạng trong vụ MH17 bị Nga bắn rơi là một con số đau lòng. Nhưng con số đó xem ra chẳng là gì so với con số hàng triệu người thương vong trong cuộc chiến đẫm máu ở Ukraine cũng do Nga gây ra. Và cho tới giờ này, Moscow vẫn khăng khăng nói Ukraine và Phương Tây phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến đó, không phải Nga!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo