Chuyện Đông chuyện Tây: Đập đầu vào đá

(Hình minh họa: Facebook “Donald John Trump Fans”)

Sau khi cuộc xung đột kéo dài 12 ngày giữa Iran và Israel kết thúc bằng lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian, cả Iran và Israel đều tuyên bố mình chiến thắng.

Tel Aviv cho rằng chiến dịch của mình đã phá hủy một số lượng lớn bệ phóng tên lửa đồng thời sát hại hơn 60 tướng lãnh cao cấp và những nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran, cũng như xóa sổ chương trình hạt nhân Iran với sự phối hợp của Mỹ bằng chiến dịch Búa Giữa Đêm.

Về phần mình, Iran tuyên bố phản ứng quyết liệt của họ nhằm đáp trả sự gây hấn của Israel đã buộc Israel phải chấp nhận “thất bại và đầu hàng,” và rằng “Quân đội Iran sẵn sàng chiến đấu và nghiền nát bất kỳ cuộc phiêu lưu nào của Israel.”

Vậy là cả Iran và Israel đều không nhận mình là bên thất bại trong cuộc xung đột vừa qua. Hai bên vẫn khí thế đằng đằng, nhất là Iran vẫn tỏ ra hăng máu, vẫn sẵn sàng huyết chiến với Israel một lần nữa. Vấn đề là trong khi Tehran tự cho mình là bên thắng thì Tổng Thống nước này là ông Masoud Pezeshkian lại lên tiếng đề xuất nối lại đàm phán với Mỹ. Ông Pezeshkian cho rằng Iran không có vấn đề gì với việc đối thoại trở lại.

Phát biểu của tổng thống Iran, người vốn được cho là có tinh thần chủ hòa, đã nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích trong nội bộ cầm quyền Iran. Những kẻ chỉ trích cho rằng lập trường của ông là quá yếu đuối trước kẻ thù. Ông bị xem là nhượng bộ trước một Washington chưa hề thể hiện thiện chí với Tehran.

Câu hỏi đặt ra là nếu quả thực Iran ra khỏi cuộc xung đột 12 ngày với tư cách là người chiến thắng khi buộc Israel phải chấp nhận “thất bại và đầu hàng” thì tại sao Tổng Thống Pezeshkian lại có thái độ “yếu đuối” trước kẻ thù. Câu trả lời hẳn là vì Iran thực ra không hề là người chiến thắng trong cuộc xung đột, mà chỉ là kẻ bại trận. Ở đời, chỉ kẻ thua mới phải yếu đuối trước kẻ thù. Iran thắng kiểu gì khi để Israel tàn sát hơn 60 chỉ huy cao cấp và chuyên gia hạt nhân? Để kẻ thù đánh cho tơi tả mà cứ ra vẻ ta đây thì chẳng lừa được ai. Thiên hạ đâu có mù!

Như vậy, trong khi tỏ ra “yếu đuối” trước đối phương, ông Pezeshkian đã tỏ ra mình là người tỉnh táo. Tỉnh táo để thấy Iran là bên yếu. Tỉnh táo để có đối sách phù hợp với kẻ thù. Chỉ những kẻ điên mới nghĩ là mình thắng sau khi bị đối phương đánh cho bầm dập.

Theo ngoại trưởng Iran là ông Abbas Aragchi thì trước khi xung đột xảy ra, Tehran và Washington đã đạt được tiến triển vượt bực trong các cuộc đàm phán. Thiết tưởng nếu đúng vậy thì sẽ là khôn ngoan cho Iran nếu nước Cộng Hòa Hồi Giáo này chịu trở lại bàn đàm phán với Mỹ, với thái độ nhún nhường chứ không phải với bộ mặt kênh kênh tự đắc. Xem ra đó là cách duy nhất để giữ cho cái chế độ hiện nay ở Iran có thể tồn tại được lâu trước nguy cơ bị Mỹ và Israel xóa sổ để thay bằng một chế độ khác hợp lòng dân.

Bởi đập đầu vào đá không bao giờ là khôn ngoan. Một câu hỏi khác là Tehran sẽ đàm phán kiểu gì một khi Washington chấp nhận nối lại những cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này. Mỹ từ lâu đã yêu cầu Iran ngừng mọi hoạt động làm giaù uranium. Còn Iran vẫn khăng khăng không chịu, cho rằng chương trình hạt nhân của họ là nhằm mục đích hòa bình, điều mà Phương Tây không tin và giờ đây lại càng không tin khi Tehran tuyên bố không chấp nhận sự giám sát của IAEA đối với các cơ sở hạt nhân của họ, cho rằng IAEA thiên vị Phương Tây.

Rốt cuộc, chương trình hạt nhân Iran vẫn là một câu chuyện mà người ta chưa rõ hồi kết. Câu chuyện đó sẽ kết thúc một cách nhẹ nhàng trong hòa bình bằng việc Tehran tuyên bố từ bỏ chương trình hạt nhân của mình hay ít ra là ngoan ngoãn đặt các cơ sở hạt nhân của mình hoàn toàn dưới sự giám sát chặt chẽ của IAEA, hoặc bằng một đòn đánh phủ đầu mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn lần trước từ Mỹ và Israel.

Nhiều người tin rằng nếu Mỹ và Israel quyết định tung đòn một lần nữa với Iran, thì đó sẽ là đòn nhằm kết liễu chế độ thần quyền của nước này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo