Một số nhà chính trị của Phương Tây, tiêu biểu là Tổng Thống Pháp Macron, lo ngại rằng sự sụp đổ của chế độ thần quyền ở Iran, nếu xảy ra, sẽ có thể dẫn tới tình trạng bất ổn trong khu vực ở qui mô lớn hơn Iraq hay Libya.
Trong khi có nhiều người mong đợi một chính phủ tự do và dân chủ sẽ thay thế những kẻ theo chế độ thần quyền, thì cũng không ít người lo ngại rằng chế độ thần quyền mà sụp đổ sẽ được thay thế bằng một chế độ độc tài quân sự.
Ông Macron cho rằng những gì đã làm ở Iraq năm 2003 hoặc những gì đã làm ở Libya trước đây không phải là một ý tưởng hay. Thực tế là việc lật đổ các nhà độc tài Saddam Hussein và Moamar Kadhafi đã gây ra nhiều năm hỗn loạn ở Iraq và Libya. Giờ đây sự bất ổn vẫn đang ngự trị ở hai nước này. Ông Macron nhấn mạnh chương trình hạt nhân của Iran cần phải được đặt dưới sự giám sát quốc tế. Tuy nhiên ông phản đối bất kỳ hành động nào dẫn tới sự thay đổi chế độ.
Song vấn đề ở đây là số phận của cái chế độ thần quyền ở Iran hiện tại lại không nằm trong tay ông Macron hay những người đồng quan điểm với ông, mà nằm trong tay những nhà lãnh đạo của Israel, nước xem chế độ hiện tại ở Iran là tử thù và chỉ muốn lật đổ nó nhằm tiêu diệt mối đe dọa hạt nhân mà chế độ này luôn treo lơ lửng trên đầu nhà nước Do Thái.
Cho nên không có lý do gì Israel lại muốn để tồn tại một chế độ như vậy. Tất nhiên Israel và Mỹ sẽ lấy tấm gương Iraq và Libya thời hậu Hussein và Kadhafi để tránh dẫm lên vết xe đổ một khi đã lật đổ được chế độ hiện nay ở Iran. Nhưng sẽ khó lòng có chuyện Israel hay Mỹ dựa vào tấm gương Iraq và Libya để không lật đổ chế độ này. Cứ lật trước rồi hãy tính sau. Chẳng ai ưa những kẻ thích mang bom hạt nhân ra dọa người khác.
Một trong những nhân vật đối lập nổi bật và có địa vị cao nhất của Iran là Thái tử Reza Pahlavi, con trai của cựu quốc vương Mohamad Pahlavi. Hiện sống ở Mỹ, ông này tuyên bố nước Cộng Hòa Hồi giáo Iran đang bên bờ vực sụp đổ, cáo buộc giáo chủ Ali Khamenei đang chui dưới lòng đất như một con chuột sợ hãi.
Hẳn ông Reza Pahlavi, sau những lời hiệu triệu người dân Iran nổi dậy chống chế độ thần quyền, đang khát khao ngồi lên ngai vàng mà cha ông ngày xưa đã ngồi, cai trị đất nước Iran mà cha ông ngày xưa đã cai trị. Hẳn nhiều người dân Iran ủng hộ ông đang mong chờ ngày trở lại quê hương của ông như mong chờ một tương lai tốt đẹp cho dân tộc. Còn ông có đem lại cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân hay không thì đó là chuyện hậu bạn. Điều quan trong là nhân dân Iran sẽ được sống trong một quốc gia tôn trọng tự do, dân chủ chứ không phải tà quyền.
Ông Macron muốn duy trì cái chế độ hiện tại ở Iran nhằm tránh cho đất nước này lâm vào bất ổn. Song chưa chắc người dân Iran lại muốn cái chế độ đó tồn tại. Có thể họ chỉ muốn ăn tươi nuốt sống cái chế độ đó. Có thể họ chỉ muốn đập chết con chuột Khamenei đang lẩn trốn trong hang. Những cuộc biểu tình rầm rộ khắp Iran của người dân năm 2022 trước cái chết tức tười của cô Mahsa Amini cho thấy người dân Iran căm ghét chế độ hiện tại như thế nào.
Ở đời, cái gì cũng có lúc thịnh, lúc suy. Cái chế độ thần quyền phản dân ở Iran không phải là ngoại lệ. Ông Macron và những người đồng quan điểm với ông đừng nên tiếc nuối nếu ngày mai chế độ này sụp đổ, mà chỉ nên dành cho nó một cái nhún vai. Thủ Tướng Benjamin Netanyahu có lý khi tuyên bố Israel đang “thay đổi bộ mặt thế giới” trong cuộc chiến với Iran. Nghĩ cho cùng, loại trừ cái chế độ tồi tệ ở Iran chính là cách Israel làm cho thế giới tốt đẹp hơn.