1.
Tuyên bố Greenland sẽ thuộc về Mỹ, Tổng Thống Donald Trump khẳng định Mỹ sẽ kiểm soát hòn đảo Bắc Cực quan trọng này vì “tự do thế giới.”
Có thể nói lúc này đây ông Trump đang tỏ ra quyết tâm hơn bao giờ hết với việc thâu tóm Greenland cho nước Mỹ. Và xem ra ông có thể thực hiện mong muốn đó một cách không quá khó khăn. Nếu không mua được thì Mỹ sẵn sàng dùng biện pháp quân sự. Còn nếu bị hét giá trên trời thì Mỹ cũng có thể dùng tới biện pháp quân sự, chẳng ai cản được.
Và cái lý lẽ mà ông Trump đưa ra để giành được Greenland xem ra rất có lý, đó là vì “nó liên quan đến tự do của cả thế giới, chứ không riêng gì Mỹ.”. Bởi việc Mỹ kiểm soát được Greenland sẽ gây khó cho Nga, và cả Trung Quốc, trong việc bành trướng ở Bắc Cực. Điều này rõ ràng không chỉ tốt cho Mỹ mà còn cho thế giới tự do.
Greenland vốn là vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, nằm gần Bắc Mỹ, giữa Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, và là hòn đảo lớn nhất thế giới. Là trung tâm cuộc chạy đua chiến lược giữa nhiều cường quốc nhằm mở rộng kiểm soát và ảnh hưởng quân sự ở Bắc Cực, Greenland có tầm quan trọng về kinh tế, địa chiến lược và trên hết là quân sự. Theo các chuyên gia quân sự, Greenland nằm khá gần Nga nên dễ trở thành bàn đạp lý tưởng cho đòn tấn công hạt nhân của Mỹ.
Nói thẳng ra, trong mắt ông Trump, Đan Mạch có đồ mà không biết xài và cũng không có năng lực để xài, thì nên để cho Mỹ xài. Đan Mạch không bán thì Mỹ vẫn sẽ có được Greenland. Đan Mạch muốn giữ cũng chẳng được. Thực ra vào lúc này, Đan Mạch dường như không có mấy quyền đối với Greenland. Chính nhà lãnh đạo của hòn đảo này là Mute Egede đã tuyên bố : “Greenland của người Greenland”!
Thủ Tướng Đan Mạch Mette Frederiksen dường như cũng hiểu điều đó nên trong cuộc điện đàm mới đây với ông Trump, bà đã không dám mạnh miệng. Người mạnh miệng chính là ông Trump.
Một điều đáng chú ý là trong khi tỏ quyết tâm sở hữu Greenland, ông Trump cho rằng đó “không chỉ vì nước Mỹ mà còn vì tự do của thế giới.” Nghĩa là trong trường hợp này, ông Trump, người luôn chủ trương “nước Mỹ trên hết,” đã không xem nước Mỹ là duy nhất quan trọng.
Nhìn chung, lý lẽ mà ông Trump đưa ra trong việc muốn giành Greenland cho nước Mỹ là khá thuyết phục. Chỉ là nó không thuyết phục được Nga hay Trung Quốc mà thôi!
2.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay ông ta không thấy dấu hiệu nào thể hiện rằng Ukraine hoặc Phương Tây sẵn sàng cho các cuộc hòa đàm.
Và ông Lavrov phàn nàn rằng Phương Tây vẫn tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine và có những động thái tựa như tối hậu thư với Nga. Trong khi đó, Tổng Thống Putin tuyên bố Nga sẵn sàng đàm phán với bất kỳ ai, kể cả ông Zelensky, về cuộc chiến ở Ukraine.
Về phần mình, Tổng Thống Trump nói ông sẵn sàng gặp ông Putin để bàn về kết thúc xung đột Nga-Ukraine. “Đây là một cuộc thảm sát. Hàng triệu sinh mạng đang bị lãng phí,” ông nói. Thế nhưng tới giờ này, Điện Kremlin cho biết họ vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ Washington về việc sắp xếp cuộc gặp giữa hai ông Putin và Trump, dù Nga đã phát đi tín hiệu sẵn sàng gặp mặt.
Có thể nói khi buông những lời đó, Moscow đã lộ ra mong muốn từ bấy lâu nay, là nước Nga không còn kham nổi hàng ngàn lệnh cấm vận ngặt nghèo mà Phương Tây áp đặt lên nước Nga, chưa kể lệnh cấm vận nặng nề nhằm vào ngành năng lượng Nga do cựu Tổng Thống Biden ban hành 10 ngày trước khi ông rời nhiệm sở.
Nói thẳng ra, Lúc này đây Moscow hơn bao giờ hết mong sớm có những cuộc đàm phán với Phương Tây để có thể thoát khỏi cuộc chiến Ukraine mà đã khiến Nga tổn hại nặng nề về mọi phương diện, từ quân sự tới kinh tế cũng như uy tín với thế giới. Moscow không thể cố đấm ăn xôi được nữa, dù rất muốn.
Việc Mỹ hay Phương Tây chưa đưa ra dấu hiệu nào rằng họ sẵn sàng đàm phán với Nga cho thấy Nga cần nhưng Phương Tây chưa vội. Và có thể hiểu rằng khi không tỏ ra vội vàng, hẳn Phương Tây muốn Moscow phải từ bỏ bộ mặt vênh váo và buộc sẽ phải ký vào một thỏa thuận với những điều khoản bất lợi cho Nga.