Francis và Leo XIV

Cố ĐGH Francis và ĐGH Leo XIV. (Hình minh họa: Vatican News)

Vậy là Hồng Y Robert Prevost đã trở thành vị Giáo Hoàng thứ 267 của Giáo Hội Công Giáo.

Cố Giáo Hoàng Francis là vị Giáo Hoàng thứ 266, và là Giáo Hoàng người Mỹ La tinh đầu tiên trong lịch sử. Và như thế Đức Leo XIV có thể được xem là vị Giáo Hoàng người Mỹ La tinh thứ hai trong lịch sử, vì ngoài quốc tịch Mỹ, ngài còn mang quốc tịch Peru.

Nếu sự qua đời của cố Giáo Hoàng Francis đem lại nỗi buồn cho Giáo Hội thì việc Hồng Y Robert Prevost trở thành tân Giáo Hoàng lại mang lại niềm vui. Người Mỹ vui, người Peru vui, cả Giáo Hội cùng vui. Hồng Y Robert Prevost từng không được coi là ứng viên hàng đầu khi Mật nghị Hồng Y bắt đầu. Thậm chí Hồng Y David từ Philippines nói trước đó còn không biết Hồng Y Robert Prevost là ai.

Cố Giáo Hoàng Francis được đánh giá là người khiêm nhường, quan tâm đến người nghèo và sẵn sàng đối thoại với các nhóm cộng động có tư tưởng, xuất thân và đức tin khác nhau. Sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, ngài thể hiện một tác phong giản dị trong quá trình làm việc hàng ngày, mặc áo lễ đơn giản hơn và từ chối mặc chiếc áo choàng sặc sỡ truyền thống dành cho Giáo Hoàng.

Còn tân Giáo Hoàng Leo XIV, sinh ra và lớn lên ở Mỹ, lại dành phần lớn cuộc đời phục vụ ở ngoại quốc, đặc biệt là Peru, nơi ngài từng là nhà truyền giáo, cha xứ, giảng viên thần học rồi thành giám mục. Ngài cũng nhập quốc tịch Peru và trở thành một phần không thể thiếu của Giáo Hội Công Giáo nước này. Gắn bó gần hai thập niên tại Peru, ngài sau đó đảm nhiệm vai trò lãnh đạo Dòng Thánh Augustino, đưa ngài đến với các cộng đoàn dòng tu khắp thế giới.

Giống như cố Giáo Hoàng Francis, Đức Leo XIV thể hiện cam kết với người nghèo. Trước khi được bầu làm Giáo Hoàng, ngài giữ chức Tổng Trưởng Bộ Giám mục, cơ quan quyền lực của Vatican phụ trách việc bổ nhiệm và giám sát các giám mục trên toàn cầu. Ngài từng nói: “Một giám mục không nên là tiểu vương chỉ biết ngồi trong vương quốc của mình.”

Nhìn chung, cả hai vị đều quan tâm tới người nghèo và xứng đáng nhận được sự kính yêu của toàn thể mọi người. Song về cuộc xung đột Nga-Ukraine thì hai vị lại có điểm khác biệt. Trong khi cố Giáo Hoàng Francis chưa bao giờ dùng từ “xâm lược” để gọi Nga và thậm chí còn để lại một ký ức không hay khi từng khuyên Ukraine nên “giương cờ trắng,” thì Đức Leo XIV đã thẳng thừng gọi Nga là xâm lược, là đế quốc: “Đây thực sự là cuộc xâm lược của chủ nghĩa đế quốc,” “Tôi mang trong lòng nỗi đau của nhân dân Ukraine yêu dấu.”

Tổng Thống Ukraine Zelensky cho biết Giáo Hoàng Leo XIV đã gọi điện cho ông  vào ngày 12 Tháng Năm, thảo luận về các đề xuất ngừng bắn. Đây được xem là cuộc điện đàm đầu tiên với một nhà lãnh đạo ngoại quốc của tân Giáo Hoàng Leo XIV. Điều này cho thấy  Đức Leo XIV rất quan tâm tới vấn đề Ukraine. Trong thông điệp đầu tiên trước đám đông tại Quảng trường Thánh Phê Rô, ngài kêu gọi một “nền hòa bình chân chính và lâu dài” tại Ukraine. Ngài cũng kêu gọi ngừng bắn ở Gaza và thả tất cả con tin Israel.

Khi Hồng Y Robert Prevost được bầu làm Giáo Hoàng, lãnh đạo nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã gởi lời chúc mừng tới tân Giáo Hoàng. Trong lời chúc mừng của mình, Tổng Thư lý Liên Hiệp Quốc là ông Antonio Guterres nhấn mạnh rằng thế giới đang cần những tiếng nói mạnh mẽ nhất cho hòa bình, công bằng xã hội, nhân phẩm và lòng trắc ẩn. Thiết nghĩ, Đức Leo XIV là vị Giáo Hoàng đáp ứng đủ các tiêu chí mà ông Tổng Thư ký LHQ mong muốn.

Liệu có sai không nếu cho rằng so với cố Giáo Hoàng Francis, thì tân Giáo Hoàng Leo XIV xứng đáng được đánh giá cao hơn về sự thẳng thắn trong vấn đề Ukraine?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo