1.
Quan hệ Trung-Triều từng vô cùng khắng khít, được xem là “môi hở răng lạnh.” Nhưng những năm gần đây, mối quan hệ này đang rạn nứt vì nhiều lý do.
Lý do đầu tiên, đó là Bắc Kinh ngày càng không hài lòng về các vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trước đây, khi chuẩn bị tiến hành một vụ thử hạt nhân, Bắc Hàn (Triều Tiên) luôn thông báo trước cho Trung Quốc. Thế nhưng Triều Tiên đã không làm điều này trong các vụ thử hạt nhân gần đây. Rõ là Triều Tiên đang xem thường “ông anh lớn.”
Nhiều người Trung Quốc xem Triều Tiên là một cục nợ. Trung Quốc có lý do để lo ngại trước nguy cơ có thêm một đối thủ được trang bị vũ khí hạt nhân ngay bên cạnh mình. Trung Quốc từng bỏ phiếu thông qua trừng phạt của Hội Đồng Bảo An LHQ đối với Triều Tiên sau các vụ thử hạt nhân của nước này. Có thể xem đó là lời nói thẳng của Bắc Kinh về sự không hài lòng đối với Bình Nhưỡng.
Ngược lại, việc Bình Nhưỡng tăng cường hợp tác với Nga được cho là cách Bình Nhưỡng bày tỏ bất mãn với Bắc Kinh. Người ta ghi nhận rằng kể từ khi lên nắm quyền, lãnh tụ Triều Tiên là Kim Jong Un chưa từng tới thăm Trung Quốc. Trong khi đó, Chủ Tịch Tập Cận Bình không ghé Triều Tiên trong chuyến công du nhiều nước Á châu năm 2014. Theo KCNA, hãng thông tấn Trung Ương Triều Tiên, mới đây Chủ tịch Kim Jong Un gởi lời chúc mừng sinh nhật tới Tổng Thống Putin, gọi ông là “người đồng chí thân thiết nhất.” Mà như thế thì Kim Jong Un không còn xem ông Tập Cận Bình là đồng chí thân thiết nhất nữa!
Chắc chắn rằng trước mối quan hệ Nga-Triều ngày càng thắm thiết, Trung Quốc đâu chỉ khó chịu với Triều Tiên, mà còn khó chịu cả với Nga. Quan hệ Nga- Trung hiện tại dù được hai nước ca ngợi là “vô cùng tốt đẹp,” song nhiều người tin rằng cái sự tốt đẹp đó chỉ tồn tại ở đằng mồm mà thôi. Có nhiều điều Trung Quốc không hài lòng với Nga, chỉ là chưa nói thẳng ra mà thôi!
Chẳng hạn như về các cuộc biểu tình của phe đối lập ở Kazakhstan năm 2022, việc Nga nhanh chóng triển khai quân để dập tắt biểu tình khiến Trung Quốc cảm thấy mình không được Nga tôn trọng. Bởi Trung Quốc, Nga và Kazakhstan đều là thành viên của SCO (Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải). Nhưng CSTO (Tổ Chức Hiệp Ước An Ninh Tập Thể) do Nga lãnh đạo đã bỏ qua SCO khiến Trung Quốc bất lực trong việc can thiệp. Chỉ với việc siết chặt quan hệ với Triều Tiên, thì Nga đã tỏ ra xem thường Trung Quốc, nước đang hỗ trợ Nga khá nhiều trong cuộc xâm lược Ukraine, dù là một cách gián tiếp.
Nhiều người tin rằng mối quan hệ “tốt đẹp” giữa Nga và Trung Quốc sẽ không kéo dài được lâu, và rằng không sớm thì muộn, Bắc Kinh sẽ động binh để chiếm lại các vùng lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc mà Thanh Triều đã nhượng cho Nga vào thế kỷ 19.
Nga đánh Ukraine vì vấn đề lãnh thổ thì Trung Quốc cũng có thể đánh Nga vì vấn đề lãnh thổ.
2.
Theo nhận định mới nhất của CIA, Nga muốn ông Donald Trump trở thành tổng thống mới của Mỹ, Iran muốn thấy bà Kamala Harris chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 5 Tháng Mười Một tới. Trong khi đó, CIA đánh giá rằng Trung Quốc không tìm cách tác động tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Nhận định này của CIA xem ra không có gì mới mẻ và không có gì khó hiểu. Nga thích ông Trump vì quan điểm của ông ta về xung đột Nga-Ukraine phù hợp với lập trường của Nga. Iran thích bà Harris vì bà cũng như ông Biden đều không muốn Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Còn đối với Bắc Kinh, ông Trump hay bà Harris là người thắng thì cũng không có ảnh hưởng gì mấy tới quan hệ Mỹ-Trung.
Dù Moscow tuyên bố không có sự phân biệt nào đối với hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, nhưng ai cũng tin rằng Moscow đứng đằng sau âm mưu giúp ông Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc.
Có thể nói khả năng chiến thắng của bà Harris và ông Trump lúc này là bằng nhau, 50-50.
Nhà sử học Allan Lichtman cho rằng bà Harris sẽ là tổng thống kể tiếp của nước Mỹ. Nếu lần này ông cũng đoán đúng như các lần trước, thì ông xứng đáng với biệt danh “nhà tiên tri.” Nhưng nếu đoán sai, nhiều khả năng ông sẽ bị úp lên đầu nhiều thúng cà chua bởi những người vì tin ông mà đặt cược cho bà Harris!