1.
Với tư cách là phó tổng thống kiêm chủ tịch Thượng Viện, bà Kamala Harris chủ trì phiên họp kiểm phiếu đại cử tri, và đã gõ búa xác nhận chiến thắng của ông Donald Trump, cũng như thất bại của chính mình.
Người ta nhận thấy trong quá trình chủ trì cuộc họp, bà Harris luôn tỏ ra vui vẻ trong khi trao đổi với Chủ Tịch Hạ Viện Mike Johnson.
Người ta cũng ghi nhận rằng cuộc họp Quốc Hội xác nhận phiếu đại cử tri năm nay đã diễn ra tốt đẹp, ngược với 4 năm trước: Trong khi ông Mike Pence đang chủ trì phiên họp chứng nhận cho ông Joe Biden, rất nhiều người ủng hộ ông Trump làm náo loạn Đồi Capitol. Cuộc náo loạn này được nhiều người tin là do ông Trump đứng đằng sau giật dây.
Có thể nói với thái độ vui vẻ, lịch sự, bà Harris đã tỏ ra là một phụ nữ rất đáng ca ngợi, biết chấp nhận thua một cách văn minh. Cuộc chơi nào cũng có thắng, có thua. Nhiều khi chính trong khi thua mà người ta cho mọi người thấy mình là người quân tử hay kẻ tiểu nhân. Có lẽ ông Trump sẽ phải suy nghĩ nhiều về thái độ “fair play” của bà Harris, cũng như về hành động của chính mình 4 năm trước.
Với sự “fair play” của mình, hẳn bà Harris đã ghi điểm đối với những người Mỹ từng không ủng hộ bà trong cuộc chay đua vào Tòa bạch Ốc vừa qua. Theo kết quả thăm dò mới nhất của Puck News, 41% cử tri tiềm năng của phe Dân Chủ ủng hộ bà Harris trở thành ứng viên đại diện cho đảng tranh cử tổng thống năm 2028. Còn Thống Đốc Gavin Newsom của California đứng thứ hai chỉ với 8%.
Rất có thể 4 năm nữa, khi ông Trump về vườn, bà Harris sẽ trở thành tổng thống thứ 48 của nước Mỹ. Ông Trump thua vào năm 2020 nhưng lại thắng vào năm 2024. Bà Harris thua năm 2024, nhưng có thể thắng năm 2028.
Bà Harris cũng đang được cho là có nhiều khả năng trở thành thống đốc California vào năm 2026, khi ông Gavin Newsom rời nhiệm sở. Nghĩa là nếu đường đời suôn sẻ, sau thời gian làm thống đốc California, bà Harris sẽ tranh cử và trở thành tổng thống của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Tuyệt vời quá còn gì!
Xin chúc mừng ông Donald Trump trở thành tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Xin chúc bà Harris sẽ thành công trong cuộc bầu cử tổng thống 4 năm tới, nếu bà vẫn còn nuôi ý định trở thành chủ nhân Tòa Bạch Ốc.
Thua keo này, bày keo khác. Đời không bao giờ là quá muộn, nhất là khi bà Harris vẫn còn quá trẻ so với ông già Joe Biden!
2.
Ngày 6 Tháng Giêng năm 2025, sau khi chính phủ chuyển tiếp của Syria kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Damascus nhằm giúp nước này sớm hồi phục sau thời gian dài bị chiến tranh tàn phá, Mỹ đã tuyên bố sẽ nới lỏng lệnh trừng phạt đối với một số hoạt động ở Syria trong 6 tháng tới nhằm tạo điều kiện để người dân Syria tiếp cận các dịch vụ cơ bản.
Tại sao Washington không dỡ bỏ ngay tức khắc tất cả các lệnh trừng phạt chống Syria mà lại nới lỏng? Đó là vì, theo tuyên bố mới nhất của Washington, Mỹ còn phải quan sát và chờ đợi chính quyền lâm thời của Syria thực hiện những lời cam kết của họ. Cụ thể là chính quyền này, đứng đầu là Ahmed al-Sharaa, đã hứa sẽ không để các nhóm khủng bố gây ra mối đe dọa trong và ngoài Syria, bao gồm cả Mỹ và các đối tác trong khu vực.
Một điều nữa, Mỹ đang muốn chính quyền non trẻ ở Syria phải có cách tiếp cận thận trọng với lực lượng SDF do người Kurd lãnh đạo và được Mỹ ủng hộ, cũng như đối với các vùng lãnh thổ mà SDF kiểm soát. Bởi chính quyền này cũng từng cam kết sẽ tôn trọng tất cả các nhóm sắc tộc và phe phái chính trị của Syria, đồng thời sẽ trao quyền kiểm soát cho một chế độ dân sự.
Tóm lại, Mỹ có dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Syria hay không là tùy thuộc vào chính quyền lâm thời của Syria có nghiêm túc thực hiện các cam kết của họ hay không. Rõ ràng Mỹ có lý do chính đáng để không vội hủy bỏ các lệnh trừng phạt đối với Syria, dẫu nước này vừa thoát khỏi chế độ độc tài Assad và trên mình còn đầy thương tích của chiến tranh.
Không chỉ Washington mà tất cả những ai quan tâm tới Syria đều đang chờ đợi chính quyền lâm thời của Syria thực hiện các cam kết của mình.