Ngày 14 Tháng Giêng 2025, tức vài ngày trước khi rời nhiệm sở, cựu Tổng Thống Mỹ Joe Biden đã đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố để đổi lấy việc Cuba trả tự do cho 553 tù nhân chính trị. Thỏa thuận này do Tòa Thánh Vatican làm trung gian.
Thế nhưng chỉ một tuần sau khi nhậm chức, tân Tổng Thống Donald Trump đã hủy bỏ thỏa thuận đó, đồng thời tái áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Cuba.
Những tưởng 553 tù nhân kia sẽ phải tiếp tục sống trong cảnh giam cầm. Nhưng không, chính quyền Cuba vẫn thực hiện việc phóng thích họ. Bắt đầu từ Tháng Hai, việc trả tự do cho 553 tù nhân đã được Cuba hoàn tất vào giữa Tháng Ba. La Habana cho rằng việc này phản ánh “tính nhân đạo của hệ thống tư pháp Cuba.”
Hẳn sẽ có người nói Cuba thả 553 tù nhân chẳng phải vì lòng tử tế, mà là vì nước này đang thiếu thốn lương thực, không còn đủ sức nuôi họ. Điều này có thể không sai nhưng nói gì thì nói, việc trả tự do cho hàng trăm tù nhân lương tâm vẫn là một bước đi tích cực và khôn khéo của nhà cầm quyền Cuba. Qua đó, La Habana muốn cho thế giới thấy họ là bên có thiện chí, còn Mỹ là bên thiếu thiện chí. Rất có thể trước thiện chí của La Habana, Washington sẽ nới lỏng trừng phạt với Cuba, dù chưa loại bỏ nước này khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố.
Điều thú vị ở đây chính là việc 553 tù nhân kia được phóng thích lại không còn là chuyện giữa Mỹ với Cuba, mà là chuyện giữa Vatican với Cuba. Nghĩa là Vatican ban đầu giữ vai trò trung gian, nhưng sau lại trở thành vai chính. Sự việc này cho thấy vai trò đáng kể của Vatican trong thế giới ngày nay. Điều này có công lớn của cố Giáo Hoàng John Paul II.
Là vị Giáo Hoàng đầu tiên không phải người Ý kể từ hơn 400 năm qua, John Paul II đã chu du nhiều nước trên thế giới từ Âu sang Á, từ Mỹ sang Phi… với quan điểm là mang tình yêu Thiên Chúa đến rộng khắp nơi nơi. Trong tinh thần đó, ông còn đến tận Cuba vào năm 1998, trong khi đảo quốc theo chế độ cộng sản ở vùng Caribe này vẫn đang bị áp đặt lệnh cấm vận nặng nề của Mỹ. Trước khi thực hiện chuyến thăm này, Giáo Hoàng John Paul II đã gặp sự chống đối đến từ một số chính trị gia Phương Tây, thậm chí ngay từ trong Giáo Hội. Với chuyến thăm lịch sử của mình tới Cuba, Giáo Hoàng John Paul II đã đặt dấu mốc quan trọng trong phát triển quan hệ giữa Cuba và Tòa Thánh Vatican.
Ngày nay nhiều sử gia cho rằng chính sự lớn mạnh của đạo Cơ Đốc đã góp phần vào sự sụp đổ của đế quốc La Mã vì đạo này dạy không được giết người và mọi người phải xem nhau như anh em. Như vậy, ngay từ thuở đầu, Giáo Hội Cơ Đốc đã có một vai trò chính trị đối với sự phát triển của thế giới và dìu dắt nhân loại trên con đường hướng thiện.
Giáo Hoàng John Paul II từng nói rằng nếu làm chính trị là mang lại công bằng, bác ái cho con người thì ông cũng là một nhà chính trị. Nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev gọi John Paul II là nhà chính trị vĩ đại, hiểu theo nghĩa tốt đẹp nhất của từ này.
Ngày nay, trước một thế giới đang chuyển biến phức tạp đặt ra nhiều vấn đề nan giải, Vatican đang cố tìm cho mình một hướng đi thích hợp để Giáo Hội có thể đứng vững trước mọi thử thách, và để mãi là chỗ dựa vững chắc không chỉ cho hàng tỷ tín đồ Công Giáo, mà còn cho tất cả những ai quan tâm tới vận mệnh của thế giới mà bức tranh toàn cảnh của nó hiện không lấy gì là sáng sủa.