Báo cáo bán niên soát xét năm 2024 của Vingroup vừa được công bố gần đây đã hé lộ một thông tin đáng chú ý tại phần thuyết trình số 26. Cụ thể, tập đoàn này đang phải đối mặt với áp lực bổ sung tài sản đảm bảo (TSĐB) cho các khoản vay hợp vốn trị giá hơn 26,700 tỷ VNĐ. Nguyên nhân là do tỷ lệ giá trị TSĐB hiện tại không đáp ứng các điều khoản đã được thỏa thuận trong hợp đồng vay tại thời điểm cuối quý II/2024.
Danh mục TSĐB của Vingroup khá đa dạng, bao gồm hàng tồn kho, tài sản cố định hữu hình, bất động sản, dự án đang xây dựng, lợi tức gắn liền với hàng tồn kho, số dư tài khoản dự phòng trả nợ tại Ngân hàng nước ngoài, và cả cổ phiếu của một số công ty con.
Mặc dù Vingroup không tiết lộ chi tiết điều khoản vay vốn, nhưng có khả năng rằng cổ phiếu VHM – công ty con có lợi nhuận cao và sở hữu cổ phiếu có giá trị thị trường lớn nhất tập đoàn – đã được sử dụng làm tài sản đảm bảo. Chính việc giá cổ phiếu VHM liên tục giảm mạnh đã khiến tỷ lệ giá trị tài sản đảm bảo không đạt yêu cầu, buộc Vingroup phải tìm cách bổ sung giá trị TSĐB.
Động thái công bố mua lại 370 triệu cổ phiếu quỹ VHM của Vinhomes gần đây có thể là một nỗ lực bổ sung giá trị TSĐB của Vingroup, nhằm đảm bảo tuân thủ các điều khoản vay vốn. Bằng cách công bố mua lại cổ phiếu quỹ, Vingroup đã tạo hiệu ứng đám đông sợ bỏ lỡ (FOMO) trên thị trường, qua đó “lái” dòng tiền, đẩy giá cổ phiếu VHM tăng 19%. Sự tăng giá này giúp phần nào gia tăng giá trị TSĐB, hỗ trợ Vingroup trong quá trình hoàn tất thủ tục bổ sung.
Tuy nhiên, kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ này vẫn cần sự chấp thuận từ Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước, tức là tập đoàn vẫn đang phải “hoàn tất các thủ tục hành chính với cơ quan” để bổ sung TSĐB, nhằm đảm bảo tuân thủ các điều khoản vay vốn.
Dấu hỏi nghi ngờ về khả năng mua lại hết 370 triệu cổ phiếu quỹ VHM của Vinhomes
Trong động thái Vinhomes lẫn VinGroup đã liên tiếp tung ra các thông tin về nguồn quỹ để mua lại cổ phiếu nhằm củng cổ niềm tin cho nhà đầu tư rằng VinGroup có đủ tiền để mua lại 370 triệu cổ phiếu quỹ VHM trước những thông tin lo ngại về khả năng tài chính của công ty cho kế hoạch này.
Đầu tiên, vào cuối tháng 8, Vinhomes công bố sẽ dùng 146,584 tỷ VNĐ lợi nhuận chưa phân phối để mua lại cổ phiếu quỹ. Mặc dù con số này nghe có vẻ ấn tượng, nhưng cần hiểu rõ rằng “lợi nhuận chưa phân phối” chỉ là một chỉ số kế toán, phản ánh phần lợi nhuận tích lũy chưa được chia cho cổ đông.
Việc Vinhomes công bố sử dụng khoản tiền này chỉ đơn giản là ghi nhận trên sổ sách kế toán, thể hiện ý định dùng số tiền đó để mua cổ phiếu quỹ theo quy định của Luật Chứng khoán 2019. Tuy nhiên, lợi nhuận chưa phân phối không có nghĩa là Vinhomes đang nắm giữ số tiền mặt tương ứng. Nó chỉ là tổng lợi nhuận tích lũy từ hoạt động kinh doanh mà công ty chưa chia cổ tức hoặc sử dụng trực tiếp cho đầu tư.
Trên thực tế, Vinhomes có thể sử dụng phần lớn khoản lợi nhuận chưa phân phối này cho nhiều mục đích khác, chẳng hạn như tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh, trả nợ, hoặc đầu tư vào tài sản khác.
Vấn đề cốt lõi là để mua lại cổ phiếu, Vinhomes cần tiền mặt. Tính đến cuối Tháng Sáu 2024, tổng giá trị tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn có thể thanh khoản ngay của VinGroup chỉ khoảng 30,000 tỷ VNĐ.
Hãy hình dung đơn giản: Bạn kiếm được 100 triệu từ kinh doanh (lợi nhuận). Sau đó, bạn mua xe máy hết 70 triệu. Lúc này, bạn chỉ còn 30 triệu tiền mặt, nhưng lợi nhuận vẫn là 100 triệu. Muốn sử dụng hết 100 triệu lợi nhuận, bạn phải bán xe máy đi.
Tương tự, Vinhomes “hứa” dùng 146,584 tỷ VNĐ để mua cổ phiếu, nhưng thực tế chỉ có 30,000 tỷ VNĐ tiền mặt. Khả năng mua lại cổ phiếu của Vinhomes phụ thuộc vào 30,000 tỷ này, chứ không phải con số lợi nhuận chưa phân phối kia.
Trong khi đó, nếu mua hết 370 triệu cổ phiếu quỹ VHM với mức giá 41,500 VNĐ mỗi cổ phiếu vào ngày 1 Tháng Chín 2024, VinGroup sẽ phải chi ra hơn 15,300 tỷ VNĐ, tương đương hơn 50% tổng tài sản thanh khoản hiện có. Điều này đặt ra câu hỏi về khả năng tài chính của VinGroup trong việc thực hiện thương vụ mua lại này, đặc biệt là trong bối cảnh tập đoàn đang cần nguồn lực lớn để triển khai dự án Vinhomes Vũ Yên và hàng loạt dự án khác được quảng cáo là “đất sạch.”
Sau đó, trong cuộc trao đổi vào đầu Tháng Chín của khối Quan hệ Nhà đầu tư (IR) Vinhomes với các quỹ đầu tư, cổ đông lớn và công ty chứng khoán, Vinhomes khẳng định kế hoạch mua lại cổ phiếu sẽ được tài trợ bằng tiền mặt có sẵn và dòng tiền hoạt động đến từ doanh thu bán sỉ dự án Vũ Yên và các giao dịch bán lô lớn trong nửa cuối năm 2024 (ước tính đạt 40.000 tỷ VNĐ). Bên cạnh đó, Vinhomes còn kỳ vọng vào nguồn thu từ việc mở bán phân khu thấp tầng dự án Cổ Loa vào cuối năm, sau khi hoàn tất đàm phán chuyển nhượng phân khu cao tầng cho đối tác để rút ngắn thời gian đầu tư và thu hồi vốn nhanh hơn.
Kế hoạch mua lại 370 triệu cổ phiếu quỹ VHM đã được cổ đông Vinhomes thông qua, một kết quả được dự đoán trước bởi 70% cổ phần công ty nằm trong tay các cổ đông nội bộ. Việc lấy ý kiến cổ đông vì vậy chỉ mang tính hình thức. Hiện tại, Vinhomes đang chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt theo quy trình 7 ngày làm việc. Dự kiến, quá trình mua lại cổ phiếu quỹ sẽ bắt đầu vào giữa Tháng Chín 2024.
Tuy nhiên, những tuyên bố về nguồn tiền mà VinGroup dự kiến sử dụng để mua lại 370 triệu cổ phiếu quỹ VHM chỉ mang tính chất dự kiến, chưa có gì đảm bảo việc mua lại sẽ được thực hiện trọn vẹn, thậm chí có thể xem là “đếm cua trong lỗ.”
Điều này khiến nhiều người nghi ngờ về tính khả thi của kế hoạch, đặc biệt trong bối cảnh VinGroup đang rất cần nguồn doanh thu từ các dự án Vũ Yên và Cổ Loa để cải thiện tình hình tài chính, “đốt tiền” cho VinFast và chi trả cho chi phí xây dựng dự án Vinhomes Royal Island tại Vũ Yên, Hải Phòng. Việc tập đoàn sử dụng phần lớn doanh thu quý cuối năm chỉ để mua lại cổ phiếu quỹ VHM – một hoạt động mang lại lợi ích không đáng kể cho cổ đông – là điều khó có thể xảy ra.
Có thể thấy, nhiều khả năng động thái công bố mua lại cổ phiếu quỹ của VinGroup chỉ là một màn kịch “tung hỏa mù”, nhằm mục đích đẩy giá VHM lên và tăng giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay thế chấp bằng cổ phiếu này, đặc biệt trong bối cảnh giá VHM đang liên tục lao dốc.”
Thực tế, không loại trừ khả năng chỉ sau một tháng, Vinhomes sẽ tuyên bố không thể mua đủ 370 triệu cổ phiếu như kế hoạch ban đầu. Công ty có thể công bố chỉ mua một lượng nhỏ, thậm chí không mua cổ phiếu nào, với lý do quen thuộc “điều kiện thị trường không cho phép”. Lý do này có thể được hiểu là giá cổ phiếu VHM đã tăng quá cao so với mức giá mà Vinhomes dự kiến mua vào, khiến thương vụ trở nên kém hấp dẫn hoặc vượt quá khả năng tài chính của tập đoàn. Lúc đó, thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ này sẽ trở thành trò hề của ông Vượng dành cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Từ việc dùng thủ thuật bán công ty vỏ bọc để “xào nấu” doanh thu, tung tin mua cổ phiếu quỹ để cứu khoản vay thế chấp, đến việc phải xoay xở đảo nợ để tất toán các khoản vay trái phiếu quốc tế, tất cả đều cho thấy VinGroup đang gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính. Thêm vào đó, VinGroup còn đang vướng phải nhiều đơn kiện lừa đảo từ phía nhà đầu tư liên quan đến các dự án Vinhomes Ocean Park Hà Nội và Vinhomes Grand World Phú Quốc, khi tập đoàn bị tố cáo chuyển nhượng trái phép công trình xây dựng trên đất thương mại dịch vụ và công cộng.
Hàng loạt sự kiện này cho thấy tình hình của VinGroup đang rất xấu, đẩy tập đoàn đến bờ vực vỡ nợ và dấy lên câu hỏi, khi nào Đảng CSVN mới “sờ gáy” ông Phạm Nhật Vượng.