Chuyện bình thường nhà người ta, hóa ra chuyện ‘pháo hoa’ nhà mình

Chiếc xe cứu thương chạy qua dòng người đông đúc đang xem pháo hoa trên cầu sông Hàn đêm 8 Tháng Bảy làm nhiều người “cảm động” – Ảnh chụp màn hình video

Ngày 8 Tháng Bảy, báo Tuổi Trẻ Online đang bản tin “Dòng người xem pháo hoa nhường đường xe cứu thương qua cầu sông Hàn” ca ngợi hành động đẹp đẽ của người dân Đà Nẵng khi “chủ động dạt ra hai bên nhường đường chuyển bệnh nhân” cho một chiếc xe cứu thương.

Bản tin ghi nhận:

“Lúc 21h30 khi phần trình diễn của đội thi thứ 2 là đội pháo hoa nước Pháp bước vào cao trào, sắp kết thúc thì có một xe cứu thương chạy lên cầu sông Hàn từ phía quận Sơn Trà hướng về quận Hải Châu.

Trên xe đang vận chuyển bệnh nhân, lái xe mở còi hú liên tục xin đường. Lúc này trên cầu sông Hàn đang chật ních du khách đứng xem pháo hoa. Khi trông thấy xe cứu thương hú còi, dòng người đông đúc đã nhanh chóng dạt ra hai bên nhường đường.

Nhờ vậy, chiếc xe cứu thương chở bệnh nhân đã di chuyển nhanh chóng hướng về bệnh viện, không làm chậm trễ thời gian cứu người”.

Nhờ nhóm thanh niên chạy trước dẫn đường, kêu gọi mọi người dạt ra, xe cứu thương mới có đường di chuyển – Ảnh chụp màn hình video

Theo báo Tuổi Trẻ, chứng kiến “khoảnh khắc đầy tính nhân bản” ấy, nhiều người “bày tỏ ấn tượng và khen ngợi trước sự phối hợp của du khách”. Chắc cũng có người cảm động bật… khóc, vì từ nhỏ tới lớn, họ chưa bao giờ thấy người ta nhường đường cho xe cứu thương bao giờ, và bản thân họ cũng là lần đầu tiên “được” nhường đường.

Tuy là thế, nhưng có một người dân Đà Nẵng viết một câu bình luận “phũ phàng” lắm trên trang Tuổi Trẻ Online: “Không tránh cũng không được, bởi đi bộ thì tản qua hai bên thôi chứ có phải ngồi trên ô tô, xe máy đâu mà đứng đâu đứng y chỗ”.

Thực ra đâu cần nói thẳng ra như thế cho buồn lòng nhau? Xem video clip ai cũng thấy dù trên cầu sông Hàn đông đúc, nhưng là người đi bộ, họ chỉ cần dạt ra hai bên là có đường thôi. Chứ nếu tất cả đều đi xe máy thì xe cứu thương có hú còi tới sáng thì may ra mới có đường.

Thế nên cứ để cho họ “tự sướng” một chút cũng chẳng sao. Hãy để cho họ hãnh diện, “tự hào dân tộc” khi chứng kiến “khoảnh khắc đẹp đẽ” ấy.

Chị Thanh Hà, một du khách ở Hà Nội và Đà Nẵng chơi, nói với phóng viên báo Tuổi Trẻ rằng chị bồi hồi xúc động lắm ngay khi nhìn thấy xe cứu thương nháy đèn lên cầu, chị đã rất lo lắng vì nghĩ sẽ bị mắc kẹt trên cầu bởi dòng người đang đứng quá đông.

Tuy nhiên khi thấy chiếc xe tiến nhanh qua trong sự phối hợp nhường đường của mọi người thì chị rất vui và ấn tượng. Bản thân chị Hà cùng gia đình cũng nhanh chóng dạt vào lề nhường đường cho xe di chuyển tiếp.

Chị Thanh Hà có vẻ rất ngạc nhiên, chắc vì ở Hà Nội xe cứu thương chở bệnh nhân đi cấp cứu, gặp cảnh kẹt xe mà cứ bóp còi ầm ĩ sẽ bị đập móp hông xe kèm theo lời chửi tục, chứ nói chi đến chuyện nhường đường.

Một xe cấp cứu “không lối thoát” khi lưu thông trên đường phố Sài Gòn – Ảnh: Tuổi Trẻ

Ở miền Nam tình hình cũng chẳng khá hơn bao nhiêu. Sau 1975, nền giáo dục XHCN tràn từ miền Bắc vào cũng tạo ra những thế hệ dửng dưng trước những chiếc xe cứu thương đang làm nhiệm vụ cứu người khẩn cấp trên đường phố. Không ít trường hợp, chẳng những tai không nghe tiếng còi hụ, mắt không nhìn thấy ánh đèn cứu thương chớp liên tục xin nhường đường, có người còn cố chạy lên ngáng đường xe cứu thương để chạy nhanh tới quán bạn bè đang chờ… nhậu!

Nếu giới trẻ ngày nay được thừa hưởng nền giáo dục của miền nam trước năm 1975, thì chắc chúng sẽ thấy chuyện nhường đường cho xe ưu tiên (xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe cảnh sát làm nhiệm vụ) là chuyện bình thường, chẳng cần phải “bắn pháo hoa” ăn mừng, hay khóc tức tưởi vì cảm động.

Không ít trường hợp chẳng những “phớt lờ” quy định, mà còn thể hiện thái độ tiêu cực khi… “ngáng đường” xe ưu tiên – Ảnh: Tuổi Trẻ

Cũng trên báo Tuổi Trẻ, độc giả MaiSG – nếu không là dân Sài Gòn xưa thì cũng là dân miền Nam – nhớ lại chuyện xưa như sau:

“Ngày trước khi tôi còn nhỏ được ba chở đi ngoài đường. Khi nghe có tiếng còi hụ sau lưng (xe cứu hỏa, cứu thương) thì lập tức ba tôi sẽ chạy dạt vô bên lề, dừng lại và chờ xe hụ còi đi qua rồi mới chạy tiếp và hầu hết những người đi đường khác cũng đều hành động như vậy. Sau này khi tôi lớn, học bằng lái xe máy cũng được dạy là phải nhường đường cho xe ưu tiên. Tôi vẫn nhớ hình ảnh ngày xưa của ba và lời dạy ở trường nhưng thú thật bây giờ rất khó để thực hiện điều đó, vì đường không đủ chỗ để di chuyển thông thường thì lấy đâu ra chỗ trống để tấp xe vô lề mà nhường đường?”

Thực ra, lấy số lượng xe ngày càng tăng, đường xá chật cứng làm lý do không thể nhường đường cho xe cứu thương, xe cứu hỏa chỉ mang tính “chữa cháy”. Lý do đó chỉ làm rõ hơn thực trạng của nền giáo dục, lối sống ích kỷ, luật pháp không nghiêm mà thôi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: