Chuyện ông Cờ: ‘Thằng có số hưởng…’

Trụ sở xã Thạch Long nơi ông Cờ công tác – Minh họa: VTC

Ở xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), bà Lờ có chồng là ông Cờ. Ông Cờ là công chức địa chính xã.

Lấy nhau từ năm 2013, đã có chung với nhau hai mặt con, nên bà Lờ chẳng còn mặn mà nữa, thêm lo cho mấy đứa con, gia đình nội ngoại, nên nhan sắc cũng phai nhạt nhiều. Ông Cờ là công chức cộng sản, “sáng cắp ô đi, chiều cắp về”, buổi trưa ghé vài nơi đo đạt đất đai theo hồ sơ, cũng được nhiều người mời cơm rượu, thêm chút tiền xe để đo đạt cho đúng, đừng đo hụt đất của họ tội nghiệp, nếu có đo dôi ra chút đất nữa thì… tính riêng.

Một đằng sấp mặt lo cho con cái nhà cửa, một đằng áo quần bảnh bảo đi “khám điền thổ” mỗi ngày nên cả hai vợ chồng Lờ – Cờ ngày càng thêm xa cách, ông Cờ thiếu đi chuyện chăm sóc bà Lờ như xưa.

Chính điều này làm cho bà Lờ nghi ngờ. Với thính giác nhạy bén của phụ nữ, chỉ cần đi ngang qua ông Cờ là bà Lờ phát hiện ngay mùi người đàn bà khác vướng trên cổ áo, tay áo, và cả trên… quần ông Cờ. Ghê gớm thật chứ không phải đùa.

Thế nên bà rắp tâm theo dõi và dễ dàng bắt quả tang ông Cờ “tò te tú tí” với một em “má đỏ môi hồng”. Nhìn thấy mình càng ngày càng tàn tạ, chân chim đầy khóe mắt, má teo tóp vì gãy mấy cái răng hàm bên trong, ngực đeo hai trái mướp già phẳng phiu,… bà Lờ cảm thương cho số phận của mình, nhưng cũng thương cho chồng. Bà nghĩ: “Mình nhìn mình còn gớm, nói chi ổng. Thôi ổng còn sức thì cứ để ổng ra ngoài ‘tò te tú tí’ một chút cho vui”. Với lại dù sao ổng cũng là đảng viên, sau này còn có cơ hội lên bí thư, bà cũng nở mày nở mặt.

Nghĩ thế nên bà Lờ cũng lờ đi, xem như không nghe, không biết, không thấy. Thế nhưng ông Cờ “được đằng chân, lân đằng đầu”, trước đây ông chỉ tính vui chơi, giải quyết sinh lý thôi, nhưng trong lần đi khám điền thổ, ông Cờ gặp một em má lún đồng tiền, miệng đỏ như son, chúm cha chúm chím, làm ông mê mẩn hết cả người.

Em này cũng tên Lờ, nhưng mà Lờ-an Lan. “Tên đẹp thế chứ không như vợ mình, tên gì chỉ có ‘lờ’ thôi, chẳng có gì phía sau cả”. Ông Cờ nghĩ thế, rồi nghĩ đến tên mình. Cha ông đặt tên ông là Cu cho dễ nuôi. Mà dễ nuôi thật. Ông nhớ hồi đó trong cái xóm nhỏ nhà ông, có nhiều con trai lắm, nhưng chỉ có ông là được mấy chị, mấy cô gọi lại cho kẹo để “nghịch” cái tên của ông, làm cho ông vừa thấy thích, lại vừa có kẹo ngậm. Mấy cô không chồng, mấy chị chửa người yêu cứ thích nghịch thế cho đến ngày họ nhận thấy giọng ông vỡ ra thì thôi, đi tìm thằng cu khác cho kẹo.

Chắc nhờ vậy mà lớn lên, ông Cờ “máu” lắm. Để tránh tiếng, khi gia nhập đảng ông xin bỏ tên Cu, tổ chức cho phép ông lấy tên Cờ.

Quan phụ mẫu đi khám điền thổ khi xưa – Minh họa: VTV9 Sắc Màu

Trở lại chuyện ông Cu, giờ trở thành ông Cờ, vừa đi khám điền thổ, vừa tranh thủ ăn chút “chả tươi” (trong câu “ông ăn chả, bà ăn nem”) mỗi khi có dịp. Ông tính ăn gì thì ăn, nhưng không để lại dấu vết, nhưng hôm đó hứng tình thế nào ông lại quên béng cái vụ “bảo hiểm”. Chín tháng sau người tình của ông đẻ ra đứa con, có người nói ông coi chừng có người ăn ốc bắt ông đổ vỏ, vì bà người tình này của ông Cờ cũng thuộc loại “chằn ăn, trăn quấn”. Ông cười khà khà… nói, không cần đi xét nghiệm DNA cũng biết là con ông, vì nó giống ông như tạc. “Tốt củ hơn tốt nước sơn, tin tao đi”, ông Cờ nói với mấy người bạn trong bàn nhậu như thế.

Từ khi có con riêng với người tình, ông Cờ bắt đầu thường xuyên bỏ bê gia đình, không quan tâm tới con cái. Bà Lờ viết thế trong đơn tố cáo gởi lên xã, lên huyện, rồi gởi luôn lên tòa nhờ phán xử.

Ông Nguyễn Đình Bờ, Chủ tịch UBND xã Thạch Long (nơi ông Cờ công tác) xác nhận, đã nhận được đơn thư tố cáo của bà Lờ. Ông Bờ nói ông cũng nghe dư luận đồn đãi mấy vụ “khám điền thổ” của ông Cờ dữ lắm, nhưng chưa lần nào đi chung nên không biết. Ông Bờ nghĩ bụng, “mấy lần nó rủ đi mà cứ lần lữa hoài, tiếc quá!” rồi nuốt nước miếng cái ực, rõ to.

Giờ ông sẽ cho xác minh, để câu giờ với bà Lờ, rồi hỏi ý cấp trên muốn quyết thế nào ông sẽ theo đó mà làm, chứ ở dưới xã toàn anh em không, xử nặng ông Cờ, anh em khác lại… tâm tư, lỡ mai sau đến lượt mình bị xử thì sao!

Bà Lờ không chịu, nói việc rõ mười mươi rồi còn điều tra, xác minh cái gì nữa, “bộ ông tính bao che hả? Tui thưa ông luôn”, làm ông Bờ xách dép chạy mất.

Thực ra, ông Bờ cũng đã hỏi ông Cờ rồi, ông Cờ xác nhận ổng có “gần gũi với một số người, nhưng đó là vì tính chất công việc thôi”. Ông Bờ nghĩ cũng đúng, đôi khi công việc phải linh động, như đi đo đạc đất để mua bán, sang tên, đo cho người ta thêm một rẻo đất hoang, mà nhà người ta lại “mồ côi” chồng, có rẻo đất bằng bụm tay để hoang lâu năm, nay gặp dịp người ta cho không lẽ từ chối! Nghĩ đến đó ông Bờ lại nuốt nước miếng cái ực, rồi lẩm bẩm: “Tổ cha thằng Cờ, số nó là số hưởng mà…”

Có người nói với bà Lờ, dù sao ông Cờ cũng là đảng viên, bà làm vậy không sợ đảng mất uy tín sao? Có gì cũng từ từ giải quyết chứ. Bà Lờ nổi cơn tam bành nói lớn: “Tiên sư cái thằng đảng viên nào dám đứng ra bênh vực thằng chồng tao, tao thưa cho nó mất chức luôn!”

Tên nhân vật đã được thay đổi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: