Đi tìm nguyên nhân vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc

Đồi sầu riêng phía sau lưng chốt cảnh sát giao thông Bảo Lộc – Ảnh: Tuổi Trẻ

Sau vụ sạt lở đất tại trạm CSGT Madaguoi trên đèo Bảo Lộc làm ba công an và một thường dân tử vong, người ta bàn đến nguyên nhân xảy ra tai nạn. Nói theo các cụ lãnh đạo là để “rút kinh nghiệm”.

Khi lãnh đạo nói nhẹ nhàng như thế, dễ làm người ta cảm thấy có một cái gì đó “lăn tăn,… lăn tăn”. Có nghĩa là hơi ngượng ngùng, ngập ngừng khi phải đề cập đến nguyên nhân. Ngay cả ông Thủ tướng Phạm Minh Chính, tuy không đến hiện trường, cũng chỉ đạo từ xa cho UBND tỉnh Lâm Đồng phải tìm ra nguyên nhân, và rút kinh nghiệm.

Có nghĩa là ngay từ trung ương đã định hướng vụ này là tai nạn rồi thì phải? Chẳng ai có lỗi, chỉ là thiên tai, nên chỉ cần đem sợi dây kinh nghiệm ra cùng nhau… rút!

Mà rút gì thì rút, bốn mạng người hy sinh hay chết cũng như nhau, họ có sống lại được đâu?

Nhiều người “lăn tăn” nghĩ có vụ chỉ chết có một công an thôi, lãnh đạo đã “lên dây cót” bằng những lời lẽ đanh thép, mạnh mẽ như “sẽ tìm ra nguyên nhân, và người chịu trách nhiệm về cái chết của đồng chí… để đồng chí được mỉm cười nơi chín suối”.

À! Sau năm 1975, người cộng sản đã bắt đầu tin có nơi gọi là “nơi chín suối” rồi.

Vụ này chắc lãnh đạo Lâm Đồng không đi tìm nguyên nhân để người chết mỉm cười, mà để cho người sống rút kinh nghiệm, lần sau đừng hớ hênh như thế.

Thế nên, có một lãnh đạo ở UBND tỉnh Lâm Đồng trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, nói rằng không có cơ sở để đổ cho khu trồng sầu riêng phía sau trạm kiểm soát giao thông là nguyên nhân chính gây sạt lở. Sạt lở là “tổ hợp” nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính do kết cấu đất bazan và mưa lớn cực đoan gây biến đổi kết cấu chung trong khu vực. Ông lãnh đạo này không cho biết khu trồng sầu riêng có phải là nguyên nhân phụ hay không.

Ông nói cứ như “chiên da” địa chất ấy! Thế nên người ta mới không tin, vì đã là lãnh đạo thì không thể nói chuyện như chuyên gia được. Có người còn nói thẳng “ông ấy thì biết cóc gì mà nói!”, dù chẳng biết ông ta tên gì, bằng cấp tới đâu, vì mấy ai tin bằng cấp của lãnh đạo là thiệt đâu mà hỏi.

Thế nên, dư luận xem đó là lời nói vô trách nhiệm của con đà điểu cắm đầu xuống đất giấu mặt.

Bây giờ chúng ta xem thử báo chí tìm nguyên nhân vụ sạt lở này như thế nào. Họ đặt câu hỏi với  chuyên gia, và người có trách nhiệm về chuyên môn để tìm nguyên nhân.

Theo báo Tuổi Trẻ, trong buổi họp báo thường kỳ ngành nông nghiệp diễn ra chiều 1 Tháng Tám, ông Triệu Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp nói rằng vị trí sạt lở (đồi sầu riêng) chắc chắn là rừng phòng hộ, mà rừng phòng hộ thì phải trồng cây bản địa, có bộ rễ phát triển, lá không rụng theo mùa. “Việc này chắc chắn có trách nhiệm địa phương”, ông Lục khẳng định.

Điều này có nghĩa, nếu đó là rừng phòng hộ, thì không được trồng cây ăn trái theo mùa, trong đó có cây sầu riêng. Thế thì người trồng cây sầu riêng có chịu trách nhiệm không?

Muốn biết, chúng ta phải tìm tính pháp lý liên quan đến đồi sầu riêng này.

Hiện trạng khu đất có chốt cảnh sát giao thông đèo Bảo Lộc và đồi sầu riêng phía sau biến đổi qua nhiều năm được ghi nhận từ vệ tinh – Đồ họa: Mai Vinh/Tuổi Trẻ

Báo Tuổi Trẻ cho biết, dựa vào các quy hoạch liên quan đến ranh giới đất khu vực chốt cảnh sát giao thông và khu vực miếu Ba Cô, cơ quan chức năng xác định phần đất trồng sầu riêng có diện tích hơn 2ha thuộc đất rừng. Trước đây, phần đất rừng này do Lâm trường Đạ Huoai quản lý, đến năm 1999 thì bàn giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Huoai quản lý.

Vẫn theo báo Tuổi Trẻ, dù là đất rừng nhưng bà Đặng Thị Lộc (thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai) canh tác cây nông nghiệp từ trước năm 1985 đến nay. Từ năm 1985 đến 2019, trên diện tích này bà Lộc đã trồng bơ, mít và một số loại cây ăn trái khác. Đến năm 2019, do những loại cây nói trên kém năng suất nên bà Lộc đã chuyển sang trồng sầu riêng và giao cho một người đàn ông tên Bi trông coi và chăm sóc.

Hình ảnh vệ tinh lưu lại qua 10 năm trở lại đây cho thấy khu đất hiện nay đang trồng sầu riêng không thay đổi sau nhiều năm, vẫn là trồng cây lâu năm. Năm 2021, khu đất này có sự thay đổi nhiều nhất khi xuất hiện một diện tích lớn đã san gạt. Vùng san gạt, thay đổi hiện trạng đất nằm giáp giữa đồi sầu riêng và phần đất do chốt cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lâm Đồng quản lý. Vùng đất đã san gạt trùng khớp với một số công trình phụ của chốt giao thông được xây dựng mới đây.

Như thế, đồi trồng cây ăn trái đã được bà Lộc “trồng lâu năm”, tuy nhiên, điều này vẫn chưa xác định chủ quyền của bà Lộc đối với mảnh đồi này. Có thể bà dựa vào thế lực nào đó ở huyện, ở tỉnh, hay thậm chí ở trung ương để được quyền xử dụng đất đồi này theo ý muốn của bà (?)

Toàn cảnh vụ sạt lở nhìn từ trên cao. Khu vực sạt lở không có cây rừng mà được trồng sầu riêng – Ảnh: Dân Trí

Điều này dường như được một cán bộ UBND huyện Đạ Huoai vô tình khẳng định, khi cho báo Tuổi Trẻ biết như sau:

“Theo quy tắc phân định 3 loại rừng mà UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành năm 2022 và đang thực hiện thì phần đồi sầu riêng của bà Lộc đủ quy định để đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng, trở thành đất nông nghiệp, được cấp sổ đỏ. Quy hoạch được ban hành trong thời gian tới”.

Điều này có nghĩa là cho tới thời điểm này, phần đồi trồng sầu riêng của bà Lộc vẫn chưa trở thành đất nông nghiệp, và chưa được cấp sổ đỏ, do đó nó vẫn thuộc về đất rừng phòng hộ. Chưa kể có thế lực nào đó muốn “nắn” lại quy hoạch cho vừa với ngọn đồi này.

Nếu đúng như thế, con đường tìm ra nguyên nhân vụ sạt lở trở nên dễ dàng, cơ quan điều tra cứ theo hướng xác định tính pháp lý liên quan đến đồi sầu riêng này sẽ tìm ra. Có vài giả thuyết: Nếu bà Lộc tự ý trồng cây ăn trái trong đó có sầu riêng trên đất rừng phòng hộ thì bà phải chịu trách nhiệm về bốn cái chết oan uổng. Còn nếu lãnh đạo nào của huyện, thành phố Bảo Lộc hay tỉnh Lâm Đồng nhắm mắt làm ngơ cho bà Lộc làm bậy thì lôi đầu ra xử.

Chuyện dễ thế đấy, nhưng đôi khi lại không dễ, nếu sau bà Lộc có một ông lớn ở trung ương đỡ đầu.

Nói chung vụ tìm nguyên nhân này muốn dễ thì dễ, muốn khó thì khó thôi!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: