Ta phải vô địch, ngay cả thua cũng ‘vô địch’

(Hình: FB)

Ngày nào, khi báo chí đất nước Việt Nam thanh bình, các nhà tâm lý học và tâm thần học nên đi thăm lại những nhà báo đương thời hôm nay, để tìm hiểu thêm về vấn nạn thủ dâm tư tưởng, công khai và lố bịch ngày càng nhiều. Đặc biệt với thể thao ở kỳ Olympic này.

Việc ca ngợi và tự hào như trẻ nhỏ không hiểu nổi nghĩa trưởng thành, ngày càng nhiều. Vận động viên bắn súng được điểm thì được mô tả ngạo nghễ là khiến cả chục đối thủ khác “khuỵu gối,” mà đến đợt bắn kế tiếp, thì chính vận động viên này cũng bị loại, khuỵu gối thật!

(Hình: Thể Thao)

Chuyện khác, tay vợt thi đấu không thành công thì được “ca” là đấu xuất thần, và phải rời cuộc thi đấu sớm là “chia tay đẹp,” nhưng không rõ là đẹp ở chuyện gì.

Tôi không để tên những vận động viên này vì có lẽ chính họ cũng cảm thấy ngại ngùng với cái kiểu bơm thổi lố bịch, nhưng bất lực với trào lưu bịt mắt tự hào, lôi xềnh xệch họ vào dòng dư luận. Mà Việt Nam cũng đã có bài học điển hình tráo trở và bất nhân của báo chí Việt Nam đối với nữ vận động viên bơi lội Ánh Viên, trong lần thi đấu không thành công cuối sự nghiệp của cô: Sau một thời gian dài theo đuổi và ca ngợi những thành công của nữ vận động viên Ánh Viên trên trường quốc tế, rồi sau đó trong một trận đấu không thành công, báo chí đồng loạt cùng một giọng chỉ trích cô là kẻ “về bét”

Những chuyện nói quá, cũng như sỉ vả người không được thành công như ý, là chuyện khá quen thuộc, không chỉ ở kỳ Olympic này, mà dễ thấy nhất là với bóng đá lâu nay. Đặc biệt sự coi thường, hạ thấp đội hay người tạm thời thua cuộc với Việt Nam đã trở nên là điều “ngạo nghễ cần thiết” một cách bình thường.

Một người bạn trên Facebook Nhắc tôi về cách diễn đạt của báo chí Thể thao Việt Nam trong một lần thi đấu bóng đá và thua đội bạn, sự thất bại được mô tả là “đội tuyển Việt Nam thất bại trong tư thế ngẩng cao đầu”. Dường như trong cách mô tả của thể thao Việt Nam vẫn còn mùi súng đạn và niềm khao khát chiến thắng một kẻ thù.

Không nói nhưng chắc ai cũng biết, ngạo nghễ vô cớ, cũng là dấu hiệu của mặc cảm thấp kém lâu năm, nên phải bù đắp và tưởng tượng ngôn từ.

Có những ngành nghề mà khi kể ra thì rất dễ mủi lòng, như vận động viên hay nghệ sĩ xiếc. Họ sống trong một hệ thống bao cấp cầm hơi, giữ lý tưởng, nuôi hy vọng và cống hiến thầm lặng cả tuổi xuân của mình và biết trước, biết rõ khoảng bù đắp trống rỗng về sau của đời mình. Nên nói lố và phủi tay là cách ứng xử vô cùng tàn nhẫn.

Hồi đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học Anh đã từng có một nghiên cứu về loài ngựa, và thí nghiệm cho ngựa đeo một đôi kính chỉ nhìn thấy màu xanh lá cây, rồi đưa mạt cưa cho ăn. Ngựa lầm mạt cưa là cỏ, nên ăn đến đoạn suýt bội thực. Nhưng rồi dù đeo mắt kính màu xanh nhưng nó vẫn nhận ra rằng đó không phải là thức ăn ngày thường của mình, nên từ chối, không ăn nữa.

Người làm báo trong thời đại hôm nay cũng nên đừng tự bịt mắt mình bằng một đôi kính màu hồng, đừng để mình bội thực với loại ma túy ảo tưởng vô địch, và vấy bẩn chữ nghĩa của cha ông để lại.

Điều quan trọng là con người, thì nên quan sát bằng cặp mắt của chính mình.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: