Vụ sạt lở đèo Bảo Lộc làm bốn người tử vong, trong đó có ba sĩ quan công an gồm Thiếu tá Nguyễn Khắc Thường (SN 1981); Thượng úy Lê Quang Thành (SN 1977); Thượng úy Lê Ánh Sáng (SN 1990); và một người dân tên Ngọc Anh (không rõ giới tính).
Có người nói ông (bà) Ngọc Anh chết oan uổng, khi không trời mưa gió đến trạm CSGT Madaguoi làm gì để đến nỗi thiệt mạng?
Một vài tờ báo đưa thêm chi tiết cũng mông lung lắm, có tờ nói ba ông công an đó sau khi xong nhiệm vụ buổi sáng về trạm ăn cơm thì gặp tại nạn. Có tờ báo nói họ biết sẽ có sạt lở nên về di chuyển đồ đạc và phương tiện, tài sản của trạm đi nơi khác. Ông (bà) Ngọc Anh đang làm việc gần đó đến giúp một tay.
Giả thiết thứ hai có vẻ đúng, chứ ba ông công an về trạm ăn cơm thì ông (bà) Ngọc Anh đến đó làm gì?
Vì nếu ba ông công an đó xong nhiệm vụ rồi về trạm nghỉ ngơi, cơm nước thì bị tai nạn tử vong thôi, chứ đâu có được xác nhận “hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ”, rồi được “truy thăng quân hàm”, rồi được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tới thăm viếng, an ủi, động viên gia đình.
Sắp tới, gia đình ba công an này sẽ nhận được ba bằng Tổ quốc ghi công, ghi nhận sự hy sinh của họ khi đang làm nhiệm vụ.
Theo dõi tin chính quyền các cấp, từ trung ương đến địa phương chăm lo đời sống cho ba gia đình của ba công an “hy sinh trong khi làm nhiệm vụ” mà thấy thương cảm cho ông (bà) Ngọc Anh.
Ông (bà) Ngọc Anh chỉ là thường dân. Dù có đến giúp ba ông công an làm nhiệm vụ với tinh thần “xung kích”, xem công an như “người thân trong nhà”, xem “nhiệm vụ của công an như nhiệm vụ của mình”, thì vẫn là thường dân.
Cả bốn người đang làm “nhiệm vụ của công an”, nhưng khi tử vong, chỉ có ba ông công an được vinh danh là “hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ”, còn thường dân thỉ chỉ có một từ gọn là “chết”, hoặc hai từ nghe lịch sự hơn: “Tử vong”!
Không thấy báo chí nói chuyện ông Phó Quang đến viếng đám tang ông (bà) Ngọc Anh, nên chắc là ông Quang không nghĩ điều đó là nên làm. Mà cả đám quan chức tỉnh Lâm Đồng, quan chức TP. Bảo Lộc, ngay cả lãnh đạo trạm CSGT Madaguoi cũng chẳng nghĩ sẽ đến thăm một người dân đang giúp trạm thì bị tai nạn chết, tưởng là mất xác, nhưng may mắn đào lên được.
Chẳng ai trách ba công an này cả. Trách là trách chính quyền, khi hành xử “bên trọng, bên khinh”, để người đời phải thốt lên rằng “Thiệt là bạc bẽo!”
Có người bảo “có thế mới biết tình đời!”. Tôi cho rằng không nên vơ đũa cả nắm, nói “có thế mới biết tình công an!” cho đúng trọng tâm.
Đây là bài học đắt giá cho những người xem công an là bạn, sẵn sàng giúp họ bất cứ việc gì họ yêu cầu, như làm “chim mồi” giăng bẫy “phạt nóng” các phương tiện giao thông, thậm chí giúp công an… bắt cướp!
Khi gặp chuyện, nếu bạn bị thiệt mạng thì cũng chỉ được nhắc đến như một tai nạn dẫn đến tử vong mà thôi.
Một người bạn nghe tôi phân tích, có vẻ đau lòng, nhưng nói rằng thà anh ta chọn chữ “chết” chứ dứt khoát không chịu chữ “hy sinh”. Anh chia sẻ:
“Sống trên đời đã ngu khi giúp đám ‘dương binh’ đó rồi, thì chết mà nhận hai chữ ‘hy sinh’ chung với chúng làm gì để theo chúng làm tiếp ‘âm binh’ dưới âm phủ à? Thà cứ nhận chữ ‘chết’ cho nhẹ nhàng, xem như trả nợ cái ngu của mình”.
Nghĩ vậy cũng an ủi cho ông (bà) Ngọc Anh nơi chín suối.
Thôi cứ “chết” đi cho nó lành!