Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp Chí Da Liễu Thẩm Mỹ (Journal of Cosmetic Dermatology) đã chỉ ra rằng ăn khẩu phần ăn kiểu Địa Trung Hải với việc bổ sung thường xuyên axit béo omega-3 giúp cải thiện một cách đáng kể vẻ ngoài của làn da đối với những bệnh nhân bị mụn trứng cá.
Nhóm nghiên cứu từ University Hospital of Munich, Đức, đã quan sát 60 cá nhân bị mụn trứng cá ở mức độ nhẹ đến trung bình trong khoảng thời gian 16 tuần. Những người tham gia được yêu cầu tuân thủ kế hoạch ăn kiểu Địa Trung Hải cực kỳ nghiêm ngặt – giàu trái cây, rau và cá có dầu – và được bổ sung axit béo omega-3 hàng ngày.
Vào cuối cuộc thử nghiệm, phần lớn những người tham gia cho thấy sự cải thiện đáng kể về tổn thương do mụn trứng cá cũng như chất lượng cuộc sống nói chung.
Axit béo omega-3 được biết đến với đặc tính chống viêm, điều đó giải thích tại sao những chất bổ sung này làm giảm tình trạng viêm liên quan đến tình trạng da.
Điều đáng chú ý là 98,3% người tham gia đã cho thấy sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng thiết yếu này khi bắt đầu khám phá và những người đạt được mức omega-3 khỏe mạnh vào cuối thử nghiệm cho thấy những cải thiện đáng kể nhất.Theo Viện Da Liễu Hoa Kỳ (American Academy of Dermatology), mụn trứng cá là tình trạng bệnh ở da phổ biến nhất ở Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến 50 triệu người Mỹ mỗi năm. Nó phát triển khi lỗ chân lông của mỗi cá nhân bị tắc nghẽn bởi dầu và tế bào da chết, tạo điều kiện tối ưu cho vi khuẩn xấu phát triển. Điều này kích hoạt phản ứng miễn dịch, huy động các tế bào bạch cầu và gây viêm.
Mụn trứng cá hình thành bởi nhiều yếu tố bên ngoài và bên trong, bao gồm chăm sóc da, chất ô nhiễm, hóc-môn và một số loại thuốc. Mụn cũng mọc ra do khẩu phần ăn uống của mỗi người. Trước đây, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thực phẩm có chỉ số đường huyết cao, như bánh mì trắng, khoai tây chiên và đồ uống có đường, làm tăng nguy cơ bị mụn trứng cá. Sữa không béo cũng có liên quan đến mụn trứng cá, nhưng sữa chua và phô mai thì không sao.
Tuy nhiên, nghiên cứu được thực hiện trên một cỡ mẫu nhỏ bệnh nhân và không có nhóm đối chứng nào để so sánh tình trạng của những bệnh nhân không được can thiệp bằng khẩu phần ăn kiêng trong cùng thời gian như thế nào, nên vẫn cần phải làm nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận vấn đề này.
Tác giả Anne Gürtler, thuộc Ludwig Maximilian University của Munich, cho biết: “Các nghiên cứu trong tương lai nên xây dựng trên nền tảng dựa trên những phát hiện hiện tại của chúng tôi trong một thiết kế ngẫu nhiên, kiểm soát giả dược để cải thiện các khuyến nghị về khẩu phần ăn uống cho bệnh nhân mụn trứng cá. Các biện pháp can thiệp vào lối sống, bao gồm các khuyến nghị về kế hoạch ăn uống, không nên bị coi là trái ngược với thuốc theo toa, mà là một công cụ bổ trợ có giá trị cho bất kỳ kế hoạch điều trị mụn trứng cá hiện đại nào.”