Việc tuyển dụng lao động rầm rộ sau đại dịch để lấp đầy khoảng trống nhân lực khiến các phi trường dễ bị tấn công khi các nhân viên mới chưa được sàng lọc kỹ được phép đi vào các khu vực nhạy cảm an ninh.
Khai thác kẽ hở an ninh
Wall Street Journal thuật, Tháng Giêng qua, trong khu vệ sinh ở sảnh khởi hành của phi trường St. Thomas thuộc Quần đảo Virgin của Hoa Kỳ, một công nhân mới được thuê cầm hai “cục gạch” cocaine bó chặt chờ tín hiệu giao hàng: Tiếng giậm chân và gõ cửa. Lập tức anh ta để hai cục gạch nặng tổng cộng gần 5 pound xuống điểm quy định. Đồng phạm giấu mặt nhét nhanh chúng vào một chiếc balô màu đỏ để mang lên chuyến bay của hãng hàng không Spirit Airlines đến thành phố Orlando, Florida. Nhưng cả hai đã bị bắt trước khi người chuyển hàng lên máy bay.
Tài liệu của tòa án cho thấy người cầm hai cục cocaine làm việc cho công ty Cape Air có trụ sở ở Hyannis, Massachusetts chưa đầy một năm. Anh ta sẽ kiếm $2,000 nếu đưa ma túy trót lọt vào sảnh khởi hành. Đây là điển hình của một loại tội phạm đang phát triển kể từ khi hoạt động du lịch hàng không phục hồi mà điểm nhấn là sự tham gia của những người có quyền đi vào các khu vực dành cho hành khách đã kiểm tra an ninh.
Khi du lịch hàng không phục hồi sau “kỳ ngủ đông đại dịch”, ngành hàng không phải chật vật với tình trạng trễ chuyến trên diện rộng, suýt va chạm giữa các máy bay và tai nạn tại nơi làm việc. Theo các cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan chính phủ và chuyên gia an ninh, các phi trường tại Hoa Kỳ cũng đang phải đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của các băng nhóm tội phạm chuyên sử dụng các nhân viên mới tuyển.
Peter Nilsson, người đứng đầu Airpol, một cơ quan thực thi pháp luật châu Âu có nhiệm vụ chống tội phạm tại các phi trường nhận xét: “Đây là một thách thức lớn. Đe dọa từ ‘kẻ xấu bên trong’ tăng lên do tuyển dụng vội vã tại các phi trường đã được Airpol đưa vào danh sách những ưu tiên sau đại dịch. Chúng tôi đã loan bố cảnh báo cho tất cả các phi trường trên khắp thế giới”.
Những cảnh báo tương tự về các nhóm tội phạm mua chuộc các nhân viên phi trường tiếp tay cho chúng cũng được Cục Quản lý An ninh Vận tải (Transportation Security Administration-TSA) của Hoa Kỳ, Cơ quan Tội phạm Quốc gia (National Crime Agency-NCA) của Vương quốc Anh và Hội đồng Phi trường Quốc tế (Airports Council International-ACI) đưa ra trong thời gian qua.
Năm nay, một hội đồng chuyên gia an ninh hàng không thuộc Liên Hợp Quốc đã xem “nguy cơ do nhân viên sân bay thông đồng với các nhóm tội phạm” là một trong sáu lo ngại an ninh lớn nhất hiện nay mà ngành hàng không dân dụng phải đối mặt. Nhân viên phi trường tân tuyển là miếng mồi đặc biệt của các tổ chức tội phạm. Ví dụ, những người xử lý hành lý được mua chuộc để chuyển những chiếc vali chứa đầy hàng lậu từ các chuyến bay quốc tế sang băng chuyền nội địa mà không phải qua kiểm tra an ninh của hải quan.
Công nhân đường băng được giao nhiệm vụ nhét ma túy trong các panel của máy bay và các nhân viên hải quan được trả tiền để không kiểm tra các hành lý có chứa hàng cấm. Dù việc mua chuộc người trong nội bộ là chuyện không mới, nhưng chưa bao giờ nở rộ như hiện nay, bởi sự lỏng lẻo trong hoạt động tuyển dụng sau đại dịch, không chỉ sàng lọc hời hợt mà còn thiếu huấn luyện nghiệp vụ. Hàng trăm ngàn nhân viên mới tuyển trong ngành hàng không có ít kinh nghiệm an ninh hơn. Thẻ an ninh tạm thời được sử dụng bừa bãi.
Tất cả đã tạo cơ hội cho các tổ chức tội phạm hàng không khi chúng hoạt động trở lại. “Khi bọn tội phạm hoặc các nhóm khủng bố muốn tấn công hàng không, chúng sẽ tìm kiếm những nhân viên mới” – Sonia Hifdi, người đứng đầu chính sách an ninh hàng không tại Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (International Civil Aviation Organization-ICAO), cơ quan hàng không của Liên Hợp Quốc, nơi đặt ra các tiêu chuẩn quốc tế cho hàng không toàn cầu, nhận định. Các chuyên gia cảnh báo, sự kết hợp giữa lương thấp trong thời điểm lạm phát cao và cuộc sống bấp bênh của đội ngũ nhân viên phi trường cũng khiến một số người dễ bị mua chuộc hơn.
Nhiều quốc gia vào cuộc
Chuyên gia an ninh hàng không Andy Blackwell, hiện là nhà phân tích tại ISARR, lưu ý: “Những kẻ bất mãn với công việc đang làm, những người muốn có nhiều tiền và các tổ chức tội phạm đang hợp tác nhiều hơn trước. Hàng không đang là mảnh đất màu mỡ”. Trong năm nay, đã có 48 vụ vi phạm an ninh nghiêm trọng được ISARR ghi nhận có liên quan đến những người làm việc tại các phi trường trên toàn thế giới, tăng so với 35 của cả năm 2022.
Ví dụ, một người xử lý hàng hóa ở Miami bị bắt vì ăn cắp số điện thoại di động Samsung trị giá $12 triệu từ một container hàng hoá; hoặc hai công nhân xử lý hành lý của United Airlines ở San Francisco bị buộc tội lấy chuyển cần sa ra ngoài phi trường.
Tháng Bảy qua, tại Bỉ, hai người xử lý hành lý bị bắt quả tang đang dỡ những chiếc vali chứa 265 pound cocaine. Cũng như thế, ở Bồ Đào Nha, Tháng Mười Hai, một số công nhân đường băng tại phi trường Lisbon rơi vào vòng lao lý vì bị phát hiện chi tiêu xa hoa bằng những khoản tiền đáng ngờ. Tại Canada vào Tháng Tư qua, số vàng và hàng hóa có giá trị cao trị giá khoảng $15 triệu đã bị đánh cắp từ kho hàng hóa an ninh cao của Air Canada tại Sân bay Toronto Pearson.
Không phải tất cả hành vi phạm tội của người nội bộ đều liên quan đến bọn tội phạm bên ngoài mà có khi là do chính họ gây ra. Tháng Bảy, ba nhân viên an ninh TSA tại Phi trường Quốc tế Miami bị camera quan sát bắt quả tang lấy trộm đồ trong hành lý xách tay của hành khách. Đoạn phim cho thấy các nghi can đã lấy trộm $600 tiền mặt và một số món có giá trị cao khi sắp xếp khay đựng qua máy X-quang. TSA đã đuổi việc cả ba người và thông báo với cảnh sát. Tại sân bay Manila, Philippines, các nhân viên an ninh bị cấm mặc “đồng phục có túi”. Biện pháp này được đưa ra sau một loạt vụ trộm, trong đó có một nhân viên kiểm tra an ninh đã lấy trộm đồng hồ của hành khách khi trên băng chuyền qua máy chụp X-quang.
Để bảo vệ tốt hơn trước các mối đe dọa nội bộ, TSA đang yêu cầu sàng lọc thực tế nhân viên tại hầu hết các phi trường, tương tự như kiểm tra hành khách, để sớm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế (các phi trường Mỹ không thường xuyên kiểm tra nhân viên an ninh). Các quốc gia khác cũng tăng cường hành động.
Vương quốc Anh đã xây dựng một cơ sở dữ liệu mới cho phép cơ quan thực thi pháp luật kiểm tra mọi công nhân làm việc tại những khu vực hạn chế của các phi trường lớn. Úc buộc có các đánh giá hồ sơ tội phạm đối với những người mới tuyển để xem họ có thể phạm tội hoặc hỗ trợ tội phạm có tổ chức không. Trong khi đó, Airpol và ICAO đang tổ chức các buổi đào tạo để giáo dục các nhà quản lý về hành vi đáng ngờ nên đề phòng.