Sinh viên, học sinh thường chịu nhiều áp lực phải thành công trong học tập, kết nối với thế giới thông qua mạng xã hội và các công nghệ kỹ thuật số khác, thiếu ngủ và đối mặt với nhiều căng thẳng từ trường học, các mối quan hệ, tương lai và những sự kiện hiện tại. Học sinh, ở mọi thế hệ, đều phải đối mặt với nhiều thách thức, dẫn đến kiệt sức.
Có năm lý do chính, theo Medium, khiến các sinh viên, học sinh bị kiệt sức:
1.Thiếu ranh giới trong học tập và cuộc sống
Học sinh thường vừa yêu, vừa ghét môi trường học tập và họ không biết khi nào và cách nên đặt ranh giới cho học tập và cuộc sống. Học liên tục từ khi thức dậy đến khi đi ngủ là tự hại mình. Phị huynh biết, mà cứ để như vậy, là làm hại con em mình.
Mặc dù bạn có xem tivi hoặc đi dạo giữa các buổi học, nhưng việc học xuyên suốt cả ngày một cách không phù hợp chỉ khiến não bạn bị trì trệ.
Giải pháp: Chặn thời gian. Phân bổ một khoảng thời gian nhất định để học và chỉ học trong khoảng thời gian đó. Bất cứ công việc nào còn dang dở, hãy thực hiện nó vào ngày hôm sau. Nhớ bám sát vào lịch trình học tập của bạn.
2.Cam kết quá mức
Là sinh viên, bạn phải thực hiện nhiều hoạt động ngoại khóa để có thêm điểm. Trong quá trình đó, bạn cam kết quá nhiều thứ mà bạn cần phải có thêm thời gian. Cam kết quá mức sẽ tiêu hao thời gian đáng ra để thư giãn của bạn, khiến bạn phải hủy bỏ kế hoạch ăn tối, bỏ qua các ngày tập thể dục. Tất cả những điều này sẽ khiến bạn cảm thấy như mình… “hết xí quách”, đến nỗi, chơi cũng không còn sức.
Giải pháp: Nói “không”. Học cách thừa nhận với bản thân rằng bạn không có thời gian cho các cam kết bổ sung vào thời điểm này và điều đó hoàn toàn ổn.
3.Kỳ vọng không thực tế
Đôi khi chúng ta cảm thấy cần phải hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ trong một ngày. Mặc dù như vậy có thể đúng trong một ngày, nhưng về lâu dài, là không thể.
Việc bạn thực hiện mỗi ngày phụ thuộc vào năng lượng của bản thân bạn, nhưng đôi khi xảy ra các sự kiện bất ngờ, không ai biết trước. Ví dụ, John biết cả ngày hôm ấy cậu ta có nhiều việc phải làm xong, như viết cho xong bài essay, chuẩn bị cho bài thuyết trình cho ngày mai, làm mô hình cho môn Vật lý,… nên John tranh thủ đến phòng tập thể dục sớm, không ngờ bữa đó cậu ta bị cục tạ rơi xuống chân, phải đi bệnh viện. Coi như mọi dự định của ngày hôm ấy bị đình lại không phải một hai ngày, mà có khi cả tuần, cả tháng, nếu sức khỏe của cậu ta chưa bình phục.
Giải pháp: Phân tích năng lượng. Học cách phân tích năng lượng hàng ngày và ưu tiên các nhiệm vụ cho phù hợp, đừng quá kỳ vọng mọi thứ sẽ hoàn thành một cách xuất sắc.
4.Kỳ vọng không rõ ràng
Khi kỳ vọng không thực tế, bạn sẽ không biết mình đang hướng tới mục tiêu cuối cùng nào, còn kỳ vọng không rõ ràng còn tệ hơn. Đôi khi bạn nói rằng bạn sẽ làm nhiệm vụ của mình nhưng không chỉ rõ sẽ làm việc ở phần nào hoặc khi nào báo cáo sẽ được hoàn thành.
Giải pháp: Chia nhỏ từng mục tiêu lớn thành những nhiệm vụ nhỏ, trong tầm tay. Đừng chỉ viết là “sẽ làm việc xong một nhiệm vụ cụ thể” mà hãy viết “Nhiệm vụ cụ thể này được thực hiện khi nào, cách làm, và bao giờ xong”. Điều này là thực tế, ít mơ hồ và dễ đạt được.
5.Làm nhiều việc một lúc
Lo lắng và cố gắng hoàn thành nhiều việc một lúc là một trong những lý do khiến sinh viên, học sinh mệt mỏi. Bạn có khi nào đang làm bài tập Toán thì nhảy sang học Ngữ văn? Điều này ảnh hưởng đến quy trình học tập của bạn, sau đó bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để quay lại tập trung vào những gì bạn đang làm trước đó. Sự gián đoạn liên tục làm tăng căng thẳng và thất vọng.
Giải pháp: Đặt hẹn. Hoàn thành nhiệm vụ hiện tại bạn đang làm trước khi chuyển sang công việc tiếp theo. Nếu bạn cần làm gì đó vào cuối ngày, hãy giữ một cuốn sổ ghi chú bên cạnh và thêm vào danh sách việc cần làm.
Kiệt sức trong thế hệ công nghệ này là điều quen thuộc và rất nhiều sinh viên, học sinh đang bị như thế vì lo sợ thất bại. Cố gắng áp dụng hàng ngày những giải pháp trên, trước khi các áp lực không đáng có làm tiêu tán hết năng lượng,.
(theo Medium)