Khi bà lấy mẹ làm gương xấu để dạy cháu

(Minh họa: Andrea Piacquadio/Pexels)

Em quá bực mình khi chính mẹ em là người chuyên môn nói xấu em với con em, nói đúng hơn là thường dạy cháu bằng những gương xấu của em.

Chẳng hạn, có lần mẹ em bảo thế này với con em, “Con có yêu ai thì nhớ chọn lựa kỹ càng, phải bỏ thì giờ ra tìm hiểu người đó thật kỹ trước khi quyết định, đừng có như mẹ mày, ào một cái rồi suốt đời mang hận.”

Hay như, “Đi học thì phải ăn mặc kín đáo, ở trường là chốn đông con trai, cứ hở hang riết là tạo điều kiện cho tụi con trai dòm ngó. Mẹ mày ngày xưa cũng vì ăn mặc kiểu đó rồi sinh chuyện, mà nói hoài không nghe. Giờ thì thôi bó tay!”

Có lúc thì lại, “Bà đã nói rồi, đừng có sấy tóc, tóc nó khô và gãy không đẹp, cứ bắt chước mẹ mày, la hoài không được, cứ gội đầu xong là sấy tóc.”

Rồi lại khi, “Đi thì đừng có nhún nhẩy, thấy mẹ mày không, chân cứ như gắn lò xo, chân không chạm đất thì làm sao mà khá được!”

Thưa cô, mẹ em có 1,001 cách dạy cháu mà đem em ra làm vật hiến thân và bao giờ cuối cùng mẹ em cũng chêm thêm câu, “Nhà này chỉ có bà là thương con và lo cho con thật tình!”

Em không biết ý mẹ em là sao? Vậy tình thương của em dành cho con là giả dối sao!?

Nhiều lần em lên tiếng, nhưng chỉ nhận những câu đáp trả cay nghiệt của mẹ dành cho em. Nhiều lúc em cũng muốn thuê một căn nhà khác để yên thân, nhưng hoàn cảnh không cho phép.

Mẹ em khá giả, nên em phải sống bám vào để nuôi con, nhà cửa bây giờ có lẽ kiếp sau em cũng không sao có được căn nhà chui ra chui vào. Mà sống chung vậy thì quá tội cho em, đã một đời thất bại từ tình trường đến sự nghiệp, nay lại ngụp lặn trong cảnh sống nhọc nhằn khổ từ tinh thần đến vật chất, em chẳng biết làm sao giải quyết! (Em Thảo Nhi)

GÓP Ý

Huy Le
Theo tôi, mẹ em thế là sai. Tôi không biết khi mẹ dạy cháu có nói trước mặt em không. Vì nếu nói trước mặt em thì có lẽ mẹ muốn giày xéo em hơn là dạy cháu. Không biết em đã làm điều gì khiến mẹ phật ý lâu thế, nhưng theo tôi thì lòng mẹ chưa nguôi vì những lỗi lầm của em.

Tội là tội đứa con của em, cháu nhỏ phải gánh những lỗi lầm của mẹ trong quá khứ mà đáng ra bà không nên nhắc đi nhắc lại như vậy. Cách hay nhất là em nên nói thẳng với mẹ, rằng nếu mẹ phiền bực con thì con xin mẹ nói chỉ với một mình con, mẹ đừng nói như thế với cháu mà tội. Mẹ nào cũng thương con, nên em cứ nói với mẹ những nỗi buồn của em. Tôi tin mẹ sẽ hiểu mà không vậy nữa.

Cô Loan
Cái lối dạy này trong dân gian gọi là “giận cá chém thớt.” Tội nghiệp đứa bé, mà cũng hay, cháu không nói lại bà ngoại. Chứ con nít ở đây, kiểu nói của bà thế này là cháu phản ứng ngay, sẽ có một ngày cháu nói hỗn với bà ngoại thì phiền lắm!

Chị Chi
Em nên nói chuyện với mẹ, nếu mẹ vẫn vậy thì em nên cố mà dọn ra vì không thể để những lời dạy kia tàn phá tình mẫu tử giữa em và con em. Tôi tin là nếu em dọn ra ngoài, hay chỉ nói ý đó cho ngoại thì ngoại sẽ thay đổi vì chắc chắn là ngoại không muốn xa mẹ con em.

Th.Kim
Theo tôi, em có hai cách:

1. Ngồi nói chuyện với mẹ một cách đàng hoàng và nhã nhặn: Em nên nhận những lỗi lầm đã gây ra trước đây và xin lỗi mẹ một cách thật lòng, nếu em đã chưa từng làm việc này. Khi mẹ em thấy là em đã biết và hối lỗi, rất có thể bà sẽ không dùng những lời dạy cháu ngoại để răn đe và nhắc nhở em nữa. Sau đó, em “thành khẩn” xin với mẹ rằng khi mẹ dạy cháu ngoại , nếu bà muốn đưa ra những ví dụ thì nên dùng những tấm gương tốt để cháu noi theo chứ đừng đưa những lỗi lầm, sai trái của em ra làm ví dụ.

2. Em phải tìm cách để có thể tự lực cánh sinh và không “sống bám vào mẹ” nữa: KHÔNG sống chung nhà và cũng KHÔNG nhờ mẹ trông con cho em. Không thấy em nhắc đến người cha của con em. Em có nghĩ đến việc xin được cấp nhà housing và yêu cầu người cha của đứa bé chung tay giúp em việc nuôi dạy con hay chưa?

Chúc em mau thoát khỏi cảnh khổ hiện tại.

(Minh họa: Simran Sood
/Unsplash)

VẤN ĐỀ MỚI

Em hay theo dõi những bài viết trong mục này, từ đó em học được nhiều cách xử lý tình huống trong cuộc sống mà đôi khi mình bí lối. Mấy hôm nay chuyện kể hay không kể với vợ về những lỗi ngoại tình của hai vị làm chồng làm em cũng suy nghĩ lao lung. Tại em cũng đang rơi vào tình huống đó.

Em bị phản bội không thể trắng trợn hơn, vậy mà em lại đang làm kẻ thua cuộc. Một cô giáo của con, cũng là người hàng xóm, được em thương như em ruột mình. Cô giáo ở gần nhà nên đôi khi bận việc thì em cũng nhờ cô giáo dẫn dùm con đến trường. Tuần rồi là sinh nhật của chồng em, em nhờ cô giáo qua nhà cắm hoa dùm, trong khi em chạy ù ra chợ mua ít đồ. Khi em mở cửa bước vào nhà thì thấy chồng em đè cô giáo xuống sàn, trong khi cô giáo vẫy vùng kêu cứu.

Không nói thì mọi người cũng hiểu tình huống ngỡ ngàng của cả ba người. Cô giáo vùng thoát chạy ôm chầm lấy em và khóc nức nở. Chồng em thì miệng nói chỉ là tai nạn, còn em chỉ biết ôm cô giáo xin lỗi, năn nỉ cô đừng nói với ai mà “tội nghiệp… chị.”

Em vừa khóc vừa xin, thiếu điều quỳ xuống lạy cô giáo, “Chị xin em, thương dùm chị mà tha thứ cho anh, em thương cháu, thương chị nghe em, nếu chuyện này vỡ lở thì chị sẽ chết mất!”

Những ngày sau, em không còn nhớ trong nhà có cái ông gọi là chồng, mà tâm trí em để hết vào chuyện phải làm sao an ủi, dỗ dành cô giáo để cô cho qua chuyện này. Như thế đó cô Nguyệt Nga! Nỗi sợ hãi chuyện vỡ lở đã làm em không còn nhớ gì đến chuyện phản bội của chồng. Em quá sợ! Và em không dám đối mặt với ai, cứ sợ họ đã biết chuyện, em sợ cả tiếng gõ cửa, sợ cả tiếng chuông ai gọi đến, vì cái lỗi mà em không hề mắc phải. Vấn đề âu lo của em bây giờ là làm sao để giữ miệng cô giáo?! (Chi)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: