(Minh họa: Alex Green/Pexels)

Cô Nguyệt Nga ơi, con buồn quá, không biết phải làm sao đây.

Vợ chồng con quen nhau năm năm rồi mới cưới. Tụi con cưới ngoài vì lý do yêu nhau cộng thêm một phần vì gia đình hối thúc, một phần vì hai đứa sắp phải chuyển đi làm xa.

Ảnh đi làm ở miền Đông, con thì chuyển về gần gia đình vì kiếm được một công việc cũng khá ưng ý. Vợ chồng mới cưới, tụi con phải xa nhau cũng buồn lắm, nhưng hứa là sẽ thu xếp gặp nhau mỗi tháng và chịu khó một vài năm kiếm tiền rồi một trong hai đứa khi có dịp sẽ đến với đứa kia. Tụi con sống xa nhau vậy cũng gần hai năm rồi.

Nếu cứ như sắp xếp ban đầu thì cũng không có gì để nói. Nhưng càng ngày, ảnh càng lạnh nhạt với con hơn. Cái này không phải cảm giác nha đâu cô, mà thực sự là như vậy. Những chuyến đi thưa thớt dần, lỗi của con một phần vì công việc bận quá, những cuộc nói chuyện qua Skype thì không trò chuyện nhiều nữa, chỉ để màn hình lên rồi việc ai nấy làm, và ảnh cũng không còn ý định chuyển về sống gần vợ nữa.

Nếu có nói về chiều ngược lại, là con về sống với chồng, thì ảnh cũng nhạt nhẽo ừ, như là cho xong chuyện vậy… Vợ chồng mới cưới hai năm, chưa con cái gì, mà đã không còn tha thiết. Con cũng không biết phải làm sao!

Con buồn, không biết phải trách ai. Không lẽ trách cái số hẩm hiu của mình, vì công việc mà phải tứ xứ như vậy… Con không trách ảnh được, vì ảnh chỉ lo làm việc, chứ không có người khác.

Nói chung con không biết vì sao vợ chồng con ra nông nỗi này nữa. Cô có biết cách gì giúp tụi con được không cô? (Thu Trần)

GÓP Ý

– Dan H.

Tôi thiết tưởng lúc vợ chồng mới cưới là lúc đẹp nhất, thú vị nhất, hạnh phúc nhất vì lúc này là lúc khám phá và mạo hiểm vào cuộc sống thật của hai người. Lúc này cũng là lúc tạo ra nhiều kỷ niệm nhất và ngọt ngào nhất trong cuộc sống lứa đôi.

Cô vì cuộc mưu sinh mà bỏ mất cái cơ hội ngàn vàng này, do mỗi người trong chúng ta chỉ có một khoảng thời gian nào đó được nếm hương vị mới của men tình.

Ông bà mình vẫn nói “chồng đâu thì vợ đó” hoặc “chim quyên quen chậu; vợ chồng quen hơi.” Cô hãy mau mau thu xếp để một trong hai người bỏ việc mà sum họp lại với nhau kẻo không cái thiếu thốn lạnh lẽo sẽ quen và lúc đó dùng đến triệu cái nói chuyện qua Facetime hay Skypes cũng không còn đến gần nhau được.

Tiền bạc chỉ là một nhu cầu của cuộc sống, nhưng tiền bạc đâu thể nào thay thế được những bữa cơm chung hai đứa cùng ăn gật gù trò chuyện hay những ánh mắt âu yếm và nụ cười ấm êm. Tiền bạc làm sao có thể mua được cái rờ vầng trán của nhau những lúc ấm đầu hay làn hơi ấm của hai mái đầu ngồi ngắm buổi chiều rơi.

Cô có còn nhớ câu nó cũ kĩ của ông bà mình hay răn dạy con cháu không? Đó là câu, “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn.” Chúc cô mọi sự tốt đẹp và hạnh phúc!

Kim

Ông bà mình có câu “xa mặt cách lòng,” vợ chồng sống với nhau mới đầu là tình, lâu ngày dài tháng là nghĩa, càng ở lâu với nhau càng biết ưu khuyết điểm của nhau, nếu không vì nghĩa thì dễ bỏ nhau.

Riêng trường hợp của cô chưa đậm chất tình, đương nhiên cũng chưa là nghĩa, cô thử cho cậu ấy biết cô sắp xin nghỉ việc muốn về miền Đông với cậu ấy, xem cậu ấy nghĩ sao.

Nếu cậu ấy bảo đừng thì một dịp nào đó cô không cho cậu biết (nhớ nhe quan trọng là không cho biết trước, kể cả gia đình cô) rồi bất thình lình cô bay qua miền Đông nơi cậu ở để xem thực hư ra sao (khoan xin nghỉ việc để còn đường rút)

Giả tỉ cậu đang sống với người con gái khác thì tuỳ quyết định của cô, hoặc kéo dài hoặc dứt khoát, nhưng nếu không dứt họ ra được thì nên dứt khoát (cũng tuỳ cô có chịu nỗi không) nhưng tôi nghĩ cô đã chịu được hai năm rồi thì có dứt khoát chắc cũng không làm cô quá ư đau khổ.

Còn nếu cậu ấy vẫn một thân một mình thì cô nên dọn sang ở chung, chồng đâu vợ đấy, rồi tìm việc sau, chả lẽ cậu không lo nổi cho cô vài tháng trong khi cô xin việc, thiếu gì việc ở Mỹ nầy, nhất là ở miền Đông dễ xin việc hơn miền Tây, không có việc cho kỹ sư thì xin việc của công nhân, rồi từ từ tính tiếp, chứ không xông ra trận thì sao biết thắng hay thua.

Thường thường có vợ có chồng mới dễ làm nên sự nghiệp, chứ chồng một nơi vợ một ngã khó mà giữ nhau, huống gì mà gầy sự nghiệp.

Cầu mong cô sáng suốt, quyết định cuộc đời mình, trong tình yêu, hôn nhân, công việc ai cũng có khúc quanh nếu mình sáng suốt giữ được tất cả thì tốt. Vài hàng góp ý, xin chào.

– Cô Ba

Nói chung là “tại, bị” ở Mỹ cuộc sống nó là vậy đó, không như trong phim bộ, yêu nhau là hy sinh cho nhau, núi cao cũng trèo, sông sâu cũng lội. Nếu tui mà kiếm được một người yêu tui như vậy thì cũng đáng một đời, chỉ có điều chắc tui hổng mê ai được đến như vậy “tại bị” tui ở Mỹ.

Thôi thì như vầy đi. Nếu là tui, tui sẽ xin nghỉ phép một ngày, ngồi xuống và suy nghĩ xem liệu tình cảm này có đáng để cứu vãn không và nếu đáng thì thiệt hại là bao nhiêu nếu không cứu được như ý mình mơ ước. Thí dụ như mất việc làm tốt, thấy mình leo trèo lặn lội mà người kia chẳng chịu động một ngón tay mà lại chẳng biết ơn lại quay ngoắc lại trách móc tui đâu có bắt cô đâu…
Còn nếu yêu không đủ và bận quá không có thì giờ để cứu nó, thì chuẩn bị cho tương lai có thể không kiếm được người khác góp gạo nấu chung. Dù sao đi nữa thì tui chắc chắn là cô sẽ thành một phụ nữ khá thành công ở Mỹ, tự do và độc lập vì không bị chi phối bởi nửa kia của mình “as long as you can hold it.”

Suy nghĩ cho thật kỹ và trong tương lai đừng “tại, bị” nữa vì mình đã suy nghĩ thật kỹ rồi mà, phải không?

Góp ý vậy thôi, tui vẫn thích đổ thừa cho “tất cả chỉ tại bị mình ở Mỹ” và tại vì mình ở Mỹ mà nữ giới mạnh mẽ hơn, đôi khi còn can đảm hơn đàn ông, dám làm dám chịu.

– Nguyệt Ng.

“Con không trách ảnh được, vì ảnh chỉ lo làm việc, chứ không có người khác.”

Nếu như điều đó là điều con chắc chắn thì không có gì phải lo buồn cả. Cái khó nhất là có sự hiện diện của người thứ ba, chồng con không vướng vào người thứ ba trong hai năm xa vợ, không phải ai cũng làm được. Con nên lấy đó làm điều căn bản để giải quyết vấn đề.

Cuộc sống hằng ngày, nhất là cuộc sống bận rộn ở Mỹ, dễ tạo cho người ta thói quen sợ thay đổi. Trong hai năm xa nhau, chồng con đã phần nào quen với cách sống một mình. Ban đầu có chơi vơi, có cô đơn, có nhớ nhung nên siêng năng nói chuyện… Nhưng rồi ngày này qua tháng khác quen đi cảnh sống đi về mình ên khiến chồng con lơ là tình vợ, đó là chưa kể những lúc mệt mỏi vì công việc.

Con suy nghĩ lại cho rõ ràng, coi thử trong đời sống của mình, điều gì là cần thiết. Tiền bạc? Tình vợ chồng? Hai năm qua con đã có kinh nghiệm, con đã biết tiền bạc có cần thiết với con không, hay cái cần thiết là điều khác. Vì nếu tiền bạc là cần thiết thì cô nghĩ con sẽ chẳng viết lá thư này.

Tình vợ chồng là thứ con đang cảm thấy càng ngày càng tuột khỏi tầm tay. Vậy thì con còn chần chờ gì mà không bỏ hết để về sống với chồng. Xứ Mỹ là xứ của cơ hội, cô thấy ở Mỹ nếu mình siêng năng, cần mẫn thì ở đâu cũng có thể thành công.

Con cũng không nên để ý đến thái độ: “Nếu có nói về chiều ngược lại, là con về sống với chồng, thì ảnh cũng nhạt nhẽo ừ, như là cho xong chuyện vậy.” Vợ chồng không nên tự ái, con cứ nói chuyện với chồng là con muốn về gần anh và con bỏ hết để về. Hai năm qua, chắc con cũng đã dành được một số vốn, con về đi, đừng để lâu, sinh chuyện, đừng biến việc hy sinh xa nhau hai năm để xây dựng gia đình trở thành đổ sông đổ biển.

(Minh họa: Pixabay/Pexels)

VẤN ĐỀ MỚI

Thư này cháu muốn đề cập đến cách xưng hô quá phức tạp của người Việt Nam mình.

Nếu như theo Mỹ thì chỉ cần “I” và “You” là đủ, nhưng khổ là cháu làm ở một công ty Việt Nam nên nào là “Em, anh, chị, bà, tui, cô, chú, bác, cháu” không biết đường nào mà xưng.

Ngay lúc cháu mới vào làm, có một bác cũng trên 60 tuổi, trong khi cháu mới hơn 30 một tí. Khi cháu gọi là bác thì bác yêu cầu cháu xưng hô là “anh” với “em”! Thấy bác muốn “trẻ mãi không già” cháu cùng chiều ý, gọi anh và xưng em. Rồi khi cháu gọi CEO bằng chị (vì CEO chỉ khoảng hơn 50) thì mọi người nói không nên, phải gọi bằng cô cho lễ phép!?!? Thế là thế nào? Cô Nguyệt Nga có thể cho cháu một số ý kiến về chuyện này, cháu cảm ơn nhiều (Hoa Quỳnh)

*****

“Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, với những chia sẻ ưu tư và vướng mắc liên quan các vấn đề trong cuộc sống mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Mọi liên lạc xin gửi đến hộp thư: [email protected]Phần góp ý của độc giả về câu chuyện ở trên sẽ được đăng ở kỳ tiếp theo. Kính mời độc giả tham gia.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: