Công khai chi tiêu trên mạng – xu hướng mới

Minh họa: morgan-housel-unsplash

Để ngừng phải sống bấp bênh bằng tiền lương chi tiêu vô nguyên tắc, nhiều người trẻ đã chia sẻ công khai cách sử dụng tiền lương trên mạng xã hội để buộc phải đi vào khuôn phép và “làm gương” cho người khác. Kết quả tốt ngoài sự mong đợi.

Công khai để kiềm chế mình

Nhiều người Mỹ ở mọi mức thu nhập đang chật vật để kiềm chế chi tiêu. Và bàn về điều này một cách công khai lại có ích cho họ. Một số người đang thử một chiến lược mới để giải quyết nỗi âu lo dai dẳng: Sống bấp bênh với đồng lương hạn chế, tháng nào cũng thiếu trước hụt sau. Bí quyết của họ là chia thành từng khoản chi tiêu rõ ràng và công khai nó cho mọi người xem trên TikTok!

Trong các video ngắn, một người tiết lộ số tiền lương vừa nhận được, và trong vòng chưa đầy 60 giây, số tiền đó đã giảm xuống gần bằng 0 trên bảng cộng dồn các hóa đơn mua thực phẩm, tiền thuê nhà, thẻ tín dụng, tiện ích, tiết kiệm và cả tiền sử dụng dịch vụ streaming (như Netflix hoặc Amazon Prime Video). Được mô tả là “payday routines” (các thói quen trong ngày lĩnh lương), họ đi vào chi tiết về việc chi tiêu cho cửa hàng tạp hóa, ăn uống bên ngoài, chi phí cho xe hơi và đi lại. Hashtag #paydayroutine có 52.9 triệu lượt xem cho thấy sức hút của sáng kiến này.

Những người sáng tạo đằng sau những video ngắn này giải thích: “Rạch ròi chi tiêu cá nhân sẽ tạo ra trách nhiệm để luôn đi đúng hướng; và công khai chi tiêu cũng giúp được nhiều người khác”. Một số nhà nghiên cứu hành vi tài chính thừa nhận rằng cách chia sẻ này đang tạo ra những thay đổi trong tâm lý tiêu dùng.

Minh họa: kelly-sikkema-unsplash

Trong bài báo mới đây, Wall Street Journal kể:

Từ năm 2022, Daniela Martinez, 25 tuổi (kiếm được khoảng $105,000 một năm trong cương vị quản lý an toàn ở thành phố Miami thuộc tiểu bang Florida) bắt đầu chia sẻ chi tiêu của mình sau mỗi lần nhận lương tuần. Ở đầu video, cô thường dẫn nhập người xem: “Hôm nay là thứ Sáu, bạn biết ngày này có nghĩa là gì mà!”. Trong một video gần đây, Martinez mô tả cách cô chia khoản tiền lương $1,414: Trích $607 thanh toán các hóa đơn, gửi $425 vào tài khoản tiết kiệm, dùng $322 thanh toán thẻ tín dụng. Cộng với $46 còn lại từ tuần trước, còn khoảng $106.

Martinez và cha mẹ di cư đến Mỹ từ Armenia, Colombia, khi cô mới 9 tuổi. “Hồi là sinh viên đại học, tôi hầu như không nghĩ nhiều về tiết kiệm và tôi thấy nhiều bạn bè không tiết kiệm như tôi. Bố mẹ tôi cũng không có kế hoạch tiết kiệm để nghỉ hưu. Nhưng nay tình hình đã khác. Tôi muốn minh bạch chi tiêu để xem mình tiết kiệm được gì từ tiền lương trong hoàn cảnh khó khăn. Sống một mình tốn kém hơn tôi tưởng” – cô bộc bạch. Trong một video gần đây, sau khi thanh toán hóa đơn, thẻ tín dụng và gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm, Martinez vẫn còn khoảng $80 cho đến kỳ lương tiếp theo.

Và là bài học cho người khác

Lạm phát cao và lãi suất tăng đã đẩy nhiều người Mỹ rơi vào cảnh “thắt lưng buộc bụng”. Theo một khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), gần một phần ba người trưởng thành ở Mỹ không thể trang trải khoản chi phí $400 phát sinh bất ngờ nào đó bằng tiền mặt hoặc tương đương.

Cuộc khảo sát định kỳ của công ty cho vay kỹ thuật số LendingClub hợp tác với công ty phân tích dữ liệu PYMNTS cũng cho thấy những người từ quá tuổi teen đến trung niên có nhiều khả năng gặp phải biến động trong cuộc sống dẫn đến nguy cơ bị “cú sốc tài chính”. Chẳng hạn như phải chuyển đến một thành phố mới, lập gia đình hoặc mất việc và ly hôn.

Trong những người thuộc thế hệ Thiên niên kỷ (millennial), 73% cho biết họ lệ thuộc vào tiền lương nên rất dễ thâm hụt, đặc biệt khi phải chăm sóc con cái và người thân lớn tuổi. Đây là tỷ lệ cao nhất trong mọi nhóm tuổi. Anuj Nayar, nhân viên y tế tài chính tại LendingClub nhận định: “Chỉ dựa vào đồng lương là cách chủ yếu nhiều người Mỹ đang sống hiện nay”.

Tháng Mười 2022, Saprina Allen, một nhà tuyển dụng 38 tuổi kiếm được khoảng $130,000 một năm, bắt đầu đăng các video trong ngày lĩnh lương với lý do: “Tôi muốn đại diện cho phụ nữ da màu và các bà mẹ để nói về vấn đề này”. Dù đã vượt qua ngưỡng thu nhập sáu con số nhiều năm trước, nhưng chị vẫn phải sống dựa vào lương cho đến khi có dư được một ít nhờ áp dụng kỹ thuật lập ngân sách mới mà chị giải thích trong các video của mình.

Allen nói: “Mỗi khi nhận lương, tôi ưu tiên cho việc thanh toán tất cả hóa đơn đến hạn và không để kỳ trả lương tiếp theo phải gánh”. Phương thức này là yếu tố “thay đổi cuộc chơi” đối với Allen, người nhận trách nhiệm chăm sóc chính cho cậu con trai 17 tuổi. “Tôi cố gắng tự cân đối ngân sách từ kinh nghiệm ‘không phải ai cũng kiếm được số tiền mà mình kiếm được và không phải ai cũng có đủ tiền để trang trải tất cả các hóa đơn phát sinh’. Tôi có thể giúp đỡ họ bằng cách chia sẻ chi tiêu và tiết kiệm của mình” – cô nói.

Minh họa: nathan-dumlao-unsplash

Làm sao công khai chi tiêu có thể kiềm chế chi tiêu?

Đối với những người có mức lương đủ sống, các nhà lập kế hoạch tài chính khuyên họ nên theo dõi chi tiêu, ưu tiên cho các chi phí cố định và giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến thu nhập như “lệ phí thành viên” hàng tháng hoặc huỷ những gói đăng ký không cần thiết nữa nhưng đang ngốn vào tiền lương.

Các video về phân bổ tiền lương cá nhân được giới nghiên cứu hành vi cho rằng có thể giúp người xem hình thành những thói quen chi tiêu tốt hơn thông qua “bài học” của chủ nhân video. Katy Milkman, giáo sư Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, chuyên nghiên cứu về thay đổi hành vi, nhận định: “Việc công khai hoá kết quả chi tiêu trên lương của bạn cũng là cách giúp bạn ít đi lạc hướng. Nó cũng giống như những lợi ích mang lại khi có một người bạn tập gym chung”.

Người xem các video tiền lương cũng thấy sự hấp dẫn của chúng. “Video về ngày trả lương là cơ hội để chúng ta xem những người lãnh lương như mình phải vất vả đấu tranh với tiền kiếm được như thế nào” – một người nói. Deanna Griffin, một nhà quay phim tự do 24 tuổi ở Atlanta, rất thích các video nói về ngày lãnh lương. Griffin cho biết thu nhập của cô gia giảm từ $3,000 đến $6,000 một tháng. “Xem video về thói quen khi nhận lương của một người kiếm được ít hơn $3,000 một tháng giúp tôi cảm thấy bớt cô đơn. Thật tuyệt khi thấy một người vẫn sống khoẻ với $2,000 hoặc $3,000 một tháng mà còn có dư” – cô nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: