Ngày càng nhiều gia đình mất mát người thân ở Trung Quốc đang nhờ đến các công ty A.I. (trí tuệ nhân tạo) để tạo ra bản sao kỹ thuật số của những người thân yêu đã qua đời.
The Paper đưa tin những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ A.I. đã thúc đẩy sự xuất hiện của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ “hồi sinh” người đã khuất bằng trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc, cho phép người đang đau buồn tương tác với phiên bản kỹ thuật số của những người thân yêu đã qua đời của họ. Theo NextShark.
Các công ty đang tận dụng nhu cầu và đưa ra mức giá theo từng cấp độ cho hình ảnh, âm thanh, và video do A.I. tạo ra về người đã mất, từ giá tiết kiệm đến cực kỳ đắt đỏ.
Trong khi một số người coi công nghệ này như phương tiện để an ủi và làm dịu cảm xúc, thì những người khác bày tỏ một số lo ngại về quyền riêng tư, gian lận và những tác động đạo đức của việc tái tạo lại bằng kỹ thuật số của người qua đời.
Việc sử dụng A.I. để hồi sinh những người chết bằng máy móc thu hút được sự chú ý một cách đáng kể ở Trung Quốc, với những trường hợp gần đây như việc tái hiện ca sĩ người Mỹ gốc Hoa quá cố – Coco Lee, diễn viên người Canada gốc Đài Loan – Godfrey Gao, và con gái của nhạc sĩ Pakho Chau.
Công ty A.I. của Trung Quốc – SenseTime, cũng giới thiệu hình ảnh kỹ thuật số của người sáng lập quá cố trong ngày đầu năm mới.
Những người bán trên nền tảng thương mại điện tử cung cấp các gói từ ảnh đơn giản đến chatbot có khả năng trò chuyện, tuyên bố mô phỏng giọng nói, phong thái và thậm chí cả ký ức khi còn sống của những người qua đời.
Chi phí dao động từ mức thấp nhất là $13.75 (99 yuan) cho các dịch vụ cơ bản đến hơn $1,389 (10,000 yuan) cho những dịch vụ đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, tùy thuộc vào mức độ tương tác và tùy chỉnh mong muốn.
Với công chúng, một số bày tỏ rằng họ sẵn sàng thử công nghệ để nguôi ngoai cảm xúc đau buồn, trong khi những người khác coi nó như một sự bóp méo thực tế, và lợi dụng nỗi đau của gia đình và bạn bè của người đã chết.
Các chuyên gia pháp lý cũng nhấn mạnh sự cần thiết rằng phải có sự đồng ý của những người thừa kế của người quá cố, và nêu bật các trách nhiệm pháp lý tiềm ẩn liên quan đến việc sử dụng trái phép hình ảnh của người đã qua đời.
Trong khi cư dân mạng bày tỏ lo ngại về sự lừa bịp và xâm phạm quyền riêng tư, một số thương nhân lại rất kín tiếng về cách họ bảo vệ dữ liệu của người dùng, và bảo đảm an toàn giao dịch.
Một số công ty, như Yunshitu Research ở Shenzhen thuộc Trung Quốc, đang khám phá công nghệ hiển thị ba chiều để đạt được những trải nghiệm sống động hơn nữa về mặt kỹ thuật số.