Naver, công ty internet của Đại Hàn, đang đưa robot vào các phòng làm việc và phòng họp, khiến nhân viên nào cũng yêu thích.
Những nhân viên mới này luôn chạy quanh văn phòng để hoàn tất các công việc đơn giản như lấy cà phê, giao đồ ăn và giao các gói hàng. Họ không cản trở bất kỳ ai hoặc xâm phạm vào không gian cá nhân. Họ lặng lẽ đợi trong thang máy một cách lịch sự không thể thiếu. Hơn thế nữa, có lẽ là điều thú vị nhất, họ chẳng phàn nàn bất cứ điều gì. Bởi vì họ là những người máy.
Bên trong một tòa nhà công nghiệp cao 36 tầng ở vùng ngoại ô Seoul, một đội gồm khoảng 100 robot tự di chuyển xung quanh, từ tầng này sang tầng khác, qua hệ thống an ninh cổng và vào trong phòng họp.
Mạng lưới các dịch vụ web của Naver, bao gồm công cụ tìm kiếm, bản đồ, email và tin tức tổng hợp, chiếm ưu thế ở Đại Hàn, nhưng khả năng tiếp cận ở ngoại quốc của nó còn hạn chế vì thiếu sự nổi tiếng toàn cầu như Google. Công ty cũng đang săn lùng những con đường mới để phát triển.
Vào Tháng Mười, công ty này đồng ý mua lại Poshmark, một nhà bán lẻ đồ cũ trực tuyến, với giá $1.2 tỉ. Giờ đây, Naver cho rằng software cung cấp năng lượng cho robot trong không gian văn phòng công ty là sản phẩm mà các công ty khác thế nào cũng có thể muốn có.
Những người máy thường được thấy ở những nơi làm việc khác, chẳng hạn như các nhà máy, khu bán lẻ và khách sạn, nhưng chúng hầu như không có mặt trong thế giới văn phòng và phòng hội nghị của giới văn phòng. Các chuyên gia cho biết có những câu hỏi hóc búa về quyền riêng tư, như một cỗ máy được lắp đầy camera và cảm biến chuyển vùng hành lang trong công ty có thể là một công cụ giám sát, nếu bị lạm dụng. Thiết kế một không gian nơi máy móc có thể di chuyển tự do mà không làm phiền đến nhân viên cũng là một thách thức phức tạp.
Tuy nhiên, Naver đã thực hiện nghiên cứu sâu rộng hơn để chắc chắn rằng robot của họ – giống như một cái thùng rác biết lăn – có hình dáng, biết di chuyển và hành xử theo cách khiến nhân viên cảm thấy thoải mái. Và khi phát triển các quy định bảo mật robot của riêng mình, Naver hy vọng sẽ viết ra bản thiết kế cho các robot văn phòng trong tương lai.
Kang Sang-chul, giám đốc điều hành của Naver Labs, một công ty con đang phát triển robot, nói trên New York Times: “Nỗ lực của chúng tôi hiện nay là giảm thiểu sự trở ngại mà chúng gây ra cho con người.”
Yeo Jiwon, người làm việc trong nhóm tác động xã hội của công ty, gọi mua cà phê trên ứng dụng của Naver. Vài phút sau, một “nhân viên” bước ra khỏi thang máy ở tầng 23, phóng qua cổng an ninh và tiến đến bàn làm việc của cô. Khi đến gần Jiwon, “nhân viên” này tự mở ngăn chứa đồ với một tách cà phê đá được pha sẵn của một quán Starbucks trên tầng hai.
Jiwon cho biết, không phải lúc nào robot cũng hoàn hảo, đôi khi nó di chuyển chậm hơn dự kiến hoặc thỉnh thoảng dừng lại ở vị trí khá xa nơi cô ngồi. “Đôi khi chúng giống như một phiên bản dùng thử,” Jiwon nói, khi miêu tả về công nghệ cho software vẫn đang được phát triển (Beta). Tuy nhiên, việc giao hàng này tiết kiệm thời gian, giúp Jiwon tập trung vào công việc của mình hơn, đỡ phải đi bộ đến quán mua cà phê.
Các công ty công nghệ thường khuyến khích nhân viên thử nghiệm sản phẩm của chính họ, nhưng với robot, Naver biến toàn bộ văn phòng của mình thành phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển. Họ sử dụng nhân viên làm đối tượng thử nghiệm cho các công nghệ tại nơi làm việc trong tương lai.
Khi nhân viên của Naver lái xe đến văn phòng, vừa hoàn thành xây dựng trong năm nay, công ty tự động gửi cho họ lời nhắc về nơi họ được đậu xe trên ứng dụng của nơi làm việc. Nhân viên sử dụng tính năng nhận dạng khuôn mặt khi đi qua cổng an ninh, ngay cả khi đeo khẩu trang để ngăn chặn sự lây lan COVID-19. Tại phòng khám sức khỏe nội bộ của Naver, phần mềm trí tuệ nhân tạo gợi ý về các phần quan trọng cho cuộc kiểm tra sức khỏe hàng năm của nhân viên.
Từ đầu, vào năm 2016, Naver thiết kế và xây dựng văn phòng với ý tưởng về robot. Mọi cánh cửa đều được lập trình để mở khi robot đến gần. Trần nhà được đánh dấu bằng số và mã QR để giúp robot tự định hướng. Nhà ăn có làn đường dành riêng cho robot giao đồ ăn. Là một phần trong nghiên cứu của mình, Naver cũng công bố các nghiên cứu trong lĩnh vực tương tác giữa con người và người máy. Chẳng hạn như sau một loạt thử nghiệm, Naver kết luận rằng vị trí tối ưu cho robot trong khi thang máy có đông người, là ở góc ngay lối vào, cạnh nút điều khiển. Các nhà nghiên cứu của Naver nhận thấy việc đặt robot ở phía sau thang máy khiến nhiều người không thoải mái.
Các kỹ sư của công ty cũng thiết kế những đôi mắt bằng hoạt hình và có thể nhìn theo hướng mà robot đang đi. Họ nhận ra rằng các nhân viên có thể dự đoán chuyển động của robot tốt hơn nếu họ có thể nhìn thấy ánh mắt của nó. Một số chuyên gia về robot cho biết những người máy mang hình người khiến con người càng khó chịu hơn. Ông Sang-chul cho biết, sẽ không có người máy nào nhìn giống người thật, vì công ty không muốn tạo cho nhân viên ấn tượng, rằng robot sẽ cư xử như con người.
Naver không phải là công ty công nghệ duy nhất đang cố gắng phát triển công nghệ robot. Rice Robotics đã triển khai hàng trăm robot hình hộp theo kiểu hoạt hình để giao các gói hàng, hàng tạp hóa,… trong các tòa nhà văn phòng, trung tâm mua sắm và cửa hàng tiện lợi trên khắp châu Á. Những robot như Optimus, một nguyên mẫu mà Tesla công bố vào Tháng Chín, được thiết kế giống con người hơn. Chúng mang theo những chiếc hộp, cây tưới nước,… nhưng chúng còn lâu mới được triển khai.
Victor Lee, Giám đốc điều hành của Rice Robotics, cho biết ông rất ấn tượng khi xem các video về máy móc và tòa nhà thân thiện với robot của Naver. Mặc dù robot giao hàng của Rice hoạt động một cách khác, nhưng cách tiếp cận của Naver là “có lý,” anh ấy nói. “Naver rõ ràng có nhiều ngân sách phát triển hơn cho các dự án moonshot này.”
Naver cho biết một đặc điểm nổi bật của robot của họ là chúng cố ý “không có não”, nghĩa là chúng không sử dụng máy tính để xử lý thông tin bên trong máy. Thay vào đó, các robot giao tiếp trong thời gian thực tế qua mạng 5G riêng, tập trung vào tốc độ cao với hệ thống điện toán “đám mây”. Các chuyển động của robot được xử lý bằng cách sử dụng dữ liệu từ camera và cảm biến. Mỗi robot có một số camera ghi lại hình ảnh của môi trường xung quanh.
Có một số bất đồng trong Naver về sự những gì robot cần biết chính xác và cách mà dữ liệu được thu thập nếu được sử dụng. Theo Lee Jin-kyu, giám đốc bảo vệ dữ liệu của Naver, khi các nguyên mẫu đang được phát triển, ban đầu, các kỹ sư muốn robot ghi lại phạm vi nhìn bao quát hơn để đánh giá vị trí của chúng nhanh hơn và chính xác hơn. Jin-kyu lo lắng điều này sẽ dẫn đến dữ liệu có thể được sử dụng để theo dõi nhân viên mà họ không hề hay biết, gây ra các vấn đề pháp lý cho công ty. Ông và các kỹ sư thống nhất chỉ chụp một ảnh mỗi giây từ camera và chỉ sử dụng các camera khác khi cần nhiều hơn.
Máy ảnh chỉ có thể nhìn thấy bên dưới vòng eo của mọi người và hình ảnh sẽ bị xóa ngay sau khi robot tự định hướng. Chức năng khẩn cấp sẽ khởi động nếu robot bị lật đổ hoặc góc quay của camera thay đổi đột ngột. Trong những trường hợp như vậy, robot sẽ thông báo rằng nó có thể ghi lại khuôn mặt của mọi người.
Bất chấp các biện pháp phòng ngừa của Naver, các chuyên gia về quyền riêng tư lo ngại rằng khách hàng tiềm năng có thể sửa đổi robot hoặc tạo chính sách của riêng họ về cách họ thu thập dữ liệu. Kim Borami, một luật sư về quyền riêng tư ở Seoul, nói rằng nhiều công ty Đại Hàn không rõ ràng về chính sách dữ liệu và cô đã gặp phải những trường hợp về các công ty vi phạm luật riêng tư. Borami lưu ý rằng không thể biết chắc liệu Naver có tuân theo các chính sách về quyền riêng tư của riêng mình hay không nếu không được xem xét kỹ hơn vào software, điều mà Naver không chia sẻ công khai. Borami nói: “Bạn thường không phát hiện ra các vi phạm quyền riêng tư trong một công ty cho đến khi có người tố cáo hoặc thông tin bị rò rỉ.”
Naver cho biết họ tuân thủ luật pháp của Đại Hàn về quyền riêng tư và giám sát dữ liệu của nhân viên. Nhưng một phần thách thức với công nghệ nơi làm việc mới, là tạo ra các quy định một cách nhanh chóng.